Hà Nam: Học sinh từ mầm non đến lớp 6 tạm dừng đến trường tới hết 31/3

GD&TĐ - Theo đó, Hà Nam sẽ cho trẻ mầm non tạm dừng đến trường, học sinh tiểu học và lớp 6 chuyển sang học trực tuyến từ ngày 12/3 đến 31/3 để phòng tránh dịch Covid-19.

Tỉnh Hà Nam yêu cầu học sinh từ mầm non đến lớp 6 tạm dừng đến trường từ ngày 12/3 để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong trường học. Ảnh: Khôi Nguyên.
Tỉnh Hà Nam yêu cầu học sinh từ mầm non đến lớp 6 tạm dừng đến trường từ ngày 12/3 để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong trường học. Ảnh: Khôi Nguyên.

Thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nam cho hay, ngày 11/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trần Xuân Dưỡng đã ký công văn số 633 đồng ý với đề xuất của Sở GD&ĐT tỉnh về việc tiếp tục cho học sinh từ mầm non đến lớp 6 trên địa bàn toàn tỉnh tạm dừng đến trường để phòng chống dịch. 

Theo đó, trẻ mầm non nghỉ tại nhà; học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tạm dừng đến trường và chuyển sang học trực tuyến từ ngày 12/3 đến hết ngày 31/3 nhằm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong trường học. UBND tỉnh Hà Nam cũng yêu cầu Sở GD&ĐT tỉnh phối hợp với UBND các huyện/thị xã/thành phố chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, dạy và học trực tuyến hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế.

Chính quyền các cấp cần tăng cường cập nhật, tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong và ngoài nhà trường theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT. Căn cứ kết quả đánh giá cấp độ dịch và nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trên địa bàn để kịp thời đề xuất UBND tỉnh việc đi học trở lại hoặc tạm thời nghỉ học trực tiếp của học sinh thuộc thẩm quyền quản lý. 

Các cơ sở giáo dục của Hà Nam tận dụng "thời gian vàng" học trực tiếp trên lớp để giảng dạy các nội dung cốt lõi cho học sinh.
Các cơ sở giáo dục của Hà Nam tận dụng "thời gian vàng" học trực tiếp trên lớp để giảng dạy các nội dung cốt lõi cho học sinh.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nam, đơn vị này đã yêu cầu rà soát, hệ thống hóa các văn bản, chính sách có liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục để xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tổ chức tư vấn sức khỏe, tâm lý và các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; quan tâm, hỗ trợ kịp thời với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các trường hợp F0, F1 sống trong các khu vực bị phong tỏa, cách ly y tế…

Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nam đã có thông báo tới các đơn vị trực thuộc và yêu cầu trẻ mầm non tạm nghỉ học, học sinh tiểu học và lớp 6 chuyển sang học trực tuyến hai tuần, bắt đầu từ ngày 23/2 cho đến khi có thông báo mới. 

Lý giải về việc này, lãnh đạo ngành Giáo dục tỉnh Hà Nam cho hay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến rất phức tạp. Số ca F0 trong trường học đang có xu hướng gia tăng sau Tết Nguyên đán, nhất là tại các trường tiểu học và THCS, nhiều em học sinh chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Do đó, việc đề xuất cho đối tượng trẻ từ mầm non đến lớp 6 tạm dừng đến trường để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong trường học là phù hợp với tình hình hiện tại. 

Theo thống kê, toàn tỉnh Hà Nam hiện có 116 cơ sở giáo dục tiểu học với trên 81 nghìn học sinh; 119 trường mầm non với hơn 51 nghìn trẻ. Bắt đầu từ ngày 7/2, học sinh các cấp học trên toàn tỉnh trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết âm lịch 2022. Công tác đón học sinh đi học sau Tết được thực hiện nhịp nhàng theo hướng dẫn của các cấp về phòng chống dịch. Từ ngày 23/2, trẻ mầm non đến lớp 6 trên toàn tỉnh phải tạm dừng đến trường do dịch bệnh phức tạp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nếu mô hình BT được nghiên cứu kỹ lưỡng, đổi mới, khắc phục những bất cập của giai đoạn trước vẫn có thể phát huy hiệu quả.

Chuyên gia mong 'hồi sinh' hợp đồng BT

GD&TĐ - Nhiều ý kiến gia cho rằng, nếu quy định được đổi mới toàn diện và khắc phục bất cập, thì hợp đồng BT sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả.