Hà Nội 'đính chính' về việc hồi sinh loa phường

GD&TĐ -Thành phố Hà Nội chưa bao giờ “khai tử” hệ thống loa phường mà chỉ điều chỉnh cách vận hành, nội dung thông tin để loa phường thực sự đưa thông tin thiết yếu hiệu quả đến với người dân…

Loa truyền thanh gắn bó với người dân Thủ đô nhiều năm qua.
Loa truyền thanh gắn bó với người dân Thủ đô nhiều năm qua.

Đó là nội dung được bà Nguyễn Thị Mai Hương - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội trao đổi với báo chí ngày 27/7 liên quan đến vấn đề dư luận quan tâm về “số phận” loa phường.

“Sống khỏe” vì tiện ích

Bà Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, hiện thành phố có 579 đài truyền thanh của xã, phường, thị trấn đang hoạt động. Loa phường đã và đang có vai trò thông tin tuyên truyền then chốt trong hệ thống thông tin cơ sở. Qua các giai đoạn khác nhau, loa phường đã phục vụ công tác tuyên truyền rất hiệu quả.

Theo bà Hương, thông tin tuyên truyền nói chung và tại cơ sở nói riêng ngày càng có vai trò quan trọng, đóng góp vào sự ổn định và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, Thủ đô và từng địa phương.

Trong đó, đài truyền thanh là hình thức thông tin cơ sở phát huy hiệu quả trong việc giúp người dân tiếp nhận đầy đủ thông tin thiết yếu, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.

Đặc biệt, trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua, với yêu cầu cấp bách về truy vết, khoanh vùng, dập dịch đòi hỏi thông tin phải nhanh chóng, kịp thời, thường xuyên, liên tục.

Bên cạnh đó, thời gian thực hiện giãn cách xã hội và các đợt tiêm chủng yêu cầu thông tin thông suốt, có tính định hướng, bao phủ rộng, đều được hệ thống đài cơ sở truyền tải đầy đủ và được người dân ghi nhận.

Nhiều cán bộ phụ trách đài vừa tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch ở địa phương, vừa làm công tác thông tin, tuyên truyền để kịp phổ biến đến nhân dân những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cập nhật tình hình của địa phương, không quản ngày, đêm.

Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội, thực tiễn cho thấy, có lúc, có nơi, người dân còn bức xúc với loa truyền thanh phường do nội dung chưa phong phú, chất lượng phát thanh chưa cao, bố trí khung thời gian, chương trình chưa hợp lý.

Thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở, thành phố Hà Nội đặc biệt yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động thông tin cơ sở. Trong đó, có truyền thanh cơ sở, cả về nhân lực và cơ sở vật chất, nhằm cung cấp cho người dân thông tin chính xác, kịp thời, phong phú, chất lượng.

Hà Nội cũng chú trọng chuyển đổi số trong hoạt động thông tin cơ sở, làm tốt nhiệm vụ đưa thông tin thiết yếu đến người dân. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của thành phố, thúc đẩy phát triển Thủ đô và đất nước.

Báo cáo của Sở TT&TT Hà Nội, ngày 21/7 vừa qua, UBND TP Hà Nội có kế hoạch về việc thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn thành phố.

Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là phát triển mạng lưới thông tin cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện đại, đồng bộ, bảo đảm kết nối với Trung ương, thống nhất từ Trung ương đến thành phố, cấp huyện, cấp xã.

Các mục tiêu này đảm bảo nhất quán, cụ thể hóa các mục tiêu chung tại Quyết định số 135 (ngày 20/1/2020) của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở nhằm đổi mới phương thức cung cấp thông tin, nâng cao chất lượng nội dung thông tin để cung cấp, trao đổi thông tin theo hướng chủ động, kịp thời, chính xác và hiệu quả.

Căn cứ Quyết định 1381 (ngày 7/9/2021) của Bộ TT&TT, thành phố Hà Nội cũng đề ra các nhóm nhiệm vụ đồng bộ. Trong đó, với các đài truyền thanh cơ sở sẽ dần chuyển đổi công nghệ sang sử dụng phương thức truyền đưa tín hiệu âm thanh, dữ liệu trên hạ tầng viễn thông, Internet theo quy định tại Thông tư số 39 (ngày 24/11/2020) của Bộ TT&TT.

Qua đó, sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh, chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói.

Phục vụ cho giáo dục

Bà Lê Thị Khanh - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, là một trong bốn quận nội thành từng tạm dừng hoạt động loa truyền thanh thì khi hoạt động trở lại được nhân dân phấn khởi chào đón. Đến nay, hệ thống mạng lưới loa truyền thanh tại 14 phường của quận Ba Đình hiện hoạt động hiệu quả.

“Từ ngày 12/3/2021 khi được khôi phục lại loa phường, nhân dân rất phấn khởi bởi không chỉ thông tin về chống dịch khi đó. Loa truyền thanh phát huy tốt hiệu quả tuyên truyền và cung cấp thông tin.

Loa truyền thanh tuyên truyền thông tin gì người dân cần nhất, quan tâm nhất tại địa phương. Đơn cử như: Ngày giờ, địa điểm, thủ tục làm căn cước công dân...”, bà Khanh chia sẻ.

Theo kế hoạch của UBND quận Ba Đình, thời gian tới tiếp tục tăng cường loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin (sử dụng Internet).

“Ba Đình đang sử dụng loa truyền thanh không dây dùng sóng. Quận từng bước đầu tư, bổ sung loa truyền thanh tại những vị trí chưa có loa truyền thanh không dây bằng loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin.

Bước đầu sử dụng song song cả 2 loại loa truyền thanh trên vì đầu tư thay thế ngay sẽ rất tốn kém. Quận Ba Đình phấn đấu đến năm 2025 có 100% loa phường sử dụng công nghệ thông tin...”, bà Khanh thông tin.

Còn tại vùng ngoại thành Hà Nội, ông Hoàng Mạnh Cường - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phúc Thọ cho biết, cùng với báo chí thì loa truyền thanh cũng góp phần quan trọng truyền tải thông tin tuyển sinh cho ngành Giáo dục.

“Các trường (mầm non, tiểu học, THCS) tổ chức tuyển sinh ngày nào? Đối tượng nộp hồ sơ, bao nhiêu chỉ tiêu? Quy trình nộp hồ sơ? được công khai trên loa truyền thanh của xã, thị trấn phát huy hiệu quả. Trong khi nhiều phụ huynh bận đi làm đồng, kinh doanh không tra cứu mạng hay có thời gian đến trường tìm hiểu thì qua loa truyền thanh để nhắc nhở giúp phụ huynh nắm bắt thông tin kịp thời…”, ông Cường nói.

Ông Cường cũng cho biết, hiện các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đều có loa truyền thanh. “Ngoài loa truyền thanh đi từng lớp học theo hệ thống đường truyền thì các trường đều có loa chung toàn trường. Đặc biệt, trường mầm non vào đầu giờ với bài hát tuổi thơ tạo không khí vui tươi. Truyền thanh trong nhà trường là bắt buộc không thể thiếu được…”, ông Cường nhấn mạnh.

Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phúc Thọ, với địa bàn nông thôn, không phải 100% người dân đã có điện thoại thông minh. Bởi vậy, hoạt động của loa truyền thanh rất hiệu quả. “Sáng sớm và chiều muộn, thông tin từ loa truyền thanh địa phương được người dân quan tâm…”, ông Cường nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ