Hà Nội: Hỗ trợ “cứu hoả” bằng công nghệ cao

GD&TĐ - Những ngày qua, Hà Nội liên tiếp xảy ra những vụ cháy lớn, gây nhiều thiệt hại tài sản.

Vụ cháy tại phố Nguyễn Xiển (Hà Nội) gây thiệt hại lớn về tài sản.
Vụ cháy tại phố Nguyễn Xiển (Hà Nội) gây thiệt hại lớn về tài sản.

Đây cũng là hồi chuông cảnh báo những hiểm họa cháy nổ từ gia đình, cơ sở kinh doanh hay tại lễ hội và nhiều cơ sở di tích khi mở cửa trở lại...

Lửa từ nhà xưởng, quán ăn

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại đơn vị, cơ sở có thể bị gián đoạn, không thường xuyên. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nguồn điện tại các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh tăng cao “ẩn họa” nguy cơ cháy, nổ.

Đơn cử, ngày 12/2, Công an thành phố Hà Nội đã huy động 7 xe cứu hỏa dập tắt đám cháy tại khu đất trống phường Hà Cầu, quận Hà Đông. Đây là khu đất có dự án làm công trình công cộng nhưng bị một số cá nhân lấn chiếm tiến hành dựng nhà hàng, họp chợ.

Ngay sau khi lực lượng chức năng có mặt và dập tắt hoàn toàn đám cháy, không để lây lan ra khu vực lán trại kế bên. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân cháy là do chập điện.

Chỉ 3 ngày sau, khoảng 11 giờ ngày 15/2, tại dãy nhà trên đường Nguyễn Xiển (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) cũng xảy ra cháy lớn. Vị trí cháy tại khu đất trống có nhiều nhà tạm được quây tôn làm cửa hàng nội thất, quán ăn và gara ô tô.

Do gặp vật liệu dễ cháy, nên đám cháy lan sang nhiều dãy nhà. Nhiều cửa hàng ở xung quanh đang được người dân huy động nhân sự chuyển đồ đạc ra ngoài, công tác dập lửa tiến hành khẩn trương.

Lực lượng chức năng đã điều nhiều xe cứu hỏa từ Công an huyện Thanh Trì, Công an quận Hà Đông, Công an quận Thanh Xuân và Đại học Phòng cháy chữa cháy… đến chi viện.

Sau hơn một giờ tích cực chữa cháy, lực lượng chức năng đã dập tắt đám cháy tại ngõ 281, đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều. Đám cháy không gây thiệt hại về người, nhưng đã thiêu rụi nhiều khu vực phía sau dãy nhà lợp tôn nơi xảy ra cháy.

Đặc biệt, mới đây (chiều 17/2), Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) đã phối hợp Cảnh sát giao thông có mặt tại hiện trường, khống chế đám cháy, cứu hộ thành công 10 người trong vụ cháy xe khách trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Chia sẻ về hàng loạt các vụ hỏa hoạn đã xảy ra vừa qua tại TP Hà Nội, trao đổi với PV Báo GD&TĐ, Thượng tá Trần Quyết Thắng - Trưởng Công an huyện Phúc Thọ (Hà Nội) - cho rằng, trong những dịp đầu năm các hoạt động buôn bán, kinh doanh trở lại hoạt động nhiều. Ngoài ra, nhu cầu ăn uống, nhậu nhẹt của người dân dịp xuân nhiều hơn… đã làm tăng nguy cơ xảy ra hỏa hoạn.

“Các thiết bị gas, điện dễ bị rò rỉ khi đun nấu nhiều, nhưng người dân lại có tâm lý chủ quan, không bảo dưỡng, thay thế hay sửa chữa các thiết bị này thì rất dễ gây ra cháy nổ. Người dân cũng không nên vì tâm lý tiết kiệm mà sử dụng lại các loại bình gas mini cũ, sang chiết nhiều lần.

Hoặc người dân sử dụng đồ điện, bếp gas có bộ phận cảm ứng nhiệt tự động ngắt, hoặc kiểm tra bảo dưỡng công tắc, đường điện thường xuyên đảm bảo an toàn...” - Thượng tá Thắng lưu ý.

Dữ liệu nước chữa cháy trên Google Maps

Trước thực trạng cháy nổ vừa qua, ngày 18/2 Công an thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn nước phục vụ chữa cháy.

Công an thành phố Hà Nội đã xác định tọa độ vị trí 100% các nguồn nước có thể phục vụ chữa cháy như các trụ nước chữa cháy, bể nước, nguồn nước tự nhiên trên phạm vi toàn địa bàn thành phố. Đồng thời, cập nhật vào hệ thống với khoảng trên 10.000 dữ liệu.

Hệ thống bản đồ được chuyển giao cho Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an thành phố và toàn bộ 37 đơn vị Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) để triển khai ứng dụng trong công tác điều hành, chỉ huy. Đồng thời, tổ chức chữa cháy, giúp lực lượng cứu hỏa luôn ở thế chủ động, góp phần ngăn chặn và làm giảm số vụ cháy lớn, cháy gây hậu quả nghiêm trọng.

Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, nhấn mạnh, việc triển khai ứng dụng hệ thống dữ liệu nguồn nước phục vụ chữa cháy bằng bản đồ số Google Maps đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực trong công tác tổ chức cứu chữa các vụ cháy.

Khi có cháy xảy ra, hệ thống bản đồ sẽ được sử dụng để tra cứu vị trí của các nguồn nước gần nhất mà lực lượng PCCC&CNCH có thể tiếp cận để khai thác, sử dụng và thông báo đến các lực lượng tham gia chữa cháy biết.

“Khi đến hiện trường đám cháy, người chỉ huy chữa cháy có thể lập tức cho triển khai ngay phương tiện để hút nước tại các nguồn nước và khai thác, sử dụng phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong thời gian lâu dài.

Ngoài ra, việc duy trì ổn định được nguồn nước chữa cháy ngay từ giai đoạn ban đầu sẽ giúp làm giảm số lượng người và phương tiện cần phải huy động để làm nhiệm vụ truyền tiếp nước...”, Đại tá Hiếu cho biết.

Kết quả điều tra, khảo sát và cập nhật vị trí nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy vào bản đồ Google Maps được Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH triển khai công phu qua 3 giai đoạn.

Theo đó, điều tra đối với trụ nước chữa cháy của thành phố và các khu đô thị, khu, cụm công nghiệp, làng nghề. Kết quả có 3.238 trụ nước chữa cháy của thành phố, 722 cái của các khu đô thị, khu, cụm công nghiệp, làng nghề.

Xác định 2.230 nguồn nước tự nhiên như ao, hồ, sông, suối, kênh. 3.670 bể nước thuộc cơ sở, doanh nghiệp có khối tích trên 20m3. Tất cả dữ liệu trên đều được cập nhật đầy đủ trên công cụ tìm kiếm Internet phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy của thành phố.

Trước đó (ngày 17/1/2022), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã ban hành Thông tư số 06 quy định quy trình thực hiện nhiệm vụ công tác PCCC, CNCH trong Công an nhân dân.

Theo đó, Thông tư quy định về quy trình thực hiện nhiệm vụ công tác PCCC, CNCH do sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân thực hiện. Bao gồm: Thẩm duyệt thiết kế, kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC, kiểm định, cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC.

Cùng với đó, cấp, cấp đổi, cấp lại Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC, CNCH, Chứng chỉ hành nghề tư vấn về PCCC, Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC...

Thông tư 06 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/3/2022. Đồng thời, Thông tư số 25 ngày 6/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trình tự thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư 06 có hiệu lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh lính Ukraine ở hậu cứ theo hướng Pokrovsk, vùng Donetsk. Ảnh: Getty Images.

Báo Anh: Hầu hết binh lính mất tinh thần

GD&TĐ - Quân đội Ukraine ngày càng cởi mở hơn với viễn cảnh nhượng bộ lãnh thổ và ngừng bắn trong bối cảnh tinh thần sa sút và áp lực ngày càng tăng.

Họa sĩ Ngô Xuân Bính trình bày về tác phẩm chủ đạo trong triển lãm gốm 'Hiện linh'.

Gốm của 'kỳ nhân'

GD&TĐ - Triển lãm gốm nghệ thuật 'Hiện linh' của tác giả Ngô Xuân Bính đã thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước.