Nhan nhản bãi xe không phép giữa Thủ đô, tiền trông giữ vào tay ai?

Hàng loạt bãi xe trên địa bàn TP Hà Nội hoạt động không phép trong thời gian dài nhưng không bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý...

Bãi xe trái phép tại ngõ 78, phố Duy Tân hình thành không có biển cấp phép của quận địa bàn (Trong ảnh: Các xe dựng khá lộn xộn, không có bình cứu hỏa theo quy định như bãi xe có phép)
Bãi xe trái phép tại ngõ 78, phố Duy Tân hình thành không có biển cấp phép của quận địa bàn (Trong ảnh: Các xe dựng khá lộn xộn, không có bình cứu hỏa theo quy định như bãi xe có phép)

Hàng loạt bãi xe trên địa bàn TP Hà Nội hoạt động không phép trong thời gian dài nhưng không bị các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm khiến người dân bức xúc.

Tận dụng đất công trình, đất trống

Chiều 11/11, trong vai người đi tìm thuê vị trí để xe ô tô lâu dài, PV Báo Giao thông được một số người dân khu vực hướng dẫn đến bãi trông, giữ xe số 1 đường Duy Tân.

Có mặt tại đây, hình ảnh PV ghi nhận là một bãi xe có diện tích khoảng 500m2 với hơn 20 ô tô và hơn 30 xe máy đang đậu đỗ. Bãi xe cũng được bê tông hóa khá khang trang với những giàn thép dựng lên để che nắng mưa cho phương tiện của khách.

Trước đề nghị muốn thuê chỗ để xe theo tháng trong khung thời gian từ 7 - 17h của PV, một người đàn ông tên Hiếu đon đả giới thiệu, tại đây, giá thuê chỗ để xe ô tô có mái che hoặc không có mái che đều là 900.000 đồng/xe/tháng hoặc nếu thuê lẻ theo ban ngày hoặc buổi đêm thì giá là 50.000 đồng/ô tô.

“Gửi xe tại bãi, khách không cần phải ký hợp đồng hay giữ thẻ vé mà chỉ cần nộp tiền và đưa xe đến, nhân viên sẽ nhớ mặt chủ xe và có trách nhiệm quản lý xe hàng ngày”, người đàn ông này nói và cho biết thêm, cùng với dịch vụ trông, giữ ô tô, từ hơn một năm nay, bãi cũng đang trông coi hơn 30 chiếc xe máy cho nhân viên làm việc tại tòa nhà Việt Á ngay cạnh.

“Bãi xe thuộc diện đất công trình nên khách hàng có thể yên tâm thuê vị trí ở đây ít nhất 2 năm nữa”, ông Hiếu nói.

Cách đó không xa, tại ngõ 78 đường Duy Tân, một bãi xe rộng gần 1.000m2 cũng đang tổ chức trông, giữ hàng trăm xe ô tô, xe máy. Quan sát của PV, phía trước khu vực bãi xe này dù được treo một tấm biến nhỏ với nội dung “Bãi xe tòa nhà Kim Ánh”.

Tuy nhiên, tiếp cận một nhân viên tại đây, được biết, ngoài những chiếc xe ra - vào tòa nhà Kim Ánh (phía đối diện), bãi xe này còn nhận trông, giữ xe ô tô theo tháng.

PV tiếp tục dò hỏi thông tin trong vai người đi tìm chỗ để xe thì nhân viên này cho biết, hiện, vị trí để theo tháng đã hết. Khách chỉ có thể gửi theo đơn giá lẻ ban ngày với giá 60.000 đồng/xe.

Theo phản ánh của người dân, việc tổ chức bãi trông, giữ xe tại đây không chỉ ảnh hưởng đến vỉa hè của người đi bộ mà còn khiến giao thông trong phố nhỏ liên tục ùn tắc.

Trước đó, chiều 8/11, tại khu vực hồ Quỳnh (quận Hai Bà Trưng), khu vực Báo Giao thông đã từng phản ánh về tình trạng trông xe trái phép hàng chục năm không bị cơ quan chức năng xử lý, đập vào mắt PV vẫn là một bãi gửi xe với hàng trăm xe ô tô đang đậu dày đặc hai bên đường sát hồ.

Khi thấy khách đến hỏi, một người đàn ông trung tuổi cho hay, giá gửi theo tháng tại đây khoảng 2 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện chỗ để xe đã hết, chủ bãi không thể nhận thêm.

Bên cạnh những bãi xe tự phát xung quanh khu vực dân cư, văn phòng, thời điểm hiện tại, xung quanh các bến xe lớn của Hà Nội cũng đang xuất hiện nhan nhản những bãi xe trái phép mọc lên.

Điển hình là bãi trông, giữ xe “Ngọn lửa hồng” trước số nhà 36, ngõ 897 đường Giải Phóng (cổng xe khách vào của bến xe Giáp Bát). Thời điểm có mặt, PV ghi nhận hàng trăm chiếc xe máy đang được nhận trông coi tại đây dưới những mái lán xập xệ, lỏng lẻo.

Ghi nhận của PV, dù tổ chức trông, giữ xe thu giá dịch vụ nhưng tại tất cả các bãi xe kể trên đều không niêm yết giá dịch vụ và thông tin cấp phép của cơ quan chức năng.

Lên kế hoạch tổng kiểm tra xử lý

Ông Phạm Văn Đức, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết, hiện theo thống kê của Hà Nội các điểm đỗ xe hợp pháp mới đáp ứng được 10% nhu cầu của người dân. Một lượng nhỏ đỗ tại nhà riêng. Điều đó đặt ra câu hỏi, gần 90% số xe còn lại đỗ ở đâu, số tiền thu được rơi vào tay ai?

Theo ông Đức, trung bình, mỗi xe chi phí khoảng một triệu đồng/tháng tiền gửi, nếu nhân với khoảng 500.000 xe, mỗi tháng ngân sách TP Hà Nội thất thu hàng chục tỷ đồng. Đáng chú ý, kể từ khi UBND TP tăng giá trông, giữ ô tô, xe máy, lượng xe gửi tại các điểm trông giữ xe hợp pháp giảm đáng kể. “Khi xảy ra sự cố, hầu như các bãi trông giữ xe tự phát này cũng không chịu nhiều sự ràng buộc trách nhiệm với người gửi”, ông Đức cho hay.

Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, đã giao Thanh tra Sở phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng lập kế hoạch tổng kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các điểm đỗ, trông giữ xe trên địa bàn.

“Để chống thất thu thuế trông giữ xe, Chủ tịch UBND TP đã giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các quận, huyện, Công an thành phố và Sở GTVT tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, xử lý đối với những điểm trông giữ xe không phép nhằm hạn chế tình trạng thất thu ngân sách.

“Những điểm trông giữ có phép nhưng thu quá giá quy định cũng sẽ bị xử lý phạt. Những trường hợp bị xử lý phạt 3 lần trở lên sẽ cương quyết thu hồi giấy phép. Đối với các điểm trông giữ xe trái phép, nếu đơn vị nào bị lập biên bản xử lý 3 lần mà vẫn tiếp tục vi phạm, có thể lập hồ sơ chuyển cho cơ quan công an để xem xét xử lý”, ông Tuấn nói.

Theo baogiaothong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ