Hà Nội cũng gặp khó về cơ sở vật chất khi triển khai chương trình mới

GD&TĐ - Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tại Hà Nội bên cạnh thuận lợi là chủ yếu, vẫn còn gặp những khó khăn nhất định.

Học sinh Trường THPT Kim Liên (Hà Nội)
Học sinh Trường THPT Kim Liên (Hà Nội)

Trường tốp đầu cũng... gặp khó

Nổi tiếng với với chất lượng đào tạo “rất cao”, đội ngũ giáo viên trình độ chuyên môn cao, năng động, sáng tạo, tâm huyết với nghề nghiệp, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có nhiều thuận lợi trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo thầy Bùi Văn Phúc, Phó hiệu trưởng nhà trường, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cơ bản diễn ra thuận lợi. Đội ngũ giáo viên được tiếp xúc với nhiều môi trường giáo dục hiện đại, năng động, đa số có khả năng thích ứng tốt với chương trình mới.

Với học sinh, đa phần học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có nhận thức tốt, chủ động trong học tập nên có khả năng tốt trong tiếp nhận chương trình, cách học mới.

Để triển khai chương trình mới hiệu quả, cần bổ sung thiết bị và phương tiện dạy học thực nghiệm như trong các môn tự nhiên, công nghệ… Đặc biệt, hạ tầng Tin học của nhà trường đã được đầu tư từ lâu, cần được đầu tư đồng bộ để đáp ứng yêu cầu dạy chương trình mới. - thầy Bùi Văn Phúc.

Tuy vậy, thầy Bùi Văn Phúc cho biết, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất hiện có của nhà trường không thể đáp ứng tất cả nhu cầu đa dạng về việc lựa chọn tổ hợp các môn học tự chọn của học sinh.

Cơ sở vật chất của nhà trường đã được sự quan tâm đầu tư của thành phố, tốt hơn so với một số trường công lập trên địa bàn, nhưng vẫn chỉ đáp ứng một phần việc thực hiện chương trình mới.

Là trường THPT không chuyên tốp đầu của thành phố Hà Nội với chất lượng đầu vào của học sinh rất cao, Trường THPT Kim Liên có nhiều thuận lợi khi triển khai chương trình GDPT 2018.

Theo cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Hiền, 1 học kỳ thực hiện chương trình GDPT mới đối với lớp 10 đã diễn ra thuận lợi. Có điều này là do nhà trường đã tập trung nguồn lực để làm tốt ngay từ khâu chuẩn bị cơ sở vật chất trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, tranh thủ sự ủng hộ của cha mẹ học sinh và học sinh.

Dù có nhiều thuận lợi, song Trường THPT Kim Liên cũng đứng trước một số khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất. Các dãy nhà học đưa vào sử dụng trên 30 năm (từ năm 1990) nên đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh.

Do nằm trong quận nội thành, không gian hạn chế nên nhà trường không có nhà đa năng, sân chơi chật hẹp. Thiết bị dạy học còn thiếu, cũ kỹ, lạc hậu chưa được đầu tư mua sắm tập trung đúng hạng mục đề xuất, chưa đáp ứng được mục tiêu giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cơ cấu giáo viên dịch chuyển do nhu cầu học tập các môn học lựa chọn của học sinh thay đổi, dẫn đến hiện tượng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, việc phân công chuyên môn chưa thật sự đồng đều. Nhận thức của một số cha mẹ học sinh và học sinh còn hạn chế nên việc lựa chọn môn học cảm tính, dẫn đến việc xin đổi môn học lựa chọn.

Học sinh hào hứng với các giờ học của chương trình GDPT mới.

Học sinh hào hứng với các giờ học của chương trình GDPT mới.

Nhận diện khó khăn

Theo báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội gửi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khó khăn lớn nhất của các trường học hiện nay là điều kiện cơ sở vật chất nhằm đáp ứng chương trình, SGK mới.

Tỷ lệ đáp ứng chung thiết bị cơ sở giáo dục phổ thông công lập năm học 2022-2023 toàn thành phố chỉ đạt 71,5% và không đồng đều đối với mỗi cấp học.

Điều kiện đảm bảo là học sinh tiểu học không quá 35 học sinh/lớp và học sinh trung học không quá 45 học sinh/lớp. Lớp học cũng phải đảm bảo điều kiện theo quy chuẩn mới của Bộ.

Thành phố Hà Nội hiện còn có 200 phòng học bán kiên cố. Việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp ở một số quận chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập. Cấp THPT đảm bảo yêu cầu tối thiểu là 0,6 lớp/phòng để tổ chức học các môn tự chọn.

Một số địa phương chịu áp lực tuyển sinh vì dân số cơ học tăng nhanh, một số khu đô thị mới với quy mô dân số lớn song không đảm bảo tiến độ xây dựng trường học trong khu đô thị theo quy hoạch (như quận Hoàng Mai, quận Hà Đông...).

Diện tích đất một số trường trong các quận trung tâm chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (như quận Hoàn Kiếm, quận Đống Đa…). Một số trường học, sĩ số học sinh/lớp còn cao.

Một số cơ sở giáo dục tại các huyện ngoại thành nguồn lực tài chính còn hạn hẹp nên việc đầu tư cho mua sắm thiết bị dạy học phòng học, phòng chức năng còn hạn chế, khó đáp ứng ngay quy định.

Chương trình GDPT 2018 thực hiện dạy học tích hợp theo ba định hướng: Tích hợp nội môn, tích hợp liên môn và tích hợp xuyên môn. Trong việc triển khai ba định hướng trên, thách thức đáng kể nhất là dạy các môn học tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí ở cấp THCS.

Tuy nhiên, phát triển đội ngũ giáo viên thực hiện dạy học các môn học theo yêu cầu tích hợp đang là một vấn đề khó khăn trong việc thực thi chương trình, chưa có giáo viên đủ năng lực thực sự để đảm nhận. Nếu để giáo viên dạy riêng thành phân môn sẽ gặp khó khăn trong việc bố trí vì kiến thức có sự đan cài khá chặt chẽ, nhưng để cho 1 giáo viên dạy cùng lúc cả ba phân môn hiệu quả sẽ không cao.

Hiện còn một số trường tỷ lệ giáo viên/lớp trung bình thấp, chưa đạt được tỷ lệ giáo viên/lớp đảm bảo để tổ chức thuận lợi dạy học 2 buổi/ngày. Một số trường thiếu giáo viên các môn chuyên biệt. Khả năng sử dụng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy; khả năng tiếp cận phương pháp giảng dạy hiện đại còn hạn chế ở một số CBQL, giáo viên.

Để thực hiện Chương trình GDPT 2018 cần giải quyết căn cơ vấn đề tình trạng đội ngũ giáo viên sẽ thừa, thiếu cục bộ, một số giáo viên đơn môn sẽ thừa, trong khi giáo viên môn nghệ thuật sẽ thiếu trầm trọng. Việc đưa môn Nghệ thuật vào chương trình cấp THPT... cũng đòi hỏi bổ sung giáo viên. Đó là những thách thức không nhỏ trong việc thực hiện chương trình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...