"Quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình là phải tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019 nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế, phản ánh đúng chất lượng dạy và học; kiên quyết không để xảy ra sai phạm. Đây là quyết tâm chính trị rất lớn của cả hệ thống chính trị địa phương" - ông Nguyễn Văn Chương - phó chủ tịch UBND tỉnh, trưởng Ban chỉ đạo thi tỉnh Hòa Bình - nói.
Thẩm tra cán bộ tham gia kỳ thi
Ông Nguyễn Thế Bình - phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Hà Giang - cho biết công tác nhân sự tham gia các ban thuộc hội đồng thi của tỉnh năm nay được chuẩn bị rất chu đáo.
Ông Bình nhận định tất cả các khâu như in sao đề thi, coi thi, làm phách, chấm thi... do liên quan đến yếu tố con người nên rất dễ xảy ra tiêu cực. Do đó, sở lựa chọn, rà soát cán bộ, giáo viên có phẩm chất chính trị tốt, có năng lực thực hiện nhiệm vụ, nắm vững quy chế thi để tham gia các khâu tổ chức kỳ thi.
Quá trình rà soát, chọn lựa được thực hiện từ cấp trường đến cấp sở, có ý kiến thẩm tra của Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh trước khi bố trí đảm nhiệm công tác thi, đảm bảo không có bất kỳ một cán bộ, giáo viên nào không đảm bảo về phẩm chất, năng lực tham gia tổ chức thi. Khâu lựa chọn qua nhiều vòng từ trường lên sở, rồi báo cáo UBND tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu các phòng, ban liên quan rà soát, chốt nhân sự.
Dự kiến có gần 1.200 lượt người tham gia tổ chức thi, trong đó cán bộ, giảng viên các cơ sở giáo dục ĐH khoảng 350 lượt, lực lượng an ninh bảo vệ khoảng 120 lượt.
Theo phó ban thường trực Ban chỉ đạo thi tỉnh Sơn La, phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Chiến, tất cả cán bộ tham gia làm công tác thi của địa phương này đều phải qua vòng thẩm định nhân thân của công an, những ai đảm bảo được các yêu cầu về phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn... mới được lựa chọn.
Trang bị hộp tích điện cho camera giám sát
Để hạn chế, phòng ngừa tiêu cực, rút kinh nghiệm năm 2018, ông Nguyễn Thế Bình cho hay địa phương đã thực hiện một số giải pháp trước kỳ thi: phổ biến, hướng dẫn quy chế thi cho tất cả các lực lượng tham gia tổ chức thi như công an, cán bộ, giáo viên, giảng viên, nhân viên và học sinh.
Quá trình in sao đề thi, vận chuyển và bàn giao đề thi, coi thi, chấm thi phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy chế. Đặc biệt tăng cường công tác quản lý, giám sát thi trong quá trình bảo quản, lưu giữ đề thi, bài thi, quá trình coi thi, vận chuyển, bàn giao bài thi.
Đối với nơi lưu giữ bài thi, ngoài việc có tủ sắt đựng bài thi, năm nay Bộ GD-ĐT còn quy định phải có camera giám sát 24/24 giờ. Ông Bình cho hay sở đã bố trí ở 20 điểm thi mỗi điểm 2 camera giám sát, thay vì 1 camera như bộ yêu cầu. Tại các điểm thi của Hà Giang đều có máy phát điện dự phòng trường hợp mất điện, nhưng sở vẫn trang bị thêm hộp tích điện có khả năng trữ điện được sáu giờ cho camera ở tất cả 20 điểm thi.
Khi kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại Hà Giang vừa qua, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng camera không chỉ có nhiệm vụ giám sát tủ đựng bài thi, đề thi mà còn ghi lại hoạt động ở trong phòng, những người có thể ra vào khu vực này. Thứ trưởng nhắc lại yêu cầu không được để xảy ra mất điện đối với camera, nếu mất điện một giờ phải lập biên bản ngay.
Ôn tập "nước rút"
Qua ý kiến của các tỉnh có thể thấy năm nay với việc lấy tỉ lệ xét tốt nghiệp 70% dựa vào kết quả thi THPT quốc gia, 30% dựa vào kết quả học bạ lớp 12 là điều kiện khá khó khăn đối với các tỉnh miền núi.
Vì thế, theo ghi nhận, các địa phương trên đã tổ chức ôn tập "nước rút", hướng dẫn kỹ năng làm bài cho học sinh đến sát ngày thi. Tại Trường THPT Mai Châu (Hòa Bình), hiệu trưởng Phạm Công Tác cho biết kế hoạch ôn thi cho học sinh của trường kết thúc vào ngày 21-6.
Nội dung ôn tập bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, bám sát cấu trúc đề thi tham khảo của Bộ GD-ĐT, ôn tập sát với từng nhóm đối tượng học sinh. Chú trọng đến đối tượng học sinh xét tốt nghiệp, rèn kỹ năng làm bài trắc nghiệm với các câu hỏi dạng nhận biết, thông hiểu.
Theo ông Tác, điểm thi Trường THPT Mai Châu có 303 thí sinh dự thi, trong đó có 15 thí sinh tự do, 66 thí sinh giáo dục thường xuyên, còn lại là học sinh của trường. Đáng lưu ý là số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ chỉ có 78 em, chiếm 25,74%. Số còn lại hơn 74% là xét tốt nghiệp.
Tại Trường THPT Thảo Nguyên, huyện Mộc Châu (Sơn La), bà Lê Thùy Dương - phó hiệu trưởng - cho biết ngày 15-6 kết thúc ôn tập cho thí sinh theo đúng chỉ đạo của Sở GD-ĐT tỉnh. Điểm thi Trường THPT Thảo Nguyên có 287 thí sinh dự thi, trong đó có 4 thí sinh tự do và 146 thí sinh dự thi xét ĐH, CĐ. Hà Giang cũng kết thúc ôn tập cho học sinh vào ngày 15-6, trường muộn nhất là ngày 18-6.