Hà Nội bao giờ hết lụt?

GD&TĐ - Trận mưa lịch sử chiều 29/5 gây ngập úng trên diện rộng trên địa bàn thành phố Hà Nội khiến giao thông hoàn toàn tê liệt. Đường phố la liệt ô tô chìm trong biển nước, xe máy chết máy phải dắt bộ…

Theo cách suy diễn thông thường, với cơn mưa lịch sử có phần cực đoan này, những chỗ ngập đầu tiên và nặng nhất lẽ ra phải là những khu phố cổ, nơi hạ tầng đã xuống cấp nặng nề và mật độ dân cư dày đặc, không thể cải tạo nổi.

Nhưng không! Chịu ảnh hưởng nặng nhất, ngập sâu nhất trong lòng Thủ đô lại là những khu phố mới, đô thị mới hoặc các con đường là niềm tự hào của người Hà Nội về đầu tư, phát triển hạ tầng.

Các tuyến đường Phạm Hùng, đại lộ Thăng Long, Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm), Dương Đình Nghệ, Nguyễn Chánh, Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) giao thông tê liệt, rối loạn tới tận khuya.

Cũng rất tình cờ, sự cố ngập lụt xảy ra ngay trước phiên họp giám sát tối cao của Quốc hội về thực hiện Luật Quy hoạch.

Bên hành lang Quốc hội sáng 30/5, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng có hai nguyên nhân khiến Hà Nội thường xuyên bị ngập thời gian gần đây. Đó là do thời tiết dị thường, mưa lớn cực đoan và hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn.

Quả thực, biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng thất thường và khắc nghiệt. Vậy nhưng “đổ lỗi” cho thời tiết cực đoan là thể hiện các nhà quản lý đã đánh mất tính dự báo trong quy hoạch và lãnh đạo điều hành. Hạ tầng thiếu đồng bộ; quy hoạch thiếu tầm nhìn, chắp vá, liên tục bị phá vỡ… mới là nguyên nhân cốt yếu.

Trong một thời gian dài, phát triển hạ tầng ở Hà Nội luôn diễn ra thiếu đồng bộ. Thành phố xây dựng các công trình đô thị, nhà ở nhưng không đi kèm với hệ thống thoát nước phù hợp.

Nói cách khác, quy hoạch hệ thống thoát nước của Hà Nội “đi sau”, “chậm chân” rất nhiều so với đô thị hóa. Quy hoạch nào cũng có nhưng mạnh ai nấy làm, không có sự kết nối và không đặt trong tổng thể chung.

Chẳng hạn, chung cư nào cũng có hệ thống thoát nước, nhưng trong một khu mật độ đông đúc các tòa nhà, mấy ai nghĩ đến công suất thoát nước của cả khu có tải nổi không? Chẳng thế mới có chuyện nước thải “trào ngược” vào nhà dân trong các tòa chung cư… bởi không thoát ra hệ thống chung được.

Hà Nội cứ mưa là ngập còn vì nhiều hồ điều hòa có chức năng tiêu thoát nước bị thu hẹp. Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, Hà Nội có tới 17 hồ bị san lấp hoàn toàn, trong khi chỉ bổ sung 7 hồ mới. Một số quận không thay đổi hiện trạng ao, hồ thì diện tích mặt nước cũng bị thu hẹp đáng kể.

Cũng có người lạc quan, cho rằng trận lụt này cũng có cái hay là để cho các nhà quy hoạch và quản lý đô thị có thêm kinh nghiệm, mở rộng tầm nhìn khi xây dựng và thực hiện quy hoạch Thủ đô theo tinh thần của Luật Quy hoạch. Theo đó, các quy hoạch như xây dựng hạ tầng, tiêu nước, thủy lợi, nông nghiệp... sẽ được tích hợp, tiến hành đồng thời.

Nếu thực hiện tốt việc này, Hà Nội có thể giải quyết được tình trạng thường xuyên ngập lụt khi mưa lớn. Chỉ e rằng, sợi dây kinh nghiệm quá dài, các nhà quản lý rút hoài không hết… thành ra Hà Nội cứ mưa là lụt mãi thôi!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ