Ông Võ Tiến Hùng cho biết, về hiệu quả chế phẩm Redoxy-3C trong xử lý nước sông hồ ô nhiễm qua thực tế sử dụng cho thấy đạt chất lượng tốt. "Nước sông, hồ sau xử lý bằng chế phẩm này đạt các chỉ tiêu theo quy định...", ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, công nghệ xử lý của Nhật Bản hiện đang được Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) áp dụng tại sông Tô Lịch đang trong quá trình thử nghiệm, chưa công bố kết quả và cũng chưa rõ giá thành. Theo đó, để có thể so sánh giữa hai công nghệ này cần phải chờ kết quả từ việc xử lý ô nhiễm bằng công nghệ của Nhật Bản.
“Quan điểm thành phố Hà Nội là hết sức trân trọng ý tưởng thử nghiệm, tổ chức triển khai thí điểm. Công nghệ nào hiệu quả, giúp thành phố tiết kiệm được chi phí, giá thành thì sẽ được lựa chọn”, ông Võ Tiến Hùng khẳng định.
Những thông tin khác liên quan đến chế phẩm Redoxy 3c, đại diện hai đơn vị cho biết hiện thành phố đang chờ kết quả từ việc thanh tra toàn diện việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm này. Kết quả thanh tra sẽ sớm được công bố khi có kết quả chính thức.
Nói về dự án bổ cập nước từ sông Hồng vào hồ Tây để làm sống lại sông Tô Lịch, ông Võ Tiến Hùng cho biết, Hà Nội áp dụng nhiều giải pháp, trong đó có việc tách nước thải đưa về xử lý tại trạm xử lý nước thải Yên Xá.
"Có một số nhà khoa học có nói việc bổ cập nước sông Tô Lịch là đẩy nước thải xuống vùng hạ lưu và cho rằng đây chỉ là là giải pháp phần ngọn. Hà Nội hiện đang tách nước thải, đưa về hạ lưu cuối nguồn là trạm xử lý nước thải Yên Xá chứ không xả thải thẳng ra sông, dự án đang triển khai chứ không phải nằm trên giấy tờ, dự kiến 4 năm nữa là xong...", ông Võ Tiến Hùng thông tin.
Việc phải bổ cập nước hồ Tây vào sông Tô Lịch, giải quyết cho 2 vấn đề hồ Tây vào mùa khô nước cạn kiệt, không có bổ cập nước nào khác là nước mưa, gây ra ô nhiễm. Việc bổ cập nước cho hồ Tây là hết sức cần thiết. Nguồn nước từ nước mặt sông Hồng dễ xử lý và tiết kiệm chi phí.
Hiện nay không bổ cập nước thải vẫn thường xuyên chảy xuống hạ lưu. Hà Nội đã làm việc với các tỉnh yêu cầu đóng cửa đập, dùng bơm hạn chế tối đa nước thải đưa xuống Hà Nam qua sông Nhuệ. Bổ cập nước đương nhiên nước thải được pha loãng đỡ hơn không được pha loãng. Kinh phí đang xây dựng, đề xuất phương án, nếu thông qua sẽ có mức kinh phí khoảng 150 tỷ, phương án rẻ nhất, tối ưu nhất.