“Gửi Tết” nét đẹp truyền thống nơi làng quê

GD&TĐ - Ở bất kỳ một làng quê nào trên đất nước ta thì tập tục đem lễ vật gửi Tết để cúng ông bà tiên tổ luôn là nét đẹp truyền thống theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hay “chim có Tổ, người có Tông”… Nước ta là một đất nước phần lớn theo đạo Phật, vì vậy mà tập tục này càng không thể thiếu trong mỗi gia đình trước khi các thành viên sum vầy đón Tết.

“Gửi Tết” nét đẹp truyền thống nơi làng quê

“Gửi Tết” là một tập tục, nghĩa là các thành viên mang lễ vật đến một gia đình trưởng tộc, trưởng họ, hay trưởng một đại gia đình để cúng các bậc tiên tổ thế hệ trước đã sinh thành ra các bậc con cháu hậu bối sau này.

Các gửi Tết ở các vùng miền trên nước ta thường giống nhau, nghĩa là các anh chị em được sinh ra trong một gia đình, khi lấy vợ, gả chồng thành những gia đình nhỏ bé riêng biệt, khi Tết đến xuân về thường phải mang một số lễ vật đến nhà người con trưởng - người có trách nhiệm cúng giỗ thờ phụng cha mẹ, để cúng cha mẹ (nếu cha mẹ đã khuất núi), hoặc đồ lễ vật đó sẽ dùng để cúng ông bà, tổ tiên (nếu bố mẹ mình còn sống).

Đối với các gia đình thuộc thế hệ trước nữa, nghĩa là ông, bà, cha mẹ được thờ cúng ở những gia đình trưởng tộc, trưởng họ… thì các con, cháu, chắt, chít theo sự phân công đã định trong chi tộc, dòng họ cũng phải mang lễ vật đến một nhà đầu ngành để cúng Tết. Ở đại đa số các làng quê, phong tục gửi Tết thường được duy trì tới 3 - 4 đời tính từ hiện tại đến quá khứ. Cá biệt, có nhiều dòng họ, tập tục này được thực hiện đến thậm chí 6 - 7 đời mới thôi.

Lễ vật được mang đi gửi Tết thường không mang nhiều giá trị về vật chất, mà mang giá trị lớn về tâm linh và lòng kính trọng của con cháu hướng về với tiên tổ. Thông thường người ta mang lễ vật gửi Tết là thẻ hương thơm, hộp hương vòng kèm theo hộp mứt, chai rượi màu. Có một số vùng miền lễ vật gửi Tết là một số loại hoa quả, kèm theo bánh trái tự gói, tự làm từ nguyên liệu sản xuất được.

Quê tôi, một vùng thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ, thì ngoài lễ vật là bánh, kẹo, rượu, mứt, hương thơm ra thì khi đi gửi Tết nhà ai cũng mang kèm theo một bó hoa huệ hoặc hoa lay-ơn để cắm vào lọ độc bình trên ban thờ.

Ở một số làng quê ở Thái Bình, Nam Định, cách gửi Tết cũng khá lạ, khi mà bắt buộc trong lễ vật phải có một cặp bánh chưng vuông, bởi dù có đủ đầy các thứ như bánh kẹo, mứt, hương…, mà thiếu bánh chưng thì coi như lễ vật ấy được xem là chưa đủ đầy cho lắm. Hay như một số bản làng ở các tỉnh miền núi phía Bắc mà tôi biết thì tập tục mang lễ vật gửi Tết bao giờ cũng phải có một gói thịt thú rừng khô kèm theo một vò rượu ngô…

Nói chung, lễ vật dùng để gửi Tết ở mỗi vùng miền có khác nhau đôi chút về danh mục lễ vật, thế nhưng về cơ bản đều giống nhau là hướng về cội nguồn nhân ngày Tết Nguyên đán.

Trong thời hiện đại ngày nay, khi mà tiền bạc chi phối mạnh mẽ, tình cảm con người với con người trong mỗi gia đình, dòng họ ngày một nhạt phai dần thì tập tục gửi Tết cũng ít nhiều bị ảnh hưởng, bởi thành viên của nhiều gia đình sứt mẻ tỉnh cảm vì đất đai, tiền bạc nên họ tự ý cúng riêng ông bà, cha mẹ… và đó là một vết gợn buồn!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ