GS.TS Phạm Tất Dong: Vào sư phạm là định mệnh

GS.TS Phạm Tất Dong: Vào sư phạm là định mệnh

(GD&TĐ) - Gần 70 năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức của GS. TS Phạm Tất Dong – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam – những hình ảnh của ngày đầu tiên đến lớp vẫn còn in đậm trong tâm trí. Những bài học làm người, tinh thần vượt khó trong cuộc sống, sự cống hiến hết mình cho học tập, cho công việc… đã được hình thành trong ông ngay từ những buổi đầu cắp sách tới trường ấy.

Những người thầy tận tâm

GS. TS Phạm Tất Dong
GS. TS Phạm Tất Dong

Người khai tâm cho tôi là thầy Nguyễn Đức Tuần, hồi đó dạy lớp đồng ấu (lớp 1) ở Trường Bonnal (Trường THPT Ngô Quyền – Hải Phòng hiện nay). Ấn tượng sâu đậm về người thầy khai tâm đã theo tôi suốt cuộc đời, đem lại cho tôi tình cảm tốt đẹp về việc học tập, về trường lớp ngay từ những buổi học đầu tiên.

Trong ký ức của tôi, thầy Nguyễn Đức Tuần là người thầy rất tận tâm với học trò. Thầy rèn cho các trò từng li từng tí về nề nếp học tập, sinh hoạt; ý thức giữ gìn sách vở; chữ viết... Chính vì được rèn luyện quy củ, tỉ mỉ ngay từ khi mới bước chân vào môi trường học đường nên những học trò thời ấy nhập tâm rất nhanh và những gì họ được giáo dục đã theo họ suốt quãng đời còn lại. Học xong lớp đồng ấu, tôi theo học lớp dự bị, sau đó đang học lớp 3 thì Nhật Bản vào Đông Dương. Ghét cả phát xít Nhật lẫn thực dân Pháp, bố tôi quyết định cho con nghỉ học. Mãi 3 năm sau, khi đi tản cư, năm 1947, tôi mới tiếp tục việc học đang dở dang của mình ở trường học kháng chiến.

Người thầy thứ hai khiến tôi không thể nào quên là thầy Nguyễn Công Tụng – người thầy đầu tiên của tôi ở trường tiểu học kháng chiến. Chính thầy đã động viên tôi học “nhảy cóc” để khỏi lãng phí thời gian. Cũng chính thầy đã dồn hết thời gian, công sức kèm cặp tôi, giúp tôi hoàn thành chương trình Tiểu học vào cuối năm 1947. Nhờ có thầy, dù học muộn tới 3 năm, nhưng tôi đã dần dần đuổi kịp các bạn cùng lớp.

Gian khổ nhưng hăng say

Từ khi bước chân vào trường học kháng chiến, chúng tôi bắt đầu một thời kỳ học tập đầy gian khổ nhưng cũng thật hào hùng. Quên sao được một thời kỳ dài thiếu ăn, khiến những đứa trẻ mới lớn luôn thèm quay quắt một bữa ăn đủ no. Quên sao được những trận sốt liên tiếp, vậy mà một viên kí ninh phải chia cho nhiều người cùng uống.

Đi cùng cuộc chiến thần thánh của dân tộc, nên kháng chiến càng gian khổ, điều kiện học tập, sinh hoạt của chúng tôi cũng càng khó khăn hơn. Cuộc kháng chiến rèn cho chúng tôi lối sống, nếp sinh hoạt “quân sự hóa”, luôn sẵn sàng ẩn nấp, di chuyển để tránh sự phát hiện của địch.

Tuy ăn không đủ no, tháng nào cũng ốm, nhưng cả thầy và trò đều hăng say học tập, rèn luyện. Có lẽ vì tất cả mọi người ai cũng phải chịu gian khổ, thiếu ăn như mình, nên chúng tôi lại không thấy mình khổ. Ngoài giờ học, chúng tôi vào rừng, ra suối để kiếm bất cứ thứ gì có thể ăn được. Chúng tôi cũng tranh thủ học mọi lúc, mọi nơi chỉ trừ những ngày bị cơn sốt hành hạ mới đành chịu phải nghỉ học.

Trong những ngày tháng khó quên ấy, chúng tôi đã chứng kiến sự ra đi của một thầy giáo vì những cơn sốt rét rừng. Người thầy ấy từ Hà Nội vào, mang theo vợ và hai cô con gái 17 – 18 tuổi. Những ngày tháng ở rừng, thầy vẫn giữ nguyên nề nếp của một ông giáo Hà thành, vẫn áo dài trắng, quần trắng khi lên lớp. Thầy ốm liên miên, nhưng trên vai là cả gánh nặng gánh gia đình. Rồi một ngày, một trận sốt rét ác tính quật ngã thầy. Hôm chúng tôi chôn cất thầy ở đồi sim, trời nắng chang chang. Sau khi thầy mất, cô và hai con trở về thành (về vùng địch chiếm). Từ đó, chúng tôi không biết tin tức gì của những con người ấy nữa…

Theo học sư phạm là nghiệp của tôi

Ngày ấy, Chính phủ có chủ trương đưa học sinh sang Trung Quốc học tập để sau này về xây dựng và phát triển đất nước. Lúc đầu, theo thông báo, tôi được chọn sang Vân Nam học về hỏa xa. Chuyến đi sang Trung Quốc ấy được ví như một cuộc trường chinh để chinh phục tri thức. Chúng tôi đã phải đi bộ ròng rã cả tháng trời, toàn phải chọn đường vòng, ngày nghỉ đêm đi để tránh sự phát hiện của địch. Đến Tuyên Quang, đoàn của tôi đến căn cứ bí mật của Bộ Giáo dục, nhưng chúng tôi không được vào tận nơi cơ quan Bộ đóng mà phải chờ bên ngoài. Một ngày sau, người của Bộ Giáo dục ra thông báo chúng tôi sẽ sang Quảng Tây học về sư phạm. Lúc hành quân sang Trung Quốc, tôi chỉ là một cậu trai mới lớn, nên thích học về hỏa xa lắm. Giờ lại bị “bắt” phải học sư phạm. Khỏi phải nói, lúc đó trong lòng tôi ngổn ngang suy nghĩ như thế nào.

Nghiệp làm thầy thực sự đến với tôi như một định mệnh. Anh cả của  tôi đến điểm hẹn Bộ giáo dục để đón tôi về vì muốn kèm cặp, rèn luyện tôi trong môi trường gian khổ của cuộc kháng chiến. Song, khi anh tôi tới Bộ giáo dục thì đoàn của tôi lại vừa rời đi.

Tinh thần cống hiến hết mình

Những ngày tháng học tập tại Khu học xá Nam Ninh – Trung Quốc là quãng thời gian sung sướng nhất trong cuộc đời đi học của tôi. Ở đó, chúng tôi được ăn uống và nuôi dưỡng chuyên nghiệp, chu đáo, được học toàn thầy giỏi, cơ sở vật chất khá đầy đủ, lại có điều kiện học nhạc, họa, thể dục thể thao… Thế nhưng, đây cũng là quãng thời gian chúng tôi được rèn luyện tinh thần hết lòng vì tập thể, hăng say lao động và học tập, cống hiến hết mình mà không đòi hỏi bất cứ sự ưu đãi nào.

Những buổi sáng mùa đông ở Trung Quốc lạnh thấu xương, vậy mà, chỉ cần lớp trưởng hô: “Hôm nay cầu áo bị hỏng, ai xung phong xuống sửa nào?”, lập tức có vài chục cánh tay xung phong. Chúng tôi nhảy ào xuống ao nước giá băng, làm việc cật lực, vui vô cùng.

Sau hai năm học tập tại Trung Quốc, khi được phân công về nước, chúng tôi đều xung phong đi vào vùng địch. Bản thân tôi xin vào mảnh đất Bình Trị Thiên khói lửa.

Ngoài kiến thức chuyên môn, chúng tôi còn học được từ những người thầy hết lòng vì học trò tinh thần cống hiến, phương pháp truyền dạy kiến thức tuyệt vời, biến những điều hay lẽ phải từ các thầy thành tri thức của mình. Nhờ đó, khi trở về Việt Nam, dù không mang theo bất cứ tài liệu gì, nhưng tất cả kiến thức đã được học đều như được in trong đầu chúng tôi. Sau này, khi trở thành những người thầy, chúng tôi lại nối tiếp các thầy để truyền dạy cho các thế hệ học trò những kiến thức quý giá ấy, ý chí vượt khó trong học tập và trong cuộc sống, phương pháp học tập sáng tạo…

Và hơn tất cả, các thầy đã dạy chúng tôi những bài học làm người, để chúng tôi luôn sống không hổ thẹn với bản thân mình, với sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh.

Chúng tôi không chỉ học được từ các thầy kiến thức, tinh thần cống hiến, mà cả phương pháp truyền dạy kiến thức tuyệt vời, biến tri thức trở thành máu thịt của mình. Sau này, khi trở thành những người thầy, chúng tôi lại nối tiếp các thầy truyền dạy cho các thế hệ học trò những kiến thức quý giá ấy, ý chí vượt khó trong học tập và trong cuộc sống, phương pháp nhập tâm kiến thức…

Ninh Kiều (ghi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.