Theo đó, để nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng DTTS, miền núi, giải pháp Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra là bảo đảm duy trì số lượng và nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh DTTS ở các cấp học
Các cấp quản lí và cơ sở giáo dục ở miền núi, vùng DTTS tiếp tục tập trung chỉ đạo huy động tối đa trẻ em, học sinh đi học, đồng thời có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh DTTS ở các cấp học phù hợp điều kiện địa phương. Thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục các cấp, phấn đấu tỉ lệ học sinh vùng dân tộc tốt nghiệp THPT và tương đương đạt 85% trở lên.
Đồng thời, tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng về chất lượng, các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh DTTS của địa phương từ mầm non đến phổ thông.
Trên cơ sở đó, tăng cường các giải pháp đồng bộ, thiết thực, phù hợp thực tế để nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh DTTS, góp phần bảo đảm công bằng trong giáo dục và rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền.
Hà Nội cũng sẽ tiếp tục phát triển quy mô, mạng lưới và nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường PTDTNT; thực hiện tốt công tác tuyển sinh và nâng cao chất lượng dạy và học trong trường PTDTNT.
Sở GD&ĐT yêu cầu các trường PTDTNT các cơ sở giáo dục ở vùng DTTS, miền núi tổ chức khảo sát phân loại năng lực học tập của học sinh ngay từ đầu năm học để xây dựng kế hoạch dạy học, phụ đạo, bồi dưỡng đúng đối tượng học sinh; đổi mới phương pháp dạy học bộ môn phù hợp đối tượng học sinh DTTS; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chuyên đề bồi dưỡng giáo viên phù hợp tình hình thực tế để nâng cao chất lượng giảng dạy cho học sinh.
Thực hiện nghiêm túc quy chế đánh giá xếp loại học sinh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lí dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh trong các cơ sở giáo dục phù hợp đối tượng học sinh DTTS; thực hiện tốt việc phân tích kết quả đánh giá, xếp loại các môn học của học sinh năm học 2014 - 2015, từ đó đề ra các biện pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng dạy học…