Hà Nội: Cấm xe máy càng sớm, càng tốt

GD&TĐ - Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc hạn chế xe máy, ô tô cá nhân tiến tới dừng hoạt động ở các quận nội thành không phải nhằm gây khó cho người dân mà nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại, vì lợi ích chung, môi trường trong sạch và phát triển bền vững.

Hạn chế xe máy trong các quận nội thành, tiến tới dừng hẳn vào năm 2030
Hạn chế xe máy trong các quận nội thành, tiến tới dừng hẳn vào năm 2030

Giảm phương tiện cá nhân

Phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và thực hiện lộ trình giảm phương tiện giao thông cá nhân là một trong những giải pháp được các cấp chính quyền và ngành chức năng TP Hà Nội quyết tâm thực hiện.

Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, hiện nay Hà Nội còn tồn tại 33 điểm ùn tắc; tốc độ phát triển hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu; TNGT tuy đã giảm cả 3 tiêu chí nhưng vẫn ở mức cao. Cùng với đó, là tình trạng trông giữ xe trái quy định, “xe dù, bến cóc”... vẫn còn tồn tại nhức nhối. Trong khi đó, công tác thanh, kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự ATGT, trật tự đô thị có nơi, có lúc còn chưa kịp thời, kiên quyết.

Để chống ùn tắc, ô nhiễm môi trường, Sở GTVT Hà Nội đang nghiên cứu trình UBND, HĐND thành phố 2 đề án. Thứ nhất là xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030. Trong lộ trình này, có tính tới dừng đăng ký mới xe máy. Việc này Sở GTVT đang cùng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT nghiên cứu. Theo ông Viện, cấm được xe máy càng sớm càng tốt. Thứ hai là xây dựng đề án thu phí một số loại phương tiện giao thông vào khu vực trung tâm dễ gây ùn tắc và ô nhiễm môi trường. “Việc này, thành phố đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu và đề xuất vì phải bổ sung phí vào danh mục phí, lệ phí. Bộ Tài chính đã đồng ý với Hà Nội, giao thành phố xây dựng đề án báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, thông qua bổ sung loại phí này vào luật”, ông Viện nói.

Trước những tồn tại và áp lực giao thông, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, trong công tác xây dựng, duy tu, bảo dưỡng hạ tầng giao thông, Sở GTVT phải bám sát quy hoạch, thường xuyên đánh giá tiến độ thực hiện, phát hiện những vướng mắc để tìm giải pháp tháo gỡ. Sở GTVT cũng cần triển khai xây dựng sớm những tuyến, nút giao thông trọng điểm, phục vụ nhu cầu của nhân dân, góp phần giảm ùn tắc.

Đánh giá tốc độ tăng trưởng phương tiện giao thông sẽ còn cao, Bí thư Thành ủy yêu cầu Sở GTVT nghiên cứu, đề xuất, phát triển các hình thức vận tải công cộng hiện đại, theo công nghệ mới; mở rộng, tăng tính kết nối, bao phủ vận tải công cộng để phục vụ nhân dân. Đây là yêu cầu cấp thiết cho bài toán giao thông của thành phố, tầm nhìn đến năm 2030...

Dừng đăng ký xe máy mới?

Thông tin với báo chí chiều 11/3, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, trong quá trình nghiên cứu dần hạn chế xe máy trong các quận nội thành Hà Nội, tiến tới dừng hẳn vào năm 2030, thành phố cũng tính đến thời điểm thích hợp sẽ dừng đăng ký xe máy mới tại khu vực nội thành. “Dừng đăng ký xe máy mới tại các quận nội thành để người dân cân nhắc khi mua xe mới vì không được hoạt động trong nội thành. Điều này còn để tránh lãng phí cho xã hội”, ông Viện nói.

Nói về lộ trình cấm xe máy hoạt động trong nội thành Hà Nội, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, thành phố sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế và đưa ra quyết định dừng hoạt động xe máy ở một số tuyến phố, khu vực khi đủ điều kiện. Theo Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện, dự kiến có thể một trong hai tuyến phố là Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi sẽ thí điểm cấm xe máy hoạt động đầu tiên trong các quận nội thành. Theo đó, với việc cấm xe máy hoạt động ở tuyến phố Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi, người dân có thể sử dụng xe buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa hoặc đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Điều này còn tạo điều kiện phát huy năng lực vận tải của xe buýt nhanh và tàu điện của TP Hà Nội.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc hạn chế hoạt động xe máy, ô tô cá nhân tiến tới dừng hoạt động ở các quận không phải nhằm gây khó cho người dân mà nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại, vì lợi ích chung, vì một môi trường trong sạch và một đô thị phát triển bền vững. “Ngay cả đối với ô tô cũng phải kiểm soát bằng giải pháp kinh tế và phân luồng hạn chế hoạt động ở một số khu vực. Đối với xe máy nếu giảm đi hàng triệu chiếc đang di chuyển trong nội thành thì ùn tắc sẽ giảm, ô nhiễm giảm…” - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nhấn mạnh.

Giải bài toán giảm ùn tắc giao thông cho Thủ đô Hà Nội là việc làm cấp bách. Tuy nhiên, để thực hiện lộ trình này như thế nào mà vẫn đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân lại là một thách thức lớn đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, cùng với sự đồng lòng, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ