Đây cũng là mở đầu hành trình trên con đường trở thành một trong những giảng viên, chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế tài chính hàng đầu ở Việt Nam.
Đam mê nghiên cứu lĩnh vực kinh tế tài chính
Cuối năm 1988, khi Viện Nghiên cứu Kinh tế TP Hồ Chí Minh được thành lập, bà chuyển công tác về đó và giữ cương vị Trưởng phòng nghiên cứu phát triển.
Đam mê nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế tài chính, TS Nguyễn Thị Cành đã tham gia nhiều dự án quốc tế như: Tư vấn cho dự án đầu tư công vào khu vực giáo dục của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dự án Tài chính công và Quản lý đô thị của Cơ quan Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Dự án khả năng cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp thực phẩm Việt Nam do Quỹ châu Á của Mỹ tài trợ…
Từ năm 2002, TS Nguyễn Thị Cành về công tác tại khoa Kinh tế (Đại học Quốc gia TPHCM), nay là Đại học Kinh tế - Luật. Nhiều năm giữ vai trò Chủ nhiệm bộ môn, bà luôn nỗ lực hoàn thành tốt trách nhiệm giúp đơn vị đạt nhiều thành tích. Trong vai trò Chủ tịch Hội đồng KH và Đào tạo khối ngành Kinh tế, Quản lý, Luật của ĐHQG TPHCM, bà đã đưa ra các định hướng nghiên cứu khoa học và đào tạo.
Bà có 3 sáng kiến được ứng dụng hiệu quả vào thực tế tại trường, tiêu biểu là sáng kiến “Tìm kiếm và mời gọi các chuyên gia Việt kiều trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng tại Việt Nam hợp tác trong đào tạo”, kết quả đã thu hút được 4 - 5 TS là Việt kiều tham gia đào tạo, hướng dẫn cho sinh viên; sáng kiến “Xây dựng chiến lược và định hướng nghiên cứu cho khối ngành Kinh tế, Quản lý, Luật của ĐHQG TPHCM..”, kết quả đã tăng số lượng giảng viên nghiên cứu, công bố được nhiều bài báo quốc tế xếp hạng cao… Trong vai trò là cố vấn Trung tâm NCKTTC, bà đã đưa trung tâm đi vào ổn định, xây dựng chiến lược phát triển, thực hiện các nhiệm vụ khoa học, chuẩn bị các đề cương, đề tài trong và ngoài nước.
“Truyền lửa” tri thức
Nhiều thế hệ sinh viên luôn ấn tượng và nhớ mãi môn Tài chính Công mà cô Cành đứng lớp. Môn học cung cấp công cụ đánh giá các chính sách tác động đến phát triển kinh tế trước đây chưa có trong giáo trình giảng dạy.
Trong chuyến công tác tại Mỹ, có điều kiện làm việc với nhiều chuyên gia nước ngoài, cô Cành đã đem được bộ giáo trình đầu tiên về nước và “chuyển tải” nó thành một nội dung quan trọng để dạy cho sinh viên ở ĐH Kinh tế - Luật TPHCM từ năm 2003. Cái tên “môn học thần thánh”, là do sinh viên đặt bởi môn học này khá hấp dẫn với các sinh viên giỏi nhưng là sự ám ảnh đáng sợ với sinh viên kém bởi có em phải thi lại tới 6 lần mới qua. Cũng từ môn học hóc búa này nhiều trí thức trẻ càng hiểu càng yêu mến người thầy có trí tuệ uyên thâm của mình hơn.
Nói về các bạn trẻ, TS Nguyễn Thị Cành có cái nhìn rất lạc quan: Trong các trường ĐH có rất nhiều sinh viên giỏi. Vấn đề tự học với các bạn trẻ luôn khó khăn. Nhiệm vụ của người thầy là phải kích thích được tinh thần cầu tiến ở các em, làm cho các em nhận thức đúng việc học là để tích lũy kiến thức chứ không phải chỉ để qua được các kỳ thi. Trường ĐH phải đánh giá được chất lượng đào tạo của mình. Chất lượng đào tạo quan trọng nhất là dạy cho người học nắm được kỹ năng, phương pháp tự học để học tập suốt đời, học liên tục như một dòng chảy….
Gặp GS.TS Nguyễn Thị Cành, người ta luôn cảm thấy một nguồn năng lượng dồi dào lan tỏa từ thái độ cởi mở, chân tình. Phong thái nhanh nhẹn, ung dung toát ra từ nụ cười đôn hậu, ánh mắt vui cười… của bà. Nếu không nghe bà bộc bạch, khó ai biết bà đã và đang không ngừng “chiến đấu” để chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo.
Gần ba năm trước, trong chuyến công tác ở Mỹ bà gặp vấn đề về đường tiêu hóa. Cứ nghĩ đó là triệu chứng của một căn bệnh thông thường và cũng vì quá chú tâm giải quyết công việc nên gần nửa năm sau bà mới đi khám. “Nghe bác sĩ thông báo bị ung thư trực tràng giai đoạn 3 tôi thực sự choáng váng và mất tinh thần… Giai đoạn đó quả là một cao điểm khó khăn mà tôi phải tìm mọi cách vượt qua. Nhờ học hỏi kinh nghiệm của những người từng trải qua bệnh hiểm nghèo, tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và quyết định phẫu thuật” - nữ Giáo sư chia sẻ. Bà đã tập cách “sống chung với lũ” bằng việc giữ cho tinh thần vững vàng, uống thuốc và tập luyện đều đặn.
Luôn lạc quan với phương châm sống “mình phải vượt qua số phận bằng mọi cách” giữ gìn bầu nhiệt huyết và tình yêu cuộc sống tràn đầy, ở tuổi 62, GS.TS Nguyễn Thị Cành vẫn tận tâm “truyền lửa” tri thức. Mỗi năm, bà hướng dẫn hàng chục SV, học viên cao học và nghiên cứu sinh viết khóa luận tiếng Anh, luận văn và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
- Bà đã tham gia đóng góp ý kiến tích cực vào sửa đổi, bổ sung vào các điều khoản liên quan đến BĐG của Hiến pháp, Pháp luật (Luật Lao động, Luật BHXH, Luật HNGĐ).
Nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, và được tặng Huân chương Lao động hạng Ba (2011), với sự cống hiến hết mình cho đất nước, GS.TS Nguyễn Thị Cành vinh dự là một trong 10 tấm gương phụ nữ tiêu biểu trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2016.