Hà Nội bảo đảm an toàn mùa lễ hội 2019

GD&TĐ - Với gần 1.100 lễ hội lớn, nhỏ trải khắp các quận, huyện kéo dài nhiều tháng trong năm, việc bảo đảm cho một mùa hội an toàn, văn minh, giàu bản sắc truyền thống luôn được Hà Nội coi trọng.  

Bà Bùi Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội thông tin tại buổi giao ban báo chí.
Bà Bùi Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội thông tin tại buổi giao ban báo chí.

Sẵn sàng cho mùa lễ hội

Thông tin tại buổi giao ban báo chí chiều 22/1, bà Bùi Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, hầu hết các lễ hội diễn ra đầu năm như lễ hội Đống Đa, chùa Hương, đền Sóc, đền Phù Đổng, đền Hai Bà Trưng, chùa Trăm Gian... trên địa bàn thành phố Hà Nội đã sẵn sàng các phương án chuẩn bị, bảo đảm an toàn, văn minh, phát huy tốt các giá trị truyền thống.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cũng khẳng định, các hành vi tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín, dị đoan, kinh doanh thu lợi bất chính và các hoạt động không lành mạnh như: Lưu hành ấn phẩm văn hóa trái phép không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, tổ chức các trò chơi mang tính cờ bạc, các dịch vụ điện tử dùng loa có công suất lớn sẽ bị xử lý nghiêm.

Việc đặt tiền công đức, tiền lễ không đúng quy định cũng sẽ bị nhắc nhở. Lực lượng chức năng cũng kiểm tra chặt chẽ các hoạt động dịch vụ, niêm yết công khai giá dịch vụ, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại về giá, phí dịch vụ.

Trước đó, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) Ninh Thị Thu Hương đã khẳng định, mùa Lễ hội 2019 sẽ kiên quyết nói “không” với việc tổ chức lễ hội có tính bạo lực, có hành vi trục lợi, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, kích động bạo lực và các hành vi vi phạm pháp luật khác. 

2019 là năm kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Lễ kỷ niệm sự kiện này sẽ diễn ra từ 6 giờ – 21 giờ ngày 9/2 (tức mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), tôn vinh công lao và khí phách của người Anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Phan Hồng Việt, quận đã xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự, phân luồng, chống ùn tắc tại khu vực xung quanh Công viên văn hóa Đống Đa; hướng dẫn sắp xếp ô tô, phương tiện giao thông của nhân dân, khách dự lễ.

Đồng thời, tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ, xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức cờ bạc, mê tín dị đoan.

Cùng với lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, lễ hội Gióng đền Sóc Sơn diễn ra trong 3 ngày từ ngày 10 - 12/2 (tức mùng 6 - 8 tháng Giêng). Theo ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, sau khi thay đổi hình thức tán lộc tại lễ hội năm ngoái, nhiều người đã ủng hộ, trong đó phải kể tới sự đồng thuận của cộng đồng dân cư tham gia thực hành nghi lễ.

Năm nay, Ban tổ chức lễ hội vẫn tiếp tục duy trì hình thức này. Công an huyện Sóc Sơn cũng xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự trong các ngày diễn ra lễ hội; bảo vệ đoàn rước hoa tre thôn Vệ Linh và trầu cau thôn Đan Tảo theo đúng nghi thức; xử lý nghiêm các hành vi gây rối trật tự công cộng.

Xử lý nghiêm hành vi vi phạm

Trong số các lễ hội lớn, nhỏ tổ chức vào đầu Xuân ở Hà Nội, có lẽ người ta quan tâm nhiều nhất đến Lễ hội Chùa Hương. Bởi lễ hội này mang tầm quy mô quốc gia, kéo dài tới ba tháng, thu hút hàng triệu lượt du khách trẩy hội. Tuy nhiên, lễ hội Chùa Hương cũng đặt ra nhiều vấn đề như tình trạng “cò” vé xuồng đò, an toàn thực phẩm, văn minh nơi thờ tự…

Theo Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt trước kia, người đi hội phàn nàn về các quầy hàng ăn uống treo thực phẩm tươi sống phản cảm, mùa lễ hội này Ban tổ chức cấm quảng cáo, tổ chức dịch vụ ăn uống chế biến từ động vật hoang dã trong khu vực lễ hội.

Các hộ kinh doanh ăn uống phải có tủ bảo quản thực phẩm, không treo móc thịt trong tủ và ngoài cửa hàng gây phản cảm, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm những trường hợp cố tình ép giá, ép khách, nhũng nhiễu đòi tiền bồi dưỡng, tranh giành, dẫn khách trốn vé...”, ông Hoạt thông tin.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền, Sở đã thông báo tới các quận, huyện, thị xã về số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin 24/24h về công tác lễ hội trên địa bàn thành phố (0869.295538); xây dựng kế hoạch tổ chức, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các ngành liên quan trong quá trình kiểm tra trước, trong và sau lễ hội Xuân Kỷ Hợi 2019; Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong các hoạt động lễ hội theo quy định của pháp luật.

“Để bảo đảm một mùa lễ hội văn minh, an toàn đồng thời bảo tồn được giá trị truyền thống, bên cạnh những giải pháp mạnh của cơ quan quản lý văn hóa, điều quan trọng hơn cả là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng nhân dân và khách thập phương, tạo tính bền vững trong tổ chức và quản lý lễ hội...”, bà Hiền chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.