Hà Nội: Bãi xe chiếm dụng đất di tích đền Sóc

GD&TĐ - Di tích đền Sóc thuộc phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1991. Hàng nghìn m2 đất sân đền Sóc đang là bãi xe... từ biên bản cho mượn sân bãi.

Phía trong và bên ngoài biển Trung tâm đào tạo Lạc Hồng là những hàng ô tô đỗ trên khu vực di tích đền Sóc.
Phía trong và bên ngoài biển Trung tâm đào tạo Lạc Hồng là những hàng ô tô đỗ trên khu vực di tích đền Sóc.

Bãi đỗ ô tô trên đất di tích

Trung tâm đào tạo Lạc Hồng nằm cạnh đền Sóc (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ông Nguyễn Tự Mạnh - Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Tảo - cho biết đã có báo cáo về việc vi phạm của Trung tâm đào tạo Lạc Hồng lấn chiếm đất của di tích đền Sóc làm bãi xe. Đồng thời, UBND phường có báo cáo gửi cấp có thẩm quyền.

Trung tâm đào tạo Lạc Hồng đã xây dựng các công trình trên đất thuộc khuôn viên di tích đền Sóc từ những năm 2001 và có biên bản cho mượn sân bãi của đại diện Ban Quản lý di tích đền Sóc.

Ông Đào Xuân Quyết - cán bộ văn hóa phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm) - cho biết, UBND phường Xuân Tảo qua kiểm tra đã đề nghị Trung tâm đào tạo Lạc Hồng di chuyển tài sản ra khỏi đất di tích đền Sóc. Hồ sơ biên bản cho mượn đất sân bãi của di tích lịch sử đền Sóc và Trung tâm đào tạo Lạc Hồng là trái thẩm quyền.

“Đất của di tích thuộc quản lý của Nhà nước, không thể có chuyện một đơn vị vào đây mượn để kinh doanh, đào tạo…”, ông Quyết lý giải.

Ông Quyết cũng cho biết, UBND phường Xuân Tảo kiểm tra và có văn bản gửi cơ quan chức năng cấp trên để hướng dẫn giải quyết theo quy định. Cụ thể, tại Văn bản số 60 của UBND phường Xuân Tảo báo cáo ngày 22/4/2022 nêu rõ từ năm 2015 đến tháng 6/2020, UBND phường đã có 6 buổi làm việc với Trung tâm đào tạo Lạc Hồng.

Tại các buổi làm việc với những nội dung tuyên truyền vận động yêu cầu di dời toàn bộ tài sản ra khỏi mảnh đất Di tích lịch sử văn hóa đền Sóc. Đồng thời, trả lại nguyên trạng trước khi vi phạm nhưng Trung tâm đào tạo Lạc Hồng lấy nhiều lý do và không đồng ý tự di dời tài sản, thiết bị máy móc cũng như trả lại nguyên trạng đất đang sử dụng cho UBND phường Xuân Tảo.

“Bên cạnh đó, tại các cuộc họp người dân Xuân Tảo đã nhiều lần ý kiến và mong mỏi vấn đề vi phạm đất đai và trật tự xây dựng tại Trung tâm đào tạo Lạc Hồng sẽ được giải quyết dứt điểm để cảnh quan xung quanh đền Sóc sớm được khôi phục, đảm bảo an ninh trật tư khu vực...”, ông Quyết chia sẻ.

Công đức 60 triệu đồng/4.000 m2/năm

Trao đổi với PV Báo GD&TĐ về việc sân di tích đền Sóc thành bãi xe, đại diện Trung tâm đào tạo Lạc Hồng cho biết, Trung tâm thực hiện theo biên bản cho mượn sân bãi từ đại diện Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa đền Sóc có thời hạn đến 15/5/2028.

Theo biên bản cho mượn mà đại diện Trung tâm đào tạo Lạc Hồng gửi phóng viên thì diện tích mặt bằng mượn là 4.000 m2 để làm phòng làm việc của cơ quan, phòng học và sân bãi để xe.

Đồng thời, bên B (Trung tâm đào tạo Lạc Hồng) có trách nhiệm công đức mỗi năm là 60 triệu đồng để Ban quản lý tu sửa thêm cho di tích đền Sóc.

“Trung tâm có văn bản gửi UBND phường Xuân Tảo tạo điều kiện cho đơn vị hết hợp đồng. Nếu phải di dời thì hỗ trợ kinh phí để cho Trung tâm di dời theo quy định... Đây là giao dịch dân sự phải tòa án giải quyết...”, đại diện Trung tâm đào tạo Lạc Hồng nói.

Liên quan đến sự việc trên theo tìm hiểu của PV, mới đây (17/5) Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có văn bản gửi UBND quận Bắc Từ Liêm về việc liên quan đến di tích đền Sóc (phường Xuân Tảo).

Văn bản của Sở Văn hóa và Thể thao nêu rõ, di tích đền Sóc thuộc phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã xếp hạng cấp quốc gia tại Quyết định số 2009/QĐ ngày 15/11/1991 hiện do UBND quận Bắc Từ Liêm quản lý trực tiếp theo phân cấp của UBND thành phố.

Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị UBND quận Bắc Từ Liêm chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với tổ chức kiểm tra và hướng dẫn UBND phường Xuân Tảo giải quyết theo quy định của pháp luật về đất đai và di sản văn hóa; báo cáo UBND thành phố những nội dung vượt thẩm quyền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...