Hà Nội: Điệp khúc thiếu đất, thiếu trường

GD&TĐ - Hà Nội có nhiều nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học, với mục tiêu không để HS thiếu chỗ học. Nhưng tình trạng chung cư cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, áp lực dân số tăng cao đang tạo sức ép lớn cho ngành Giáo dục Thủ đô.  

HS trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai) - ngôi trường có số HS lớp 1 đông nhất Hà Nội. Ảnh: Vân Anh
HS trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai) - ngôi trường có số HS lớp 1 đông nhất Hà Nội. Ảnh: Vân Anh

Trường lớp không theo kịp gia tăng dân số

Năm học 2019 - 2020, số HS vào lớp 1 tại Hà Nội khoảng 167.000 em, tăng hơn 30.000 so với số HS lớp 5 ra trường. Số HS tuyển sinh vào lớp 6 khoảng 132.000 em, tăng xấp xỉ 30.000 so với số HS lớp 9 ra trường. Chênh lệch số HS vào – ra trường khiến Hà Nội đứng trước áp lực lớn về cơ sở vật chất.

Bà Lê Mai Trang - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết: Trong những năm gần đây, quận dành kinh phí lớn đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị dạy học của các nhà trường. Năm học 2019 - 2020, quận đưa vào sử dụng 5 trường công lập mới, trong đó có 2 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 2 trường THCS. Tuy vậy, với lượng nhập cư đông đúc, không thể tránh khỏi lượng HS đăng ký vào các trường trên địa bàn tăng vọt.

Ông Trần Quý Thái - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai thông tin: Năm học 2019 - 2020, số HS trong độ tuổi vào lớp 1 trên địa bàn quận là 9.580 em. Số HS trong độ tuổi vào lớp 6 là 8.220 em. Các trường có số HS cao là Tiểu học Chu Văn An (809), Tiểu học Hoàng Liệt (1.012), Tiểu học Định Công (915).

Theo số liệu điều tra vào tháng 6/2019, riêng phường Hoàng Liệt có khoảng 1.800 HS đến tuổi vào lớp 1, trong khi số HS lớp 5 ra trường chỉ có 500 em. Mặc dù trên địa bàn phường có hai trường tiểu học là Chu Văn An và Hoàng Liệt với 72 phòng học, nhưng không đủ để đáp ứng nhu cầu. Giải pháp được đưa ra là cải tạo cơ sở vật chất hiện có để bổ sung phòng học, bố trí mô hình học hợp lý để vừa đáp ứng nhu cầu học 2 buổi/ngày, tiến tới giảm sĩ số HS/lớp.

Thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội cho thấy, trong 10 năm gần đây, nếu như số HS tăng 41%, thì số trường cũng đã tăng 37%. Tính đến hết năm 2018, Hà Nội đã xây dựng, cải tạo vượt so với kế hoạch hơn 300 trường học, nhưng một số nơi vẫn xảy ra tình trạng quá tải cục bộ, đặc biệt là những khu đô thị mới.

Báo cáo mới nhất của HÐND thành phố Hà Nội về kết quả giám sát việc xây dựng trường học tại các khu đô thị trên địa bàn thành phố từ năm 2016 đến nay chỉ rõ: Có nhiều dự án khu đô thị mới, khu nhà ở có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường phổ thông, nhưng việc đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, chậm xây dựng công trình trường học, nhà trẻ so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên là do chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc quy hoạch được phê duyệt. Việc kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư thực hiện xây dựng theo quy hoạch chưa chặt chẽ. Các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã chưa thường xuyên cập nhật số liệu, tình hình đầu tư xây dựng trường học trong các khu đô thị trên địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ quản lý được giao.

Nội thành thiếu đất, ngoại thành thiếu tiền

Việc tăng cường đầu tư xây dựng, mở rộng cơ sở vật chất trường, lớp học luôn được ngành Giáo dục Thủ đô đặt là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của năm học, nhất là trong bối cảnh quy mô HS ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc xây dựng và mở rộng cơ sở vật chất trường, lớp học tại Hà Nội những năm gần đây vấp phải rào cản khó gỡ, đó là ở nội thành thì thiếu đất, ngoại thành thiếu kinh phí.

Điển hình như quận Hai Bà Trưng mất gần 4 năm mới hoàn thành việc xóa trắng trường mầm non công lập tại phường Thanh Nhàn và Lê Đại Hành vào năm 2014. Theo ông Vũ Văn Hoạt - Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng hoặc mở rộng trường học trên địa bàn quận là thiếu quỹ đất, dẫn đến tình trạng sĩ số HS ở nhiều trường vượt quá quy định. Tỷ lệ HS trung bình/lớp ở các trường tiểu học của quận Hai Bà Trưng hiện là 45 HS/lớp, trong khi quy định là 35 HS/lớp.

Còn ông Phạm Gia Hữu - Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân trao đổi: Từ năm 2015 đến nay, ngân sách đầu tư cho giáo dục hằng năm của quận luôn chiếm tới 60%, song việc bố trí quỹ đất để xây dựng thêm hoặc mở rộng các trường hiện có rất khó khăn. Một số trường tiểu học chịu áp lực tuyển sinh rất lớn và có sĩ số trung bình 60 HS/lớp như: Đặng Trần Côn, Thanh Xuân Trung, Phan Đình Giót...

Khác với các quận, rào cản chung của các huyện: Ba Vì, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ứng Hòa… lại là kinh phí xây dựng trường học. Theo chia sẻ của ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, những năm vừa qua, lãnh đạo huyện quan tâm, bố trí quỹ đất dành cho giáo dục, song do nguồn vốn hạn hẹp, nên vẫn còn khó khăn. Ước tính, nhu cầu về xây dựng trường học mỗi năm của huyện cần từ 300 - 400 tỷ đồng. Hai thị trấn là Chi Đông và Quang Minh - nơi tập trung hơn 10.000 công nhân khu công nghiệp Quang Minh ở trọ còn thiếu trường trong khi quỹ đất thì vẫn còn, nhưng lại không có kinh phí xây dựng.

Tương tự, tại huyện Ba Vì, so với nhu cầu học tập huyện còn thiếu hàng trăm phòng học, chưa kể còn tới hàng chục trường do xây dựng từ lâu, đã xuống cấp, cần kinh phí để sửa chữa. Trong khi đó, việc huy động xã hội hóa từ phụ huynh HS gần như không thể, bởi kinh tế của nhiều gia đình còn khó khăn. “Tình trạng có đất nhưng thiếu tiền xây phòng học, trường học vẫn diễn ra”, ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng phòng GD&ĐT trăn trở.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.