Với sự hài lòng và tin tưởng về những kết quả đổi mới đã và đang đạt được của ngành GD&ĐT thời gian gần đây, thể hiện rõ nét qua Kỳ thi THPT quốc gia 2017. Làm tiền đề cho các đổi mới tiếp theo, trong đó có đổi mới về kiểm tra đánh giá trong giáo dục. GS.VS Phạm Minh Hạc cho rằng:
Dư luận xã hội rất hài lòng và cá nhân tôi cũng ghi nhận kỳ thi năm nay có nhiều đổi mới, tiến bộ. Nhất là việc giao cho các địa phương chủ trì; các bài thi được thi theo hình thức trắc nghiệm (trừ môn Ngữ văn) và có sự đồng hành giúp sức của các trường Đại học. Điều đó đã góp phần tạo nên một kỳ thi an toàn, nghiêm túc.
Thứ nhất, Kỳ thi được giao cho các địa phương chủ trì nên giảm tốn kém cho gia đình và xã hội. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh có tâm thế tốt để bước vào kỳ thi. Đây cũng là yếu tố rất được dư luận quan tâm, ủng hộ và phù hợp với Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT.
Việc phân cấp giao tổ chức thi THPT cho các Sở GD&ĐT là rất đúng: Bộ GD&ĐT chỉ nên đứng ở cương vị quản lý như ra đề thi và giao cho các Sở GD&ĐT chủ trì triển khai, các trường THPT thực hiện, học sinh trường nào thi trường đó. Tức là kỳ thi quốc gia nhưng ở các trường THPT tổ chức, thực hiện. Vì thế Kỳ thi năm nay, cơ bản đã đáp ứng được đề xuất trên, bởi thực tế các địa phương hoàn toàn có thể làm được vì họ cũng đã từng có kinh nghiệm tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp THPT ở những năm trước đó.
Thứ hai, đề thi năm nay được thực hiện theo hình thức trắc nghiệm, phù hợp với thực tiễn. Thực tế, nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Đức và nhiều nước tiên tiến cũng đã áp dụng hình thức thi trắc nghiệm từ lâu. Vì thế việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm như năm nay là hợp với xu hướng quốc tế. Chúng ta đi sau nhưng áp dụng vào thực tế một cách linh hoạt và hiệu quả. Quan trọng là sau đó các trường Đại học dựa vào kết quả của kỳ thi để xét tuyển thí sinh vào trường mình cho phù hợp là đúng với tinh thần của đổi mới giáo dục nhất.
Ngoài ra, việc tổ chức điều động giám thị coi thi của các trường Đại học, với 50% là giáo viên phổ thông và 50% là giảng viên Đại học đã đảm bảo được tính khách quan, công bằng, nghiêm túc của kỳ thi. Tôi kỳ vọng năm sau, có thể là sẽ phát huy được các kết quả đạt được của năm nay, hoặc có thể sẽ tiếp tục cải tiến cách thức triển khai, nhưng Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tốt và thành công hơn đối với kỳ “vượt vũ môn” quan trọng này cho HS THPT, đồng thời tạo nguồn tuyển chất lượng, đáng tin cậy cho các trường ĐH, CĐ trong xét tuyển.