GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Học trò và con của tôi, giỏi hơn tôi nhiều

GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Học trò và con của tôi, giỏi hơn tôi nhiều

(GD&TĐ) - GS.NGND Nguyễn Lân Dũng năm nay đã 76 tuổi và trái tim ông đã phải nhờ đến hai stent hỗ trợ nhưng ông vẫn làm việc không ngừng nghỉ. Ông đảm nhiệm rất nhiều chức vụ và chức vụ nào ông cũng hoàn thành xuất sắc. Chức vụ mới nhất ông đảm nhiệm là cố vấn của Liên đoàn Công nghệ sinh học châu Á(AFOB). Thật may mắn khi chúng tôi được ông dành cho cuộc trò chuyện thân tình vào một chiều cuối xuân.

PV: Thưa GS, ông đã đến với chuyên ngành Vi sinh vật như thế nào?

GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Thế hệ  chúng tôi không được chọn nghề, chúng tôi làm việc theo phân công nhiệm vụ.  Chúng tôi đều ý thức được nhiệm vụ mình được giao, nhưng sau hoà bình, đất nước bắt tay vào xây dựng, tất cả đều non trẻ. Rất may mắn cho tôi, tôi được làm việc với giáo sư Đặng Văn Ngữ, một người được đào tạo rất bài bản ở Nhật Bản về Vi sinh vật, nhưng khi về nước được giao nhiệm vụ làm về Ký sinh trùng. Ông đã khuyên tôi ba điều: Điều thứ nhất: Phải học ngoại ngữ. Kiến thức ở trong sách. Điều thứ hai: Dạy đại học thì phải nghiên cứu khoa học. Thầy nghiên cứu khoa học thì sẽ kéo được sinh viên nghiên cứu khoa học. Điều thứ ba: Bắt đầu dần để viết sách giáo khoa. 

 PV: Thưa ông, như ông nói  thế hệ ông không được chọn nghề nhưng sau đó chính ông đã trở thành nhà khoa học đầu ngành Vi sinh vật, GS Đặng Văn Ngữ cũng là nhà khoa học đầu ngành Ký sinh Trùng. Vậy có thể nói rằng, chính là nghề chọn người?

GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Tôi cũng không biết có phải là nghề chọn chúng tôi. Thủa ban đầu tinh khôi chúng tôi làm việc hết mình, cống hiến hết mình cho khoa học và cho những thế hệ học sinh. Chúng tôi làm việc trong một môi trường hết sức nghèo nàn, không có trang thiết bị để nghiên cứu khoa học. Sau đó chiến tranh nổ ra chúng tôi đi sơ tán. Ở nơi sơ tán chúng tôi vẫn dạy và học và nghiên cứu khoa học. Với tôi có lẽ là do tôi học ngoại ngữ một cách nghiêm túc nên tôi đã học được nhiều từ tài liệu nước ngoài.

GS.NGND Nguyễn Lân Dũng đang làm việc với học trò tại Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng đang làm việc với học trò tại Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học

PV: Các thế hệ sinh viên đều ấn tượng với những gìờ lên lớp của thầy Nguyễn Lân Dũng, sự hóm hỉnh của thầy là cách truyền đạt hiệu quả kiến thức đến cho sinh viên. Thầy còn dạy họ rằng: Các em là những nhà khoa học tương lai, các em phải chuẩn bị cho các em một “quả đấm thép”.  Thưa ông, “quả đấm thép”  bây giờ có giống “quả đấm thép”những năm 80 không ạ?

GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Khác chứ. “ Quả đấm thép”ngày đấy là chuyên môn sâu của những nhà khoa học. Diễn nôm ra là thế này, mỗi người  phải tạo cho mình một lĩnh  vực chuyên sâu để khi động đến lĩnh vực đó người ta phải cần đến mình, chỉ một mình. Còn bây giờ “ quả đấm thép” chính là việc thạo các ngoại ngữ. 

PV:  Ông đã hướng các con của ông chọn nghề thế nào?

GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Chúng tôi khuyến khích sự tự nguyện của các con nhưng nói với các con rằng, hãy chọn nghề để cống hiến chứ không phải chỉ cốt có cái bằng. Con trai tôi đã chọn theo nghề của mẹ, là bác sỹ chuyên mổ tim. Con gái tôi theo nghề của tôi, cháu đã có bằng tiến sỹ. Mặc dù được mời lại làm việc ở nước ngoài, trả lương cao nhưng cháu đã về nước làm việc.

Tôi nói thật, bây giờ chúng ta ít có thầy giỏi, không có thầy giỏi thì làm gì có trò giỏi. Không có thầy giỏi thì không thể đào tạo ra chuyên gia. Tôi lấy ví dụ như đào tạo về môi trường, chúng ta chỉ dạy lý thuyết suông  nên chỉ cho ra lò những cử nhân lý thuyết. Mà vấn đề môi trường của chúng ta hiện nay lại không cần lý thuyết, họ cần những kỹ sư thực hành về những vấn đề ô nhiễm, vấn đề rác thải, vấn đề khử độc... chế biến rác thải rắn, thải khí, thải hữu cơ... Vậy chúng ta hãy chỉ coi học đại học là nền tảng khoa học cơ bản. Còn học nghề thì mỗi sinh viên khi tốt nghiệp ra trường phải tự học. Học ở đâu? Học ở trong sách và học trên Internet. Những phát minh sau khi hết thời hạn bảo hộ quyền tác giả sẽ được đưa lên mạng. Chỉ cần các em thông thạo ngoại ngữ các em có thể học được nhiều kiến thức trên mạng để xây dựng cho mình một cái nghề 

 PV: Bây giờ có nhiều trường đại học, việc lựa chọn trường, chọn nghề không khó. Nhưng lại khó xin việc? Ông có đưa ra lời khuyên gì cho các em sinh viên?

GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Tôi rất nực cười và cảm thấy buồn khi chứng kiến những hình ảnh rất xấu, ông giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn vỏn vẹn mấy chục con người, bản thân ông giám đốc có khi mới tốt nghiệp THCS nhưng lại đòi tuyển nhân viên phải có ba bằng, bằng tốt nghiệp đại học chính qui, bằng ngoại ngữ, bằng tin học để phục vụ cái sự dốt nát của ông ta. Thật quá khôi hài. Hoặc cái cảnh khi tụ tập đông người như đi biểu tình khi ngân hàng tuyển người. 

GS.NGND Nguyễn Lân Dũng đã cống hiến không ngừng nghỉ cho giáo dục từ năm 1956. Có lẽ vì ông được sinh ra trong một gia đình nhà giáo. Và có lẽ ông đang giữ một kỷ lục mà ít người được biết, đó là ông đã học qua 4 trường sư phạm: Sơ cấp Sư phạm Việt Bắc; Sơ cấp Mẫu giáo Trung ương; trung cấp Mẫu giáo Trung ương và Đại học Sư phạm khoa học. Ông  tốt nghiệp đại học khi mới 18 tuổi cùng với GS, Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu, là hai người trẻ tuổi nhất. Sau đó ông được phân công về làm công tác giảng dạy từ khoá 1 trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, nay là trường ĐH Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội, cho đến khi về hưu.
 

Lập thân, hãy lấy lời dạy của cụ Phan Chu Trinh: Thực học, thực nghiệp. Học bây giờ có nhiều cách. Tôi vừa đi công tác ở Đăk Nông. Ở đó tôi có quen một ông, tôi phải ngả mũ để chào ông. Ông có 62 ha sầu riêng. Bây giờ ông đã là tỉ phú trên trang trại sầu riêng. Tôi đã phỏng vấn ông 2 giờ đồng hồ. Tôi hỏi ông rò re róc rách từ cách ươm trồng, chăm bón, chữa bệnh, bắt sâu, ra hoa đơm trái, bảo quản... tất tật. Ông nói vanh vách như thuộc lòng bàn tay. Ông là kỹ sư nông nghiệp. Tôi biết trong giáo trình dạy kỹ sư nông nghiệp chỉ có khoảng chục tiết dạy về cây sầu riêng là cùng. Vậy ông đã học ở đâu? Ông kể ông đi làm công cho các chủ vườn sầu riêng ở khắp các vùng. Vừa làm ông vừa tích luỹ kinh nghiệm. Khi thấy đã đủ ông mới làm riêng cho mình.

Tôi hỏi cô một câu nhá. Cô có biết đào Nhật Tân bây giờ chuyển đi đâu rồi không? Chuyển lên Bắc Giang rồi. Một người nông dân Nhật Tân đã trồng 4 ha đào Nhật Tân ở Bắc Giang. Sau khi đào Nhật Tân phải di rời ra bãi sông Hồng để nhường chỗ cho các dự án nhà cao tầng thì anh này biết rằng cây đào Nhật Tân ở Hà Nội sẽ đến ngày diệt vong. Anh này bèn bản hết nhà cửa đất đai, chỉ để lại cây đào tổ. Anh lên Bắc Giang mua 4 ha đất rừng để hoang hoá từ lâu. Anh dựng lều ở giữa rừng như Rôbinxơn trên đảo hoang. Anh đã từng giết chết khoảng 500 con rắn khi chúng bò đến để đuổi anh ra khỏi đất của chúng. Bây giờ cơ ngơi của anh rất hoành tráng. Những cây đào thế của anh này bán hàng chục triệu. Trong quá trình làm, dù chỉ là nông dân nhưng anh đã học lỏm được tính di truyền ở ngọn nên anh ta lấy gốc là cây đào rừng ghép đào Nhật Tân vào. Vậy là có cây đào, thế đẹp, hoa đẹp.

Còn rất nhiều ví dụ mà tôi đã được chứng kiến. Nông dân của chúng ta giỏi lắm chứ. Các em “phải tầm sư học đạo”, tận dụng tối đa internet và phải làm ăn lớn. Đừng làm ăn nhỏ lẻ manh mún, dăm bảy chục gốc sầu riêng, dăm bảy chục gốc đào thì chả làm được việc gì. Nếu ít vốn các em có thể hùn hạp với nhau để cho lớn hơn. 

PV: Thưa ông chúng ta đang đối mặt với một thực trạng, nhiều ngành nghề không còn người “nối dõi”, nhiều thầy giỏi rất ngậm ngùi vì  thầy “mai một” đi không có trò nối tiếp con đường. Nhưng ông không bị nỗi buồn đó. Ông đã có một thế hệ học trò, mà như ông thường tự hào khoe: “Chúng giỏi hơn tôi rất nhiều”. Ông đã tập hợp được các thế hệ học trò cùng làm việc với ông?

GS.NGND Nguyễn Lân Dũng: Đây là “nhân chứng vật chứng” để trả lời cho câu hỏi của nhà báo. Sách giáo trình Vi sinh học 2000 trang do 13 thầy trò chúng tôi cùng viết. Tôi là chủ biên. Họ giỏi lắm. Họ giỏi hơn tôi nhiều. Họ được đào tạo bài bản. Họ có phương tiện máy móc tiên tiến để nghiên cứu.

Viện Vi sinh vật và công nghệ sinh học của thầy trò chúng tôi đã làm được rất nhiều việc. Trước đây không có ai phân loại được vi sinh vật. Anh Nguyễn Xuân Đồng  tìm ra  loài vi sinh vật mới nhưng không được thế giới công nhận. Vì  không đưa ra được bản đồ gien, vì không có máy móc. Từ khi có Viện Vi sinh vật học và công nghệ sinh học đã giải quyết được vấn đề đó. Mấy năm vừa rồi thế giới đã phải công nhận những loài vi sinh vật mới mà chúng ta phát hiện. 

Tôi đã trăn trở rất nhiều về việc làm thế nào để có thể nuôi được những nhà khoa học của Viện, để họ yên tâm công tác. Họ là con em nông dân, họ rất tài, họ được nước ngoài mời lại làm việc với mức lương rất cao nhưng họ đã về nước để cống hiến cho đất nước. Mức lương của họ chỉ 3, 4 triệu. Họ còn phải nuôi gia đình.

Sắp rồi, chúng tôi đang xây dựng một nhà máy để sản xuất ra sản phẩm. Chúng tôi sẽ có một qui trình khép kín, từ nghiên cứu khoa học đến ra sản phẩm 

PV: Xin Trân trọng cám ơn ông đã dành cho báo cuộc phỏng vấn quí báu này.

Y Ban (Thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.