Hà Nội: 29.335 lượt học sinh Ba Đình làm bài khảo sát tiếng Anh trực tuyến

GD&TĐ - Tối 14/5, học sinh tiểu học, THCS quận Ba Đình, Hà Nội đã kết thúc năm học nhiều biến cố và bước vào kì nghỉ hè sớm do dịch bệnh Covid-19 bằng sân chơi thú vị với bộ môn Tiếng Anh.

Học sinh quận Ba Đình, Hà Nội tham gia khảo sát tiếng Anh trực tuyến tối 14/5.
Học sinh quận Ba Đình, Hà Nội tham gia khảo sát tiếng Anh trực tuyến tối 14/5.

Thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021, nhằm đánh giá kết quả dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức khảo thí chất lượng môn Tiếng Anh cho học sinh từ lớp 3 - 8 các trường tiểu học và THCS trên địa bàn quận thông qua Google form.

Học sinh tiểu học làm bài trong 45 phút, với 40 câu hỏi trắc nghiệm. Học sinh THCS làm bài trong 60 phút với 50 câu hỏi trắc nghiệm. Nội dung bài khảo sát trong chương trình đã học với mức độ kiến thức: nhận biết, thông hiểu 70%, vận dụng 20% và vận dụng cao 10%.

Nhằm không gây áp lực cho nhà trường, giáo viên, học sinh, kết quả bài khảo sát không đưa vào xếp loại, đánh giá, thi đua của giáo viên, học sinh.

Mục đích đợt khảo sát giúp học sinh làm quen hình thức thi trực tuyến, phụ huynh biết sức học của con, nhà trường đánh giá được hiệu quả giảng dạy.

Sau khi có kết quả khảo thí, nhà trường cùng giáo viên bộ môn sẽ phân tích số liệu, tìm ra điểm mạnh, tồn tại để có biện pháp điều chỉnh kế hoạch dạy học, ôn tập củng cố cho học sinh trong những năm tiếp theo.

Buổi khảo thí đã thu hút sự quan tâm của phụ huynh học sinh trong quận Ba Đình và lan tỏa tinh thần dừng điến trường nhưng không dừng học của học sinh các quận xung quanh với tổng số học sinh tham gia làm bài là 29.335 lượt.

Học sinh từ lớp 3 - 8 trường tiểu học và THCS trên địa bàn quận tham gia khảo sát.
Học sinh từ lớp 3 - 8 trường tiểu học và THCS trên địa bàn quận tham gia khảo sát. 

Bài khảo thí được đánh giá có nội dung phù hợp, hình thức phong phú, sáng tạo và đặc biệt phân hóa được học sinh.

Kết quả, cấp THCS có 77 học sinh xuất sắc (14 học sinh lớp 6; 13 học sinh lớp 7 và 52 học sinh lớp 8) với điểm tuyệt đối 50/50.

Cấp tiểu học có 1.296 học sinh xuất sắc (556 học sinh lớp 3; 638 học sinh lớp 4 và 102 học sinh lớp 5) với điểm tuyệt đối 40/40.

Điểm trung bình của lớp 4 là 36,36/40 điểm, cao nhất cấp tiểu học; của lớp 7  là 43,66/50, cao nhất cấp THCS. 

Để thực hiện được phần thi trực tuyến, với thầy cô khâu khó nhất là ghép nội dung bài nghe vào Google form, khi hệ thống chỉ hỗ trợ bổ sung file video.

Với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, thầy cô đã không ngần ngại tìm hiểu để hoàn thiện đề thi với đủ các kỹ năng: nghe, đọc và viết.  Chính vậy, bài thi khảo thí Tiếng Anh không chỉ giúp học sinh được tiếp cận với hình thức thi trực tuyến mà chính thầy cô cũng tự nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học.

29.335 lượt học sinh quận Ba Đình, Hà Nội tham gia khảo sát.
29.335 lượt học sinh quận Ba Đình, Hà Nội tham gia khảo sát.

Một số lỗi học sinh hay mắc phải trong bài khảo thí cũng được các thầy cô tổng hợp.

Theo đó, lớp 3: Phần từ vựng và ngữ pháp, học sinh hay nhầm lẫn trong các câu hỏi thuộc kiến thức về câu nghi vấn với đại từ chỉ định (this, that, these, those). Nhiều học sinh chưa nắm được cách chuyển danh từ sang dạng số nhiều.

Lớp 4: Phần từ vựng và ngữ pháp, học sinh sai nhiều ở câu hỏi There is/There are. Phần viết, nhiều học sinh chưa biết cách đặt câu hỏi với cấu trúc “How many .. are there?”.

Lớp 5: Phần từ vựng và ngữ pháp, phần lớn học sinh sai phần kiến thức sử dụng sở hữu cách (‘s) trong câu. Nhiều học sinh chưa nhận biết được cách sử dụng giới từ in/on với ngày/tháng. Phần đọc hiểu, học sinh sai nhiều nhất ở câu hỏi yêu cầu xác định thông tin sai so với nội dung bài đọc. Phần viết, nhiều học sinh chưa nhận biết được vị trí của trạng từ/động từ/tính từ trong câu để tạo thành câu hoàn chỉnh đúng ngữ pháp.

Ở lớp 6, với bài nghe và bài đọc, học sinh hay chọn sai ở những câu hỏi yêu cầu thông tin chi tiết (ví dụ: thời gian/ngày/giờ cụ thể) và câu hỏi tư duy ngược (ví dụ: thông tin nào không được nhắc đến trong bài). Bài phát âm: học sinh sai nhiều ở câu hỏi về cách phát âm của âm cuối (đuôi s/es/ed) và trọng âm của từ. Kiến thức ngữ pháp: sai nhiều ở câu lựa chọn đúng giới từ, danh từ ghép, danh động từ/động từ nguyên thể.

Lớp 7, lỗi thường gặp ở bài đọc là học sinh đọc nhanh, không chú ý nội dung chi tiết nên hay chọn vào phương án gây nhiễu. Kiến thức ngữ pháp: học sinh sai nhiều ở câu hỏi phân biệt cách sử dụng tính từ đuôi -ing/ed, câu hỏi gây nhiễu về số ít/số nhiều, câu bị động.

Lớp 8: Bài phát âm, học sinh sai nhiều ở câu hỏi phân biệt âm /əʊ/ và âm /ɔː/. Kiến thức ngữ pháp: học sinh sai nhiều ở câu hỏi phân biệt cách sử dụng của động từ khuyết thiếu trong các ngữ cảnh khác nhau. Kiến thức nền: học sinh sai nhiều ở câu hỏi có liên quan đến các thuật ngữ về chủ đề bảo vệ môi trường, hiệu ứng nhà kính.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ