Hà Nội: Hàng trăm giáo viên lo mất việc

GD&TĐ - Đứng trước nguy cơ mất việc, hàng trăm giáo viên hợp đồng tại thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì (Hà Nội) gửi đơn kêu cứu gửi đến Báo GD&TĐ với mong muốn nhận được “cái kết có hậu” để tiếp tục được gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Cô và trò trong lớp học Ảnh:MH
Cô và trò trong lớp học Ảnh:MH

Như ngồi trên đống lửa…

Trong đơn kêu cứu gửi đến Báo GD&TĐ, nhiều giáo viên hợp đồng (GVHĐ) tại thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì (Hà Nội) bày tỏ sự hoang mang, lo lắng trước thông báo chấm dứt hợp đồng từ phía nhà trường nơi họ đang công tác.

Ngày 7/5, trao đổi với Báo GD&TĐ, các giáo viên cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Ba Vì có khoảng hơn 300 GVHĐ, thị xã Sơn Tây có 91 GVHĐ. Trong đó, người có thời gian công tác ít nhất là 4 năm, người nhiều nhất lên đến 23 năm”.

Bà Phùng Thị Hiền, GVHĐ dạy môn Tiếng Anh tại Trường THCS Đồng Thái, huyện Ba Vì, cho biết: “Tính đến nay tôi đã có 23 năm công tác, luân chuyển qua nhiều trường học trên địa bàn, một vài lần dự thi biên chế giáo viên nhưng chưa được may mắn. Nhưng vì yêu nghề, yêu trẻ với mong muốn công hiến trong ngành Giáo dục nên dù lương thấp chúng tôi vẫn theo đuổi”.

 ông Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây

Chung tâm tư như bà Hiền, ông Chu Văn Huy, GVHĐ công tác tại Trường THCS Thái Hòa, huyện Ba Vì, chia sẻ: “Tôi công tác từ năm 1998, qua hơn 20 năm tôi đã giảng dạy ở các trường từ xã vùng núi đến đồng bằng của huyện Ba Vì. Tuy vậy, tổng mức lương và trợ cấp tôi được hưởng đến nay vẫn chỉ ở mức khoảng 1,5 triệu đồng. Để duy trì cuộc sống cho con cái và gia đình, tôi cũng như một số những đồng nghiệp khác phải làm thêm nhiều nghề để tăng thu nhập, như chạy xe taxi, làm thêm công việc đồng áng...”.

Trăn trở như các đồng nghiệp ở huyện Ba Vì, ông Nguyễn Viết Tiến, GVHĐ tại Trường THCS Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, bày tỏ: “Gần 20 năm công tác trong ngành Giáo dục, quá một phần đờingười nhưng vẫn là GVHĐ. Có những lúc tôi đã thoáng nghĩ đến bỏ nghề nhưng không bỏ được, chúng tôi đi dạy không vì đồng lương ít ỏi đó mà vì tình yêu, tâm huyết với nghề. Càng yêu nghề bao nhiêu thì càng tin tưởng và luôn hi vọng sẽ được các cấp lãnh đạo ghi nhận và được đối xử một cách công bằng bình đẳng vào đợt tuyển dụng viên chức tới”.

Theo chia sẻ của ông Tiến, mặc dù đời sống vật chất và tinh thần còn gặp nhiều khó khăn nhưng GVHĐ luôn nỗ lực phấn đấu cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của mảnh đất xứ Đoài. “Trong suốt thời gian công tác, những GVHĐ cũng cống hiến năng lực chuyên môn của mình cho ngành. Nhiều giáo viên từng đạt giáo viên dạy giỏi cấp thị xã, cấp thành phố, thậm chí là giáo viên mũi nhọn trong nhà trường, bồi dưỡng được nhiều học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố và đạt được kết quả” - ông Tiến buồn bã nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, GVHĐ tại Trường TH Quang Trung, tỏ ra lo lắng: “Trong cuộc họp hôm thứ 6 vừa rồi nhà trường có đọc nội dung do UBND thị xã Sơn Tây đưa xuống là tất cả GVHĐ dạy đến hết tháng 5/2019 là chấm dứt hợp đồng, còn sau đấy có kí nữa không thì chưa biết. Sau khi nhà trường đọc xong, chúng tôi rất buồn và lo lắng”.

Không chỉ GVHĐ của thị xã Sơn Tây sẽ bị chấm dứt hợp đồng trước tháng 5/2019, mà theo thông tin của các giáo viên ở huyện Ba Vì cho Báo GD&TĐ biết, thì một số trường trên địa bàn này cũng đã thông báo chấm dứt hợp đồng với họ.

Thông báo chấm dứt hợp đồng của Trường THCS Xuân Sơn, TX Sơn Tây đối với giáo viên hợp đồng
  • Thông báo chấm dứt hợp đồng của Trường THCS Xuân Sơn, TX Sơn Tây đối với giáo viên hợp đồng

Đề xuất của địa phương

Trước những chia sẻ, băn khoăn và lo lắng của những GVHĐ nói trên, ngày 7/5, trao đổi với Báo GD&TĐ ông Lê Đại Thăng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho biết: “Hiện thị xã Sơn Tây có tổng số 91 GVHĐ ở 3 cấp học là MN, TH và THCS. Ngày 7/4, tại cuộc họp do Sở Nội vụ Hà Nội tổ chức có sự tham dự của Sở GD&ĐT Hà Nội cùng lãnh đạo các UBND quận, huyện, thị xã, nguyện vọng, tâm tư, lo lắng của giáo viên các cấp học MN, TH, THCS trên địa bàn Hà Nội đã được truyền tải”.

Theo ông Thăng, tại hội nghị trên, thị xã Sơn Tây đã có ý kiến đề xuất với Sở Nội vụ chuyển từ kế hoạch thi tuyển sang xét tuyển, trong đó không thực hiện thi tiếng Anh và trắc nghiệm kiến thức chung, để Sở có cơ sở làm ý kiến tổng hợp báo cáo thành phố.

Giải thích về ý kiến đề xuất nêu trên, ông Thăng nói: “Nếu tổ chức i, đối với GVHĐ lâu năm sẽ khó có cơ hội trúng tuyển. Vì thực ra có những nội dung trắc nghiệm đối với những giáo viên lâu năm không được cập nhật thì cũng là khó khăn. Nhưng tôi cũng nói rằng, chính những giáo viên lâu năm họ lại có những kiến thức cũng như kĩ năng rất tốt trong vấn đề kinh nghiệm xử lý tình huống xảy ra hàng ngày, diễn ra hàng ngày. Chúng tôi cũng tham mưu, đề xuất để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những giáo viên. Tuy nhiên, cũng phải đảm bảo những quy tắc phù hợp với các quy định”.

Bày tỏ với cảnh ngộ của những GVHĐ, ông Thăng nói: “Chúng tôi rất chia sẻ với những GVHĐ không chỉ ở Sơn Tây và các đơn vị ai cũng có tâm tư tâm trạng. Nhưng với thẩm quyền của mình chúng tôi chỉ có thể làm những việc đề xuất và báo cáo xin ý kiến thành phố”.

Trả lời câu hỏi về việc các trường ra thông báo chấm dứt hợp đồng đối với giáo viên từ ngày 1/6/2019, ông Thăng cho hay: “Đang lúc giáo viên tâm tư, lo lắng như vậy, tôi sẽ yêu cầu các đơn vị báo cáo về nội dung, thông tin đó giải quyết như thế nào, chúng tôi sẽ lắng nghe đầy đủ để có những đường hướng giải quyết và thông tin cụ thể sau”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...
Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".