Gửi lời tri ân tới những người thầy

Cô giáo Lường Thị Thu Trang cho biết: Tác phẩm “Thầy ơi” gồm những câu chuyện về thầy giáo Dương Văn Phẩm, nguyên giáo viên chủ nhiệm lớp 4B – Trường Cấp I Duyên Hải – Thị xã Lào Cai  năm học 1969 - 1970.

Đến nay đã gần 40 năm, “lứa học trò xưa của thầy đã rải khắp mọi miền đất nước”, thầy cũng đã mất nhưng kỉ niệm về thầy Dương Văn Phẩm mãi không phai mờ trong ký ức của học trò một thủa. Thậm chí, tình nghĩa thầy trò thời gian khó, chiến tranh loạn lạc ấy còn gây ấn tượng mạnh để cô giáo Lường Thị Thu Trang – thế hệ con cháu chắp bút thành tác phẩm.

Cô giáo Lường Thị Thu Trang: “Em trân trọng và xúc động với tình cảm thầy trò thế hệ xưa”. Ảnh: NVCC
Cô giáo Lường Thị Thu Trang: “Em trân trọng và xúc động với tình cảm thầy trò thế hệ xưa”. Ảnh: NVCC

“Qua lời mẹ kể (nhà giáo Nguyễn Thị Phương Lan, cựu giáo viên trường Tiểu học số 1 Sơn Hà huyện Bảo Thắng – Lào Cai), em luôn cảm nhận về tình nghĩa thầy trò thời xưa thật thiêng liêng, ấm áp. Thầy cô là cha mẹ ở trường. Dù dạy và học thời gian khó họ vẫn chủ động đổi mới phương pháp dạy học; bằng sự chân thành, xưng hô thân mật họ xóa tan khoảng cách thầy - trò; thầy cô trở thành chỗ dựa về tinh thần, trở thành thầy thuốc khi học sinh gặp nạn; thầy cô là những hạt nhân tích cực trong việc xóa hủ tục tảo hôn của người dân tộc khiến học sinh phải nghỉ học giữa chừng; họ không chỉ dạy HS kiến thức trong sách vở mà còn cả kĩ năng sống từ những bài học thực tế…

Đặc biệt, thầy giáo Dương Văn Phẩm đã để lại cho thế hệ giáo viên trẻ hôm nay kinh nghiệm, bài học ý nghĩa để vận dụng vào giáo dục đó là: Học sinh đi học điều đầu tiên là học làm người. Phải biết yêu thương con người mới biết quý trọng vận dụng những gì đã học được từ nhà trường vào cuộc sống…” – Cô Lường Thị Thu Trang cho biết về lý do chọn đề tài thể hiện của mình.

Cũng theo cô giáo Lường Thị Thu Trang, khi biết tới cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy/cô và mái trường mến yêu” được Báo GD&ĐT phát động tổ chức bản thân đã nghĩ ngay đến việc tham dự và viết về đề tài thầy giáo Dương Văn Phẩm dù bản thân có nhiều đề tài khác có thể lựa chọn (Về học sinh của mình, về tình cảm của giáo viên dành cho học sinh và ngược lại…).

Học hỏi phương pháp dạy học và ứng xử với HS của thế hệ giáo viên đi trước. Ảnh: NVCC
Học hỏi phương pháp dạy học và ứng xử với HS của thế hệ giáo viên đi trước. Ảnh: NVCC

“Em muốn được thay thế thế hệ bố mẹ em gửi tình cảm, sự tri ân đến thế hệ nhà giáo năm xưa. Thế hệ bố mẹ em không có điều kiện, cơ hội để tham dự vào những cuộc thi viết ý nghĩa như thế này để được tri ân thầy cô của mình. Thậm chí chiến tranh loạn lạc, ly tán… đã khiến nhiều học trò không còn cơ hội gặp lại hoặc liên lạc với thầy cô giáo cũ dù trong lòng họ mãi khắc khoải mong ngóng và biết ơn sâu sắc thầy cô…”- Cô Trang bày tỏ.

Đối với cô Trang: Cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy/cô và mái trường mến yêu” thật ý nghĩa bởi cuộc sống hôm nay luôn bộn bề công việc khiến mỗi người khó có điều kiện thể hiện tình cảm của mình với thầy cô giáo. Mặt khác, nhiều thầy cô đã không còn để chứng kiến sự trưởng thành, để được nhận những lời cảm ơn của thế hệ học trò mà họ từng yêu thương, hết lòng chăm chút, dạy bảo.

Đồng hành cùng học trò để giáo dục thêm hiệu quả. Ảnh: NVCC
Đồng hành cùng học trò để giáo dục thêm hiệu quả. Ảnh: NVCC

Cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” có sự ảnh hưởng, tác động tích cực đối với đội ngũ giáo viên, học sinh. Tham dự cuộc thi mỗi thầy cô thêm quyết tâm nâng cao kiến thức, vững vàng chuyên môn nghiệp vụ, giữ gìn hình ảnh người thầy mãi đẹp trong mắt học trò, giáo dục học trò noi theo các giá trị chuẩn mực; lấy học trò làm trung tâm của giáo dục; thầy cô lắng nghe, thấu hiểu để học sinh tin tưởng tìm đến trong mọi vui buồn…

Với cách viết mộc mạc, chân thành, không “bay nhảy” về ngôn từ, không nặng nề giáo huấn… tác phẩm “Thầy ơi” của cô giáo Lường Thị Thu Trang nhẹ nhàng mà mang đến cho người đọc cảm xúc sâu lắng về thầy giáo Dương Văn Phẩm. Qua đó những câu chuyện tình nghĩa thầy trò một thủa như “sống” lại trong mỗi người sau gần 40 năm nằm im trong ký ức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ