Ông Nguyễn Đức Hòa – Giám đốc BHXH Hà Nội cho biết, trong quá trình thực hiện chi trả quỹ BHYT còn nhiều khó khăn, nguyên nhân do Bộ Y tế chưa kịp thời ban hành các quy định như việc đấu thầu vật tư y tế, thực hiện xã hội hóa tại các cơ sở KCB, các phác đồ chuyên môn hướng dẫn, chẩn đoán điều trị chuẩn, quy trình chuyên môn kỹ thuật trong KCB chưa đầy đủ…
Theo ông Nguyễn Đức Hòa, kể từ khi áp dụng giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37, từ ngày 1/3/2016, thì quỹ BHYT trên địa bàn Hà Nội bội chi, trong đó tỷ trọng chi cho tiền giường điều trị tăng rất mạnh. Thực tế chi phí tiền giường tại các bệnh viện tuyến huyện chiếm 56% trong tổng chi phí KCB BHYT nhưng chi phí tiền thuốc điều trị nội trú chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng số chi phí KCB BHYT, chi phí tiền giường gấp 2,8 lần tiền thuốc.
“Một số cơ sở KCB BHYT chỉ định bệnh nhân vào nội trú rộng rãi và kéo dài ngày nằm viện, qua kiểm tra có chỉ định các bệnh cúm thông thường, viêm họng… vào nằm nội trú. Kéo dài ngày điều trị, nằm hồi sức tích cực, hồi sức cấp cứu, tình trạng bệnh không cần nằm hồi sức tích cực, hồi sức cấp cứu. Chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng không đúng theo Thông tư 35, Quyết định số 4086 và các hướng dẫn chẩn đoán điều trị, quy trình chuyên môn, quy trình kỹ thuật của Bộ Y tế” – ông Hòa nêu thực trạng.
Ngoài ra, một số cơ sở KCB BHYT thực hiện việc liên thông dữ liệu KCB ngay trong ngày với hệ thống thông tin giám định BHYT chưa nghiêm túc. Một số giám định viên trách nhiệm chưa cao trong việc thực hiện công tác thẩm định chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Đáng quan ngại hơn, sau hơn 01 năm thực hiện Thông tư 37, mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 15 về việc điều chỉnh giá các dịch vụ y tế, nhưng những bất cập trong chi phí tiền giường vẫn chưa được giải quyết.
Cùng chung lo lắng về việc chi cho tiền giường quá nhiều khiến phần thụ hưởng khám chữa bệnh của người dân không đáng bao nhiêu, ông Vũ Xuân Bằng – Phó trưởng ban thực hiện Chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho biết, chi phí tiền ngày giường điều trị cao nhất trong quí 1/2018, số tiền 3.711 tỷ đồng (quí 1/2017 là 2.783 tỷ đồng), chi phí gia tăng 928 tỷ đồng. Đây là chi phí cao nhất trong các số chi của BHYT.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, một số chỉ tiêu giảm so với cùng kỳ năm 2017 như: Dịch vụ kỹ thuật Nội soi Tai Mũi Họng: Giảm 23,9% so với cùng kỳ 2017 (Quí 1 năm 2017: số lượt: 622.470, số tiền: 121,5 tỷ đồng; quí 1 năm 2018: số lượt: 464.606, số tiền: 92,5 tỷ đồng).
Bình quân ngày điều trị chung toàn quốc cũng có thay đổi giảm từ 7,12 ngày/ đợt điều trị xuống còn 6,87 ngày tương đương với số ngày điều trị giảm 866.971 ngày.
Con số này cũng khiến đại diện BHXH Việt Nam băn khoăn: Nhiều người được ra viện sớm hơn, điều này thể hiện qua các con số giúp việc điều trị tốt hơn. Nhưng bên cạnh đó cũng phải thấy thực tế rằng, nhiều người bệnh không đến mức phải điều trị nội trú nhưng vẫn cho nhập viện. Đây là lý do khiến chi phí giường bệnh tăng mạnh. Loại chi phí này tăng không đem lại lợi ích nhiều cho người bệnh nên cần phải nghiên cứu, xem xét để điều chỉnh cho hợp lý hơn.