Hùng Dũng đã vượt qua Quang Hải và Trọng Hoàng để ẵm danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam 2019. Đây là danh hiệu đầu tiên trong sự nghiệp của tiền vệ sinh năm 1993 đang khoác áo Hà Nội FC.
Ngoài Hùng Dũng thì Hà Nội FC còn giành được hai giải thưởng nữa trong Lễ trao giải Quả bóng Vàng Việt Nam 2019. Đó là giải thưởng Cầu thủ ngoại xuất sắc nhất (Pape Omar) và Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất (Đoàn Văn Hậu).
Đây là những chiến thắng được dự báo trước của Hà Nội FC khi những thành viên của đội bóng này có năm 2019 thi đấu rực rỡ trong màu áo câu lạc bộ cũng như ở các cấp độ đội tuyển Việt Nam.
|
Hiện tại, Hà Nội FC (tiền thân là Hà Nội T&T) đã có tổng 5 danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam, ngang bằng với SLNA. Tuy nhiên, Hà Nội FC nhỉnh hơn SLNA khi có 4 cầu thủ khác nhau (Dương Hồng Sơn, Thành Lương, Quang Hải và Hùng Dũng) giành được danh hiệu này, khi SLNA chỉ có 3 cầu thủ (Văn Hạnh, Công Vinh, Văn Quyến).
Thành công về mặt tập thể cũng như cá nhân của Hà Nội FC trong những năm qua cho thấy chiến lược phát triển đúng đắn của đội chủ sân Hàng Đẫy. Nó cũng cho thấy sự kế thừa của đội bóng Thủ đô.
Và trong ngày mà Hà Nội FC thắng lớn ở Lễ trao giải Quả bóng Vàng Việt Nam 2019, người ta lại nghĩ tới HAGL, một trong những câu lạc bộ được yêu thích nhất Việt Nam, có nhiều cầu thủ thường xuyên được ăn cơm tuyển.
Ở Lễ trao giải năm nay, HAGL không có đại diện nào góp mặt trong top đề cử cuối cùng ở các hạng mục giải thưởng. HAGL thậm chí còn kém cả Hải Phòng, Viettel và SLNA, những đội đều có đại diện lọt vào top đề cử cuối.
Với các cổ động viên HAGL thì đây rõ ràng là nỗi buồn khó thể nuốt trôi. Nhưng, dưới góc nhìn của truyền thông và giới chuyên môn, HAGL thất bại ở Lễ trao giải Quả bóng Vàng 2019 cũng như những năm trước đây là điều…đương nhiên.
Bởi vì, kể từ khi bầu Đức đôn lứa “gà nòi” của HAGL lên đá V-League thì đội bóng này mùa nào cũng chật vật trụ hạng. Trong khi đó, để lọt vào đề cử thì mỗi cầu thủ phải có thành tích tốt ở cấp CLB cũng như ĐTQG.
Những Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh hay Tuấn Anh đương nhiên thất thế bởi trong 5 mùa bóng gần nhất thì thành tích cao nhất của HAGL chỉ là vị trí thứ…8 nên không có cửa cạnh tranh với những cá nhân của Hà Nội FC, đội liên tục giành thành tích tốt trong những năm qua.
Ở trên tuyển quốc gia, HAGL có nhiều gương mặt được HLV Park Hang Seo gọi lên, nhưng đa số đều …dự bị trừ Tuấn Anh. Về chất lượng cầu thủ ngoại thì HAGL tuyển được những cầu thủ tốt, nhưng không biết cách phát huy hết năng lực của họ. Có những ngoại binh khi rời Pleiku lại chơi tốt hơn hẳn, điển hình như Rimario.
HAGL chật vật trụ hạng ở mấy mùa giải gần đây (Ảnh: Dương Thuật). |
Về công tác đào tạo trẻ thì sau lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường thì chất lượng đào tạo của Học viện HAGL đang bị đặt dấu hỏi lớn, khi liên tục thất bại ở các giải trẻ trong thời gian gần đây.
Mục tiêu đào tạo của HAGL là cho ra lò những cầu thủ giỏi về chuyên môn, tốt về đạo đức. Ông Đoàn Nguyên Đức luôn tự hào về những sản phẩm do đội bóng phố núi tạo ra, nhưng để những sản phẩm này trở thành thương hiệu, biểu tượng về chuyên môn thì HAGL vẫn chưa làm được.
Bóng đá là môn thể thao giải trí, nhưng nó cũng là công cụ để các ông bầu, các cầu thủ kiếm tiền, kiếm danh hiệu tập thể, cá nhân. Và để đạt được những mục đích đó thì yêu cầu các cầu thủ phải có động lực và khát khao. Tất nhiên, họ cũng phải ở một đội bóng giàu tham vọng và có định hướng rõ ràng.
Ronaldo từ nhỏ đã đặt mục tiêu là phải trở thành Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Do đó, anh miệt mài tập luyện, hoàn thiện kỹ năng, chuyển từ Sporting Lisbon đến MU, Real Madrid và bây giờ là Juventus để chinh phục những đỉnh cao của bóng đá thế giới. Hiện tại, tiền đạo người Bồ Đào Nha đã có cho mình 5 Quả bóng Vàng thế giới và hàng tá những kỷ lục vô tiền khoáng hậu.
Messi - chủ nhân của 6 Quả bóng Vàng thế giới không đá nhiều câu lạc bộ như Ronaldo, anh trưởng thành từ lò đào tạo của Barca và thi đấu từ đó đến tận bây giờ. Barca cũng là đội bóng tin dùng những cầu thủ “cây nhà lá vườn” giống như HAGL đang áp dụng.
Nhưng, Barca có mục tiêu rõ ràng, ra sân là phải chiến thắng, thi đấu là phải có danh hiệu. Nếu trắng tay thì Chủ tịch đội bóng, huấn luyện viên và các cầu thủ sẽ phải chịu trách nhiệm. Thậm chí bị cổ động viên chỉ trích thậm tệ.
Với HAGL thì sao? Động lực thi đấu chính là bài toán lớn nhất với những đứa trẻ nhà bầu Đức lúc này. Thật khó để trách các cầu thủ của HAGL khi bản thân Chủ tịch của họ định hướng chỉ cần đá đẹp mà không cần…danh hiệu.
Lần gần nhất HAGL vô địch V-League là năm 2004. Và với mục đích đá vui, chỉ cần “người ta vỗ tay quá trời”, không cần danh hiệu như quan điểm của bầu Đức thì thử hỏi bao giờ HAGL mới trở lại ngôi vương? Bao giờ các cá nhân của HAGL mới giành được Quả bóng Vàng Việt Nam?.