Hà Giang thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Bằng sự quan tâm, đầu tư của Đảng, nhà nước kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tại Hà Giang ngày một hoàn thiện, đời sống ngày càng nâng cao.

Hà Giang thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc.
Hà Giang thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc.

Đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình giao thông

Hoàng Su Phì là huyện biên giới vùng cao của tỉnh Hà Giang với tỷ lệ người DTTS chiếm 95,5%. Trên địa bàn huyện hiện có trên 13 dân tộc, trong đó có 9 dân tộc sinh sống thành cộng đồng, bao gồm: Dân tộc Nùng, dân tộc Dao, dân tộc Tày, dân tộc La Chí, dân tộc Cờ Lao, dân tộc Hoa, dân tộc Phù Lá, Cao Lan, Mường, Giấy, Pà Thẻn.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và nhiều chính sách đối với đồng bào DTTS đã được triển khai đồng bộ. Cùng với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của đồng bào, đời sống kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN đã có bước phát triển.

Cụ thể, năm 2022, Huyện đã tiến hành rà soát nhu cầu đầu tư, nhu cầu hỗ trợ, đề nghị phân bổ vốn các Chương trình, trong đó vốn đầu tư của Tỉnh phân bổ là 54.126 triệu đồng, ngân sách Trung ương 51.548 triệu đồng; Ngân sách tỉnh, huyện đối ứng 2.578 triệu đồng. Vốn sự nghiệp, tỉnh phân bổ 35.608 triệu đồng, ngân sách Trung ương là 33.912 triệu đồng, ngân sách địa phương 1.696 triệu đồng.

Toàn huyện đăng ký hỗ trợ đất ở cho 50 hộ, hỗ trợ nhà ở 100 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho 90 hộ, chuyển đổi nghề cho 319 hộ; nước sinh hoạt phân tán cho 1.223 hộ, nước sinh hoạt tập trung 1 công trình. Thực hiện hỗ trợ ổn định dân cư xen ghép tại chỗ cho 12 hộ trên địa bàn 9 xã, đến nay đã giải ngân 100% số kinh phí hỗ trợ được giao.

Về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Huyện đã đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình giao thông nông thôn 25 công trình (Công trình giao thông nông thôn trên địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn 24 công trình, cứng hoá đường đến trung tâm xã, đường liên xã chưa được cứng hóa 1 công trình, cứng hóa đường giao thông thôn biên giới thực hiện hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn mới 1 công trình). Cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh 8 công trình, cấp điện cho thôn biên giới để thực hiện hoàn thành tiêu chí điện thuộc Bộ tiêu chí thôn nông thôn mới 2 công trình và 1 công trình Trường, lớp học đạt chuẩn.

Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường học

Cơ sở vật chất trường lớp học ngày càng được củng cố, tăng cường.

Cơ sở vật chất trường lớp học ngày càng được củng cố, tăng cường.

Đối với phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, huyện Hoàng Su Phì đã triển khai các tiểu dự án như: Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường Phổ thông có học sinh bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo kế hoạch đề ra, năm 2022, UBND huyện thực hiện xây mới phòng học thông thường và phòng học bộ môn 37 phòng, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học cho 7 trường phổ thông dân tộc bán trú, mở 14 lớp xóa mù chữ cho 224 người.

Bồi dưỡng kiến thức dân tộc, đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch Bồi dưỡng kiến thức dân tộc năm 2022 với 3 lớp/240 học viên thuộc đối tượng 4 tham gia bồi dưỡng. Phòng Dân tộc đã xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức 3 lớp bồi dưỡng với số lượng 216/240 học viên được triệu tập tham gia.

Đối với tiểu dự án về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi, huyện đã xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo để thực hiện các mô hình, các lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học cho Trung tâm GDNN-GDTX huyện, xây dựng và triển khai mô hình đào tạo nghề, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi: 56 người. Xây dựng kế hoạch hỗ trợ người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bên cạnh đó, huyện còn xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp trên địa bàn huyện 5 lớp/402 người, tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm cho các đối tượng trực tiếp thực hiện Chương trình với 2 đoàn.

Ông Bùi Thanh Hưởng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang khẳng định: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN đã góp phần làm thay đổi lớn đời sống nhân dân, đặc biệt là đồng bào người DTTS và được nhân dân nhiệt tình đón nhận, chương trình đã được huyện Hoàng Su Phì đã chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt.

Trong thời gian tới, để chương trình ngày càng đem lại hiệu quả địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xóa bỏ hủ tục lạc hậu, ngăn ngừa, can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Tập trung thực hiện tốt công tác hướng dẫn và kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách dân tộc, Chương trình MTQG.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ