Điều đáng nói là khi phát hiện vụ việc, người dân đã trình báo với chính quyền sở tại nhưng cho tới giờ, mọi chuyện vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Chùa Nền (tên chữ Hán là Đản cơ tự) được xây dựng từ thời vua Lý Thần Tông. Năm 1992, chùa được Nhà nước công nhận là di tích Văn hóa - Lịch sử.
Ngôi chùa này có một số đồ thờ là cốt lõi linh khí, mang yếu tố tâm linh tối thượng (thuộc hạng mục được bảo vệ theo Luật Di sản) như: Lư hương cổ chạm nổi hình rồng, văn bia, bốn đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn và các pho tượng đồng cổ trong tòa Cửu Long. Tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại, những cổ vật trên đã biến mất một cách khó hiểu”.
Ông Đặng Huynh (SN 1936, nguyên Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm cũ từ năm 1980-1990) - hiện là Phó Ban quản lý di tích phường Láng Thượng, đặc trách khu di tích chùa Nền vừa có đơn tố giác gửi Công an TP Hà Nội về việc một loạt các cổ vật có niên đại hàng trăm năm bị lấy cắp khỏi ngôi chùa nói trên.
Theo đơn tố cáo của ông Huynh, chùa Nền được xây dựng từ thời nhà Lý, có niên đại nhiều thế kỷ. Năm 1992 chùa Nền được Nhà nước công nhận là Di tích văn hóa - lịch sử.
Ngôi chùa này có một số đồ thờ là cốt lõi linh khí mang yếu tố tâm linh tối thượng (thuộc hạng mục được Luật Di sản bảo vệ) như: Lư hương cổ chạm nổi hình rồng, văn bia, bốn đạo sắc phong của các triều nhà Nguyễn và các pho tượng đồng cổ trong tòa Cửu Long.
Trong đơn tố cáo gửi cơ quan điều tra CATP Hà Nội, ông Huynh nêu rõ: “Từ năm 2003, Ni sư Thích Đàm Phương là trụ trì chính chùa Phúc Lâm (quận Ba Đình) về kiêm nhiệm trụ trì chùa Nền, đã làm thất lạc các cổ vật là linh khí nói trên của chùa.
Từ tháng 3/2014, Ni sư Thích Đàm Phương đã rời khỏi chùa Nền. Người dân phát hiện mất cổ vật, nhiều lần bức xúc làm đơn kiến nghị lên chính quyền để truy tìm, thu hồi các cổ vật trên nhưng đến nay không có kết quả.
Chiếc lư hương cổ của chùa Nền đã bị mất |
Trả lời phóng viên VnMedia, cụ Đặng Văn Bàn, một trong các cụ cao niên đã từng được giao nhiệm vụ phục chế lại 4 sắc phong cổ của chùa Nền cho biết:
Trước khi bị mất, 4 sắc phong cổ đã từng được đặt trong cung cung cấm. Các sắc phong này đã được giao cho trụ trì chùa là sư Thích Đàm Phương trông giữ. Thế nhưng từ năm 2012, mặc dù khóa cửa cung cấm không bao giờ bị bẻ, không hiểu sao 4 sắc phong trong hộp đã biến mất .
Không chỉ sắc phong mà 4 pho tượng Phật bằng đồng cổ trên tòa Cửu Long cũng không cánh mà bay. Cụ Đỗ Đình Phúc, người phát hiện ra việc mất các bức tượng này cho biết:
Trước đây, 4 bức tượng cổ bằng đồng đen cùng với 5 bức tượng gỗ được gắn trong 1 vòng tròn lớn đặt tại ban thờ trong khu chùa chính. Nhưng không hiểu sao, tất cả đều biến mất một cách bí ẩn. Ngay kể cả bát hương cổ, Bia cổ từ thời chùa được xây dựng cũng không cánh mà bay.
Chiếc lư hương sứ được dùng để thay thế lư hương cổ đã bị mất tại chùa Nền |
Điều bất thường là tất cả các cụ cao niên, thậm chí cả các phật tử hàng ngày lên chùa tụng kinh niệm Phật chưa bao giờ được nhà chùa thông báo gì về việc mất các cổ vật này. Và chỉ khi phát hiện thấy bát hương, bia cổ và các tượng khác được thay bằng các đồ mới tinh, người dân hỏi sư trụ trì thì mới hay biết.
Tuy nhiên, khi các phật tử của chùa phát hiện ra vụ việc và mời sư trụ trì chùa Nền là Thích Đàm Phương họp để đối chất thì Sư Phương đã không về với lý do bận trụ trì 7 chùa khác.
Người dân đang rất hoài nghi về sự biến mất âm thầm của các cổ vật giá trị nhất của chùa Nền và hoài nghi hơn khi các cổ vật bị mất lại không được cơ quan chức năng về điều tra.
Trả lời việc mất cổ vật tại chùa Nền có được trình báo hay không, đại diện Công an Phường Láng Thượng, đơn vị quản lý an ninh trật tự khu vực này cho biết, do thay đổi về nhân sự nên chưa kiểm tra được có ai đã tiếp nhận đơn trình báo mất trộm hay không, nhưng hiện không nhận được bàn giao về vụ việc điều tra mất cổ vật này.