Hà Nội bàn giải pháp hỗ trợ học phí cho học sinh nghèo

GD&TĐ - Hà Nội dự kiến tăng học phí các cấp học theo lộ trình do Chính phủ quy định. Cùng với đó, thành phố sẽ có giải pháp nhằm hỗ trợ học phí cho

Cần chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh nghèo.
Cần chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh nghèo.

Hà Nội dự kiến tăng học phí các cấp học theo lộ trình do Chính phủ quy định. Cùng với đó, thành phố sẽ có giải pháp nhằm hỗ trợ học phí cho học sinh nghèo.

Tăng theo lộ trình

UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND TP về dự thảo nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2022 - 2023. Nghị quyết dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hà Nội diễn ra ngày 12/9.

Theo đó, thành phố sẽ chia làm 4 vùng gồm: Vùng 1, các phường của quận nội thành và thị xã Sơn Tây. Vùng 2, các thị trấn thuộc huyện. Xã của huyện ngoại thành và thị xã Sơn Tây thuộc vùng 3. Vùng 4 là các xã miền núi thuộc các huyện.

Mức thu học phí cao nhất là 300.000 đồng/ học sinh/ tháng (mức sàn do Chính phủ quy định), áp dụng tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn các phường. Mức thu thấp nhất áp dụng tại cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn các xã miền núi là 50.000 đồng/tháng.

Theo số liệu của UBND TP Hà Nội, năm 2021, thu nhập bình quân đầu người/ tháng của người dân Hà Nội khu vực thành thị là 6.002.000 đồng; khu vực nông thôn là 4.506.000 đồng.

Thống kê ở một số huyện cho thấy mức thu nhập của người dân trên địa bàn thị trấn không cao hơn các xã trong huyện, trong khi theo quy định của Chính phủ, mức chênh lệch về khung học phí giữa thành thị và nông thôn là từ 2,1 đến 3 lần.

Qua khảo sát, hầu hết ý kiến cho rằng việc áp dụng mức thu học phí thành thị đối với cơ sở giáo dục trên địa bàn thị trấn chưa phù hợp với khả năng đóng góp của người dân. Do đó, thành phố đề xuất phân thành 4 vùng để làm căn cứ áp dụng mức thu học phí.

Theo UBND TP Hà Nội, tổng số thu học phí theo mức thu đề xuất năm học 2022 - 2023 dự kiến khoảng 1.742,390 tỷ đồng, tăng 523,330 tỷ đồng so với năm học 2021 - 2022. Tiền thu học phí chiếm khoảng 19% tổng số chi. Việc tăng thu học phí sẽ giảm chi ngân sách Nhà nước khoảng 523,330 tỷ đồng.

Cần chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh nghèo.

Cần chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh nghèo.

Không để học sinh nghèo bị ảnh hưởng

Cũng theo UBND TP, việc điều chỉnh học phí không ảnh hưởng đến học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mồ côi cả cha lẫn mẹ, khuyết tật… do được hưởng chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập.

Cụ thể, tổng số trẻ mẫu giáo và học sinh phổ thông thuộc đối tượng miễn học phí dự kiến khoảng 5.859 em, trong đó có 3.096 học sinh thuộc diện hộ nghèo, 1.381 học sinh khuyết tật. Khoảng 12.960 học sinh thuộc đối tượng giảm học phí, trong đó có 12.617 học sinh có cha mẹ thuộc diện hộ cận nghèo.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Cùng với lộ trình tăng học phí, sở cũng tham mưu UBND TP trình HĐND TP ban hành nghị quyết hỗ trợ học phí đối với một số đối tượng. Nếu được thông qua, sẽ có hơn 30.000 học sinh Thủ đô được hỗ trợ học phí trong năm học 2022 - 2023 với kinh phí dự kiến hơn 9,1 tỷ đồng.

Theo dự thảo Nghị quyết, Hà Nội sẽ hỗ trợ 2 nhóm đối tượng: Trẻ em mầm non và học sinh phổ thông đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn các xã miền núi. Và trẻ em mầm non và học sinh phổ thông thuộc đối tượng được giảm 50% và 70% học phí theo quy định của Chính phủ.

Về mức hỗ trợ, Thành phố hỗ trợ 100% mức thu học phí đối với học sinh học tại các xã miền núi và phần chênh lệch sau khi tăng của các đối tượng được hưởng chính sách giảm học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và các văn bản liên quan.

Đánh giá tính nhân văn của chính sách miễn giảm học phí, ông Phạm Ngọc Thảo, thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội cho rằng: Trải qua 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đời sống của nhân dân vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là khu vực miền núi. Vì vậy, việc TP ban hành cơ chế hỗ trợ học phí là cần thiết.

Đồng tình với chủ trương của TP, theo ông Nguyễn Hoàng Giáp - Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa, rất cần chính sách hỗ trợ để bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân, nhất là hộ gia đình nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài đối tượng được dự kiến hỗ trợ, Hà Nội còn có 2 đối tượng cần quan tâm là con công nhân lao động tại các khu công nghiệp và con của người lao động di dân. Đây là nhóm gặp khá nhiều khó khăn do thiếu sự ổn định, do vậy cần xem xét, đưa họ vào đối tượng được xem xét hỗ trợ, ông Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ