Quảng Ninh xây dựng xã hội học tập và thúc đẩy học tập suốt đời

Hạ Long nỗ lực gia nhập mạng lưới 'Thành phố học tập toàn cầu'

GD&TĐ - Là thành phố “thủ phủ” của tỉnh Quảng Ninh, Hạ Long đang phấn đấu để gia nhập mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO vào năm 2025.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, TP Hạ Long cùng ngành Giáo dục chia sẻ niềm vui đón ngôi trường mới với giáo viên, học sinh Trường THPT Ngô Quyền cuối tháng 7/2024.
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, TP Hạ Long cùng ngành Giáo dục chia sẻ niềm vui đón ngôi trường mới với giáo viên, học sinh Trường THPT Ngô Quyền cuối tháng 7/2024.

Nâng cao uy tín trước cộng đồng quốc tế

Mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO là mạng lưới quốc tế bao gồm các thành phố thúc đẩy thành công việc học tập suốt đời trong cộng đồng để chia sẻ cảm hứng, bí quyết và phương pháp tốt nhất cho nhau.

Để được công nhận là thành viên mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO, các ứng cử viên phải vượt qua một quy trình xét duyệt hồ sơ chặt chẽ, công bằng và minh bạch. Hồ sơ được đánh giá qua các vòng độc lập bởi Hội đồng gồm các chuyên gia uy tín trên thế giới do UNESCO thành lập.

Hội đồng sẽ xét duyện căn cứ trên 42 tiêu chí, 57 chỉ số của Bộ tiêu chí thành phố học tập và câu trả lời mà các thành phố cung cấp cho khoảng 20 câu hỏi trong mẫu đăng ký của UNESCO. Thông qua đó, Hội đồng tiến hành đánh giá và xem xét sự phù hợp của thành phố ứng cử với các tiêu chí đề ra.

ha-long-tham-gia-thanh-pho-hoc-tap-toan-cau-anh-2.jpg
Trung tâm TP Hạ Long nhìn từ trên cao.

Tính đến thời điểm này, TP Hạ Long đã hoàn thành được 50/57 chỉ số. Đối với những chỉ số chưa đạt, TP Hạ Long cam kết triển khai bằng các giải pháp đồng bộ, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, phấn đấu tham gia mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO trong năm 2025.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long cho biết, việc tham gia mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO giúp cho người dân Hạ Long có điều kiện thuận lợi hơn trong việc trao đổi ý tưởng, tri thức và kinh nghiệm với các thành phố thành viên khác trên toàn thế giới.

Đồng thời, nâng cao uy tín và sự công nhận của cộng đồng quốc tế cũng như gia tăng khả năng thu hút đầu tư, nguồn nhân lực, sự thịnh vượng và phát triển bền vững. Nhận thức rõ những lợi ích trên, Hạ Long quyết tâm phấn đấu trở thành thành phố học tập toàn cầu trong thời gian gần nhất.

Hiện nay, trên địa bàn TP Hạ Long hiện có 117 trường từ mầm non đến THPT, với gần 100.000 học sinh. Trong những năm qua, thành phố đã tích cực đổi mới phương pháp, chú trọng giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, trở thành đơn vị dẫn đầu trong toàn tỉnh về chất lượng và số lượng giải học sinh giỏi các cấp. Năm học 2023- 2024, thành phố dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Để đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho năm học 2024-2025, thành phố đang cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất 68 trường với kinh phí 41 tỷ đồng, đầu tư xây mới 9 công trình với tổng số tiền 151 tỷ đồng, mua sắm tăng cường cơ sở vật chất, trường lớp cho 63 đơn vị trường học với kinh phí 19 tỷ đồng.

ha-long-tham-gia-thanh-pho-hoc-tap-toan-cau-anh-3.jpg
Những ngôi trường được xây mới ở TP Hạ Long.

Tính đến thời điểm này, thành phố có 70/117 trường đạt chuẩn quốc gia, dự kiến đến hết năm 2024 thành phố có 87/117 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 75%). Tất cả điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn tạo ra cơ hội cho mọi người học tập suốt đời, học tập thường xuyên.

Bên cạnh đó, để thực hiện tiêu chí xây dựng môi trường học tập trong cộng đồng, thành phố đã triển khai bộ tiêu chí đánh giá, công nhận các mô hình học trên toàn thành phố như “Công dân học tập", “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”.

Tính đến hết năm 2023, số gia đình đạt “Gia đình học tập” bằng 90% tổng số hộ đăng ký và 83% số hộ dân toàn thành phố; “Dòng học học tập” đạt 72% trên tổng số dòng họ; “Cộng đồng học tập” cấp xã đều xếp loại từ khá trở lên; 100% đạt đơn vị học tập.

Thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3, chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Phát triển giáo dục Hạ Long trong kỷ nguyên mới

Bà Phan Thị Hải Hường, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hạ Long cho biết, trong thời gian tới, thành phố chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Tích cực đổi mới phương pháp, hình thức dạy học. Chú trọng giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, các vấn đề về xã hội. Thực hiện tốt nội dung giáo dục thể chất, đẩy mạnh phong trào luyện tập thể dục thể thao trong các trường học góp phần tăng cường sức khỏe, phát triển toàn diện học sinh.

ha-long-tham-gia-thanh-pho-hoc-tap-toan-cau-anh-4.jpg
Lãnh đạo TP Hạ Long tặng bằng khen cho các em học sinh có thành xuất sắc năm học 2023-2024.

Tăng cường đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Tăng cường công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; phân luồng sau trung học cơ sở, kết quả phổ cập giáo dục - xóa mù chữ được duy trì, giữ vững và nâng cao…

Chú trọng chất lượng giáo dục và đào tạo, nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Đầu tư cơ sở vật chất, sắp xếp mạng lưới trường lớp, từng bước đảm bảo theo hướng tiêu chí quốc gia và quốc tế.

Đẩy mạnh xã hội hoá, thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Thực hiện hiệu quả đề án tự chủ đối với các trường học công lập, nâng mức tự chủ đối với một số trường thuộc vùng thuận lợi. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

Phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng miền. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, tạo nền tảng hình thành lớp công dân thành phố thông thạo ngoại ngữ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh thực hiện đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.

Trước đó tại Hội thảo khoa học “Phát triển Giáo dục Hạ Long trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, ông Vũ Quyết Tiến, Bí thư Thành ủy Hạ Long khẳng định, Hạ Long luôn xác định là địa phương có tính tiên phong, dẫn dắt, đột phá đi đầu trong các mục tiêu phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh.

Trong đó, GD&ĐT phải có sự phát triển đột phá, nhất là trong đổi mới tư duy, nhận thức, nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục và đào tạo và cơ sở vật chất, thi đua dạy tốt, học tốt…

Với mục tiêu gợi mở, phân tích, định hướng giúp cho TP Hạ Long có cái nhìn toàn diện, sâu sắc ở các góc độ khác nhau về tư duy, cách tiếp cận quy mô giáo dục của cả nước và khu vực để rút ra những kinh nghiệm quý báu phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Tạo bước đột phá trong phát triển GD&ĐT, góp phần hoàn thành nhiệm vụ đưa Hạ Long nằm trong mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO vào năm 2025.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ