Ngày 4/6, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị hướng dẫn coi thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2024-2025 với sự tham gia của 201 điểm trưởng điểm thi, lãnh đạo các phòng GD&ĐT và các đơn vị, cá nhân liên quan.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 tại Hà Nội có trên 117.000 lượt thí sinh đăng ký tham gia dự thi. Trong đó có gần 106.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi lớp 10 công lập; hơn 11.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi môn chuyên; hơn 250 lượt thí sinh dự thi song bằng.
Để chuẩn bị tốt cho công tác tổ chức thi, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thành lập 201 điểm thi với hơn 4.500 phòng thi chính thức, hơn 400 phòng thi dự phòng đặt tại các THCS, THPT trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã.
Đại diện các đơn vị nêu ý kiến về nội dung liên quan đến cơ sở vật chất điểm thi, cách sắp xếp, bố trí phòng thi. |
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã huy động gần 15.500 lượt cán bộ, giáo viên tham gia công tác coi thi, hơn 2.000 cán bộ chấm thi. Đồng thời, Sở cũng huy động hơn 600 cán bộ làm công tác thanh tra tất cả các khâu của kỳ thi như chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, xét tuyển thẳng, công nhận trúng tuyển...
Nếu tính cả lực lượng tình nguyện viên, an ninh, công an, tại kỳ thi vào lớp 10 năm nay, TP Hà Nội đã huy động xấp xỉ 20.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên, người tham gia công tác làm thi. Số này có thể đông gấp đôi số thí sinh dự thi lớp 10 của một số địa phương trên cả nước.
Tại hội nghị, ông Nghiêm Văn Bình - Phó Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT Hà Nội) nêu một số lưu ý trong công tác coi thi, trong đó có việc nhắc nhở thí sinh kiểm tra tình trạng của đề thi và báo cho cán bộ coi thi chậm nhất 5 phút từ thời điểm bắt đầu tính giờ làm bài.
Rút kinh nghiệm năm trước, tại kỳ thi năm nay sẽ có bì đề thi chính thức và bì đề thi dự phòng có đóng dấu đỏ. Do vậy, khi nhận đề thi, ngoài việc kiểm soát số môn thi tại điểm thi, đối chiếu các bì đề thi thì trưởng điểm thi còn nhận các bì đề thi dự phòng. Bì đề dự phòng chỉ sử dụng trong trường hợp đặc biệt, tuân thủ đúng quy trình quy định đóng mở niêm phong.
Về cơ sở vật chất tại các điểm thi, bà Đoàn Thị Kiều Oanh - Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Tính đến hết ngày 3/6, 19 đoàn kiểm tra đã hoàn thành kiểm tra tại 100% các điểm thi. Về cơ bản, các điểm thi đều chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức kỳ thi.
Ban chỉ đạo thi quận, huyện, thị xã đã sẵn sàng về nhân lực theo quy định với quyết tâm tổ chức kỳ thi an toàn, minh bạch, thực chất. Các trưởng điểm thi và các thành phần liên quan đã được tập huấn quy trình tổ chức kỳ thi, trong đó có khâu coi thi.
Đại diện Công an Thành phố Hà Nội hướng dẫn cho các cán bộ coi thi về cách nhận diện và ngăn chặn việc thí sinh sử dụng các thiết bị công nghệ cao để gian lận. |
Tại hội nghị, đại diện Công an Thành phố Hà Nội hướng dẫn cho các cán bộ coi thi về cách nhận diện và ngăn chặn việc thí sinh sử dụng các thiết bị công nghệ cao để gian lận; hướng dẫn phương án xử lý các tình huống bất thường trong quá trình coi thi như thí sinh bị ốm, thí sinh đến muộn.
Cùng với đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đã giải đáp thắc mắc của Ban Chỉ đạo thi tuyển sinh một số quận, huyện, thị xã và trưởng các điểm thi về những nội dung liên quan đến cơ sở vật chất điểm thi, cách sắp xếp, bố trí phòng thi; đồng thời quán triệt các đơn vị tiếp tục có phương án tối ưu, tạo mọi điều kiện tốt nhất trong công tác tổ chức thi.
Ghi nhận công tác chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc của các đơn vị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương lưu ý, các đơn vị tiếp tục rà soát kỹ điều kiện cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống điện, nước, điều hòa, quạt mát tại các phòng thi; đồng thời lường trước được những tình huống có thể phát sinh để chủ động ứng phó, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho thí sinh.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh nguyên tắc “3 chủ động, 4 đúng, 3 không” trong công tác tổ chức kỳ thi vào lớp 10. Cụ thể, “3 chủ động” là: chủ động làm tốt công tác thông tin tuyên truyền; chủ động đề xuất chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất phục vụ thi; chủ động báo cáo và xử lý thông tin. “4 đúng” là: đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng, đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ; đúng trong xử lý bất thường. “3 không” là: không lơ là, chủ quan; không quá căng thẳng, áp lực; không tự ý xử lý tình huống.