Hà Nội đánh giá công tác phổ cập bơi và triển khai hoạt động hè cho HS

GD&TĐ - Ngày 5/5, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá công tác phổ cập bơi và triển khai kế hoạch hoạt động hè năm 2017.

Những năm qua việc phổ cập bơi và phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn Hà Nội đã được triển khai rộng rãi và đạt được những thành tích đáng ghi nhận
Những năm qua việc phổ cập bơi và phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn Hà Nội đã được triển khai rộng rãi và đạt được những thành tích đáng ghi nhận

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - cho biết: Những năm qua, công tác phổ cập bơi và phòng, chống tai nạn đuối nước cho HS trên địa bàn TP được Sở GD&ĐT triển khai rộng rãi và đạt được những thành tích bước đầu. Mô hình “bể bơi thông minh” được lắp đặt trong các trường học để dạy bơi cho HS đã phát huy hiệu quả.

Điển hình là một số quận huyện như: Quận Thanh Xuân – năm 2016, tổng số HS lớp 5 đã biết bơi là 2.845 HS, đạt tỷ lệ 97% HS đủ sức khoẻ biết bơi; huyện Thanh Trì – đến nay đã cơ bản phổ cập bơi cho HS tiểu học và THC; quận Cầu Giấy - UBND quận giao phòng GD&ĐT phối hợp với trung tâm TDTT dạy miễn phí cho trên 2000 HS trong dịp hè 2016; hay như thị xã Sơn Tây tuy chỉ có duy nhất 01 bể bơi tại Trung tâm TDTT thị xã, nhưng mỗi khi vào dịp hè đều mở các lớp dạy bơi miễn phí cho HS chưa biết bơi…

Tuy nhiên, hiện cơ sở vật chất, trường có diện tích để xây bể bơi thì gặp khó khăn về kinh phí, trường có khả năng huy động được vốn lại không có diện tích. Hay đội ngũ GV giảng dạy còn nhiều hạn chế. Một số yếu tố khác cũng khiến công tác phổ cập bơi gặp khó khăn, như: thời tiết, ý thức của một số địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về công tác phổ cập bơi cho HS, dẫn đến chưa quan tâm tới công tác này, tỷ lệ HS tiểu học được phổ cập bơi chưa cao, chưa đồng đều tại các quận, huyện, thị xã...

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, để khắc phục những hạn chế, tồn tại và phát huy hơn nữa công tác phổ cập bơi, thời gian tới các phòng GD&ĐT cần tham mưu với UBND quận, huyện, thị xã đầu tư kinh phí cho các nhà trường xây bể bơi mini hoặc lắp đặt “bể bơi thông minh” để dạy bơi cho HS trong dịp hè; Tăng cường công tác bồi dưỡng đội ngũ GV có chuyên môn bơi để tự đảm nhiệm việc dạy bơi cho HS; Rà soát số HS chưa biết bơi để xây dựng kế hoạch sát với thực tế từng năm và triển khai công tác dạy bơi cho HS đạt hiệu quả cao; Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc phổ cập bơi và phòng chống đuối nước cho HS coi đây là trách nhiệm của cả cộng đồng. Giáo dục kỹ năng, xử lý tình huống và biết cách phòng, tránh các nơi nguy hiểm có thể xảy ra tai nạn đuối nước; biết tìm sự giúp đỡ của người lớn khi có sự cố xảy ra.

Tại Hội nghị, Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai kế hoạch tổ chức hoạt động hè cho HS, yêu cầu các trường chủ động phối hợp cùng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội xây dựng kế hoạch tổ chức bàn giao HS về sinh hoạt hè tại địa phương và tiếp nhận HS trở lại trường học tập sau khi kết thúc kỳ nghỉ hè.

Cùng với đó, tổ chức các hoạt động GD truyền thống, GD đạo đức pháp luật như tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc di tích lịch sử văn hoá cách mạng và công trình ghi công liệt sĩ, khuyến khích HS tham gia các hoạt động vui chơi giải trí ở câu lạc bộ, thư viện, nhà văn hoá, sân chơi thể thao…

Đặc biệt, các nhà trường phải chú trọng triển khai các biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho HS, tổ chức các lớp dạy bơi nhằm nâng cao kỹ thuật bơi, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho HS. Tăng cường GD, định hướng cho HS ý thức tự chọn các nội dung khi sử dụng internet theo hướng lành mạnh, bổ ích, đảm bảo sức khoẻ. Bố trí cán bộ mở cửa thư viện cho HS đọc sách báo, tài liệu…

Cùng với đó, hiệu trưởng các nhà trường, Giám đốc các Trung tâm Giáo dục thường xuyên lập kế hoạch ôn tập văn hóa trong dịp hè cho những HS có nguyện vọng được phụ đạo hoặc bồi dưỡng, chú ý đối tượng HS yếu, kém và chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của đơn vị mình theo đúng quy định về dạy thêm, học thêm của UBND TP Hà Nội..

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bệnh nhân chỉ uống nước đường phèn pha chanh gừng trong 10 ngày liên tiếp rồi chuyển sang ăn tinh bột. Ảnh: BVCC

Nguy kịch do nhịn ăn gián đoạn

GD&TĐ - Theo bác sĩ ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương, việc nhịn ăn gián đoạn và ăn uống mất cân đối không thể hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường.