GTVT không vào chương trình giám sát 2012

GTVT không vào chương trình giám sát 2012

(GD&TD)-Sáng nay, 11/11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012.

Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan hữu quan triển khai quyết liệt nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực này
Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan hữu quan triển khai quyết liệt nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực này

Theo đó, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao các nội dung như: xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan.

Quốc hội cũng sẽ xem xem xét báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 của Quốc hội; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; các báo cáo công tác của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; xem xét báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai trong lĩnh vực hành chính.

Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức thực hiện Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012; chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội; hướng dẫn các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện hoạt động giám sát;…

Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương có liên quan có trách nhiệm hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát; báo cáo và cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác những thông tin, tài liệu cần thiết có liên quan đến nội dung giám sát theo yêu cầu của cơ quan tiến hành giám sát. Các cơ quan chịu sự giám sát thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc những kiến nghị sau giám sát và báo cáo kết quả thực hiện đến Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Dù cho rằng an toàn giao thông đã và đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội, được khá nhiều đại biểu và dư luận quan tâm, nhưng Thường vụ Quốc hội cho hay, nội dung này đã được Quốc hội khóa 12 giám sát năm 2008 và đưa ra kiến nghị, giải pháp thiết thực cả trong ngắn và dài hạn.

Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan hữu quan triển khai quyết liệt nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực này. Vì vậy, Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội chưa giám sát nội dung này vào năm 2012

* Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án luật Bảo hiểm tiền gửi. Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng cần thiết phải ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi. Tuy nhiên, nhiều vấn đề xung quanh dự luật này còn khiến các đại biểu có nhiều ý kiến tranh luận.

Đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) đưa ý kiến chỉ nên Bảo hiểm tiền gửi với cá nhân gửi tiền vì hạn mức bảo hiểm sẽ không lớn thay vì bảo hiểm cho cả các doanh nghiệp, tổ chức.

Đại biểu Nguyễn Văn Bình, Đặng Xuân Huy (Đồng Tháp) đề xuất mức bảo hiểm nên gấp khoảng 3-5 lần thu nhập bình quân đầu người và có thể lên khoảng 150 triệu đồng.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) thì cho rằng nếu thu hẹp đối tượng so với hiện hành (hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh) thì Chính phủ cần có tổng kết về việc tại sao phải thu hẹp để giải thích rõ hơn cũng như đảm bảo quyền lợi người gửi tiền. Ở quan điểm ngược lại, một số lại cho rằng nên bảo hiểm tiền gửi cho cả các tổ chức để bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.

Liên quan đến việc có hay không bảo hiểm tiền gửi với ngoại tệ và vàng, một số quan điểm cho rằng không nên Bảo hiểm tiền gửi với các tài sản này vì phù hợp với chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam, hướng tới mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam và chống tình trạng đô la hóa.

Theo Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), không bảo hiểm tiền gửi với ngoại tệ và vàng vì kinh tế Việt Nam chưa phát triển và các nước phát triển trên cũng không bảo hiểm với tiền gửi ngoại tệ.

Tuy nhiên, các đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), Phạm Huy Hùng (Hà Nội), Đặng Xuân Huy (Đồng Tháp) lại cho rằng cần phải bảo hiểm cả tiền gửi bằng ngoại tệ, vàng vì chúng ta đang khuyến khích không giao dịch các loại tài sản này bên ngoài và gửi vào ngân hàng. Và khi nhận gửi thì ngân hàng phải có trách nhiệm bảo vệ. Cũng theo các đại biểu, không nên hiểu chống đô la hóa bằng việc không bảo hiểm tiền gửi ngoại tệ, vàng mà chống bằng cách có cơ chế không cho các giao dịch trôi nổi ngân hàng. Mặt khác, Việt Nam cũng đang cần thu hút ngoại tệ để cân bằng cán cân thương mại đang thâm hụt.

Thái Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ