Hà Nam: Chú trọng chăm sóc sức khỏe của trẻ khi trở lại trường

GD&TĐ - Trở lại trường sau hai tháng nghỉ dịch, việc chăm sóc giáo dục học sinh các trường mầm non trên địa bàn TP Phủ Lý (Hà Nam) thực hiện linh hoạt, phù hợp với bối cảnh mới.

Việc chăm sóc, giáo dục khi trẻ quay lại trường là điều các cơ sở giáo dục mầm non rất chú trọng. Ảnh minh họa: Khôi Nguyên.
Việc chăm sóc, giáo dục khi trẻ quay lại trường là điều các cơ sở giáo dục mầm non rất chú trọng. Ảnh minh họa: Khôi Nguyên.

Quan tâm sức khỏe của trẻ hàng ngày

Từ ngày 22/11, trẻ mầm non cùng học sinh các cấp tại tỉnh Hà Nam đã được đi học trực tiếp tại trường. Ở một số khu vực còn các ca F0 phức tạp, chính quyền địa phương vẫn chưa cho phép mở cửa trường học trở lại, học sinh tiếp tục học trực tuyến hoặc qua truyền hình. 

Theo ghi nhận tại Trường Mầm non Tiên Tân, việc đảm bảo các yêu cầu phòng dịch được thực hiện ngay từ khi đón trẻ ở cổng. Nhà trường bố trí giáo viên, nhân viên đứng trực ở cổng để đo thân nhiệt, hướng dẫn cha mẹ trẻ khai báo y tế bằng quét mã QR của nhà trường, trẻ sát khuẩn tay và đeo khẩu trang đúng cách trước khi vào lớp.

Trước đó, toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường đều đã được khử khuẩn bằng dung dịch Cloramin-B, đảm bảo an toàn trước ngày đón trẻ. Ở khu vực bếp ăn bán trú cũng tiến hành khử khuẩn, tiệt trung và sắp xếp các trang thiết bị gọn gàng sẵn sàng cho việc tổ chúc nuôi ăn bán trú tại trường đảm bảo an toàn trong mùa dịch. 

Học sinh Trường Mầm non Tiên Tân đi học trở lại ngày 22/11. Ảnh: Khôi Nguyên.
Học sinh Trường Mầm non Tiên Tân đi học trở lại ngày 22/11. Ảnh: Khôi Nguyên.

Hiệu trưởng nhà trường - cô Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, vấn đề cơ bản chính là khâu đảm bảo giãn cách trẻ ở các lớp. Mọi hoạt động chung đông người đều sẽ không thực hiện. Giáo viên hàng ngày kiểm tra sĩ số trẻ tới lớp, nếu em nào vắng phải tìm hiểu nguyên nhân và báo cáo tới ban lãnh đạo nhà trường. Đồng thời, tổng hợp thông tin số phụ huynh và trẻ thuộc các diện F0, F1, F2 về nhà trường. 

"Khi trẻ quay lại lớp, các cô sẽ tập trung làm chặt các khâu chăm sóc sức khỏe của trẻ. Nếu phát hiện trẻ nào có biểu hiện bất thường sẽ lập tức báo với cha mẹ trẻ, ban lãnh đạo nhà trường để có hướng xử lý phù hợp. Ngoài ra, về nội dung chương trình giáo dục trẻ cũng sẽ được triển khai theo hướng tinh gọn, đảm bảo kết quả mong đợi quy định tại chương trình giáo dục mầm non. Khi dạy trên lớp, hiệu quả giáo dục sẽ cao hơn so với việc giáo viên chỉ gửi bài qua Zalo cho trẻ nên phụ huynh cũng rất yên tâm", cô Thu Hà nhấn mạnh. 

Phụ huynh và học sinh khi đến trường đều được đo thân nhiệt, yêu cầu rửa tay sát khuẩn. Ảnh: Khôi Nguyên.
Phụ huynh và học sinh khi đến trường đều được đo thân nhiệt, yêu cầu rửa tay sát khuẩn. Ảnh: Khôi Nguyên.

Cô Trần Thị Thảo, giáo viên lớp A5 Trường Mầm non Tiên Tân bày tỏ niềm vui mừng khi cô trò lại được gặp nhau sau hai tháng nghỉ dịch. Cô tâm sự: "Khi nghỉ dịch, chúng tôi cũng chủ động xây dựng các tiết dạy, hướng dẫn cho trẻ các hoạt động vui chơi, khám phá, trải nghiệm. Đồng thời, phối hợp với cha mẹ để cùng chăm sóc giáo dục các con ở nhà nhằm giúp các con đạt được các mục tiêu giáo dục đề ra của năm học.

Thông qua nhóm Zalo lớp, chúng tôi thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ và đưa các thông tin về GDMN, giới thiệuu một số kênh thông tin khác để cho cha mẹ trẻ cập nhật phối hợp hỗ trợ con học tại nhà. Các tiết dạy video được cập nhật tới nhà trường tạo ra các kho dữ liệu để cha mẹ trẻ có thể vào đó tải về cho trẻ học tập thêm".

Rút gọn chương trình cho phù hợp

Cô giáo Trường Mầm non Lương Khánh Thiện trong giờ cho trẻ ăn bữa chiều. Ảnh: Khôi Nguyên.
Cô giáo Trường Mầm non Lương Khánh Thiện trong giờ cho trẻ ăn bữa chiều. Ảnh: Khôi Nguyên.

Cô Đào Thị Tám - Hiệu trưởng Trường Mầm non Lương Khánh Thiện thông tin, nhà trường đã thực hiện nghiêm công tác vệ sinh, khử khuẩn trường lớp. Đặc biệt, các dụng cụ, đồ chơi của trẻ ở các lớp được giáo viên lau rửa sạch sẽ theo quy định. Đồng thời, các trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch trong trường học cũng được nhà trường chuẩn bị đầy đủ. 

Toàn trường có hơn 360 trẻ chia về 14 lớp. Trong hai ngày đầu trường mở cửa trở lại, có khoảng 110 cháu được bố mẹ cho đến lớp, số còn lại do nhiều lý do và một số phụ huynh vẫn còn tâm lý e ngại và muốn cho con ở nhà thêm một vài ngày nữa. Trong thời gian nghỉ dịch, các giáo viên vẫn thường xuyên làm và gửi các video bài học cho phụ huynh qua zalo nhóm lớp để cho trẻ thực hành một số kỹ năng cơ bản. Việc duy trì thông tin hai chiều giữa giáo viên với phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc, giáo dục trẻ. 

Cũng theo vị hiệu trưởng, khi trẻ đến lớp, các cô cơ bản vẫn thực hiện dạy theo chương trình. Giáo viên thường xuyên cập nhật thông tin từ phía gia đình về sức khỏe của trẻ để cho trẻ ở nhà nếu có biểu hiện khác thường. Ở khâu chăm sóc trẻ, giáo viên sẽ phải cẩn thận hơn, đặc biệt là bữa ăn bán trú của các em. Khi ăn, các cô yêu cầu trẻ không nô đùa và phải giữ khoảng cách. Lớp mẫu giáo lớn sĩ số không quá 30, còn lớp nhà trẻ chỉ từ 15 - 17 cháu nên cô cũng thuận tiện trong quản lý. 

Sở GD&ĐT Hà Nam yêu cầu phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục để tăng cường công tác chỉ đạo, thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19. Chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành y tế tuyên truyền giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, theo dõi và quản lý chặt chẽ sức khỏe của học sinh, cán bộ, nhà giáo, nhân viên ngành Giáo dục. Điều này nhằm phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh để kịp thời ngăn chặn, không để dịch lây lan trong các cơ sở giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.