GS.TSKH Nguyễn Châu - “sư tổ” của ngành Từ học Việt Nam từ trần

 GS.TSKH Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Châu, nguyên Chủ nhiệm Khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN, Nhà Vật lý từ học nổi tiếng, một nhân cách khoa học lớn do tuổi cao sức yếu đã từ trần vào ngày 11/9/2019, hưởng thọ 81 tuổi.

GS.TSKH Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Châu
GS.TSKH Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Châu
GS.TSKH Nguyễn Châu được cộng đồng nghiên cứu vật liệu từ, từ học ở Việt Nam và châu Á đánh giá là một trong những chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này, đặc biệt là các vật liệu ferit, perovskit, vật liệu từ nano tinh thể…

Tính đến nay, ông đã làm chủ nhiệm trên 40 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp và cùng các cộng sự công bố 350 công trình nghiên cứu, trong đó gần 100 công trình công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín.

GS.TSKH Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Châu, sinh năm 16/11/1939, quê quán: huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định

Nguyên Chủ nhiệm Khoa Vật lý, nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học Vật liệu, nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn Vật lý chất rắn.

Ông là cựu sinh Khoa Vật lý, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội khóa 1956. Bảo vệ Tiến sĩ Vật lý tại ĐH Tổng hợp Moscow mang tên Lomonosov năm 1965. Bảo vệ Tiến sĩ Khoa học tại Ba Lan năm 1984. Bổ nhiệm Phó Giáo sư năm 1980, Giáo sư năm 1991.

Ông được vinh danh Nhà giáo Ưu tú năm 1994, Nhà giáo Nhân dân năm 2002. Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba. Danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quốc. Giải thường Nhà nước về Khoa học – Công nghệ và nhiều phần thưởng khác.

Lễ viếng GS Nguyễn Châu từ 11g30 đến 12g45 ngày 14/9/2019 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu vào hồi 12g45 cùng ngày. Hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Hà Nội. An táng tại nghĩa trang Yên Kỳ, Bất Bạt, Hà Nội.

Trong đó, nhiều công trình được đăng trên Tạp chí về Từ học và vật liệu từ - Journal of Magnetism and Magnetic Materials - tạp chí uy tín nhất của giới từ học. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần trong sự nghiệp khoa học của GS Nguyễn Châu. Sinh viên ngành vật lý chất rắn của Việt Nam vẫn thường gọi GS Nguyễn Châu là “sư tổ” của ngành từ học, còn các nhà khoa học thì đánh giá ông là một trong những chuyên gia hàng đầu về từ học của thế giới.

Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, ông là Trưởng đoàn nghiên cứu khoa học phục vụ cho quốc phòng tại Học viện Kỹ thuật quân sự với nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng vật liệu từ. Năm 1988, ông giữ cương vị Chủ nhiệm khoa Vật lý.

Hơn 40 năm gắn bó với giảng đường đại học, GS Nguyễn Châu luôn gắn kết công tác giảng dạy với nghiên cứu khoa học và đạt được nhiều thành công. Trong các nghiên cứu về ferit, ông đã chỉ ra có thể sử dụng nguyên liệu Fe2O3, BaCO3 cũng như MnO trong nước để chế tạo các ferit từ cứng và từ mềm chất lượng cao.

Đặc biệt, ông đã đề xuất giải pháp bổ sung một lượng nhỏ La thay thế cho Fe để chế tạo các nam châm ferit từ tính cao. Đã sử dụng phương pháp ép đẳng tĩnh khuôn cao su cho ferit Sr dị hướng vừa làm tăng mật độ khối của vật liệu, vừa làm tăng mạnh khả năng định hướng của các hạt ferit đơn đomen có dị hướng hình dạng lớn.

Kết quả là, đã đạt được tích năng lượng từ đạt kỷ lục thế giới 5,5 MG.Oe (kỷ lục này đã được giữ vững hàng chục năm). Từ các kết quả trên, hàng trăm ngàn sản phẩm nam châm chất lượng cao đã được đưa vào phục vụ quốc phòng và dân sinh.

 “Nếu có được một cuộc đời thứ hai, tôi lại sẽ nguyện hiến dâng cho sự nghiệp trồng người” - Đó là tâm sự của GS Nguyễn Châu trong buổi lễ phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, và quả thật, ông đã dành cả đời mình cho sự nghiệp này.

Dưới sự dìu dắt của ông, nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành, trong đó không ít người thành đạt. Ông không chỉ dạy các sinh viên, học viên cao học, hướng dẫn nghiên cứu sinh, mà còn dành rất nhiều giờ giảng cho các em học sinh chuyên lý cấp 3, truyền cho các em tình yêu lớn lao đối với môn vật lý.

Ông quan niệm: “Chúng ta cần chăm lo đào tạo các nhân tài trẻ, vì tôi tin tưởng sâu sắc rằng chính đội ngũ các nhà khoa học trẻ đầy tài năng và sáng tạo sẽ làm thay đổi bộ mặt của khoa học Việt Nam trong thế kỷ XXI”.

Theo ông, bí quyết để xây dựng một tập thể nghiên cứu mạnh mà ông đã áp dụng thành công ở Trung tâm là “đoàn kết - đầm ấm - công bằng”.

Theo dantri

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ