GS Ngô Bảo Châu: Việc học sẽ không bao giờ thừa

GD&TĐ - Đó là khẳng định của GS Ngô Bảo Châu đến từ Đại học Chicago - Hoa Kỳ, Giám đốc Viện nghiên cứu Cao cấp về Toán học thuộc Bộ GDĐT tại buổi trò chuyện với các sinh viên trường ĐHSP Huế vào sáng 9/9.

 GS Ngô Bảo Châu: Việc học sẽ không bao giờ thừa

Sau bài phát biểu khái quát của PGS.TS Nguyễn Văn Thuận - Phó hiệu trưởng Trường ĐHSP Huế về quá trình hình thành và phát triển 60 năm của trường ĐHSP Huế , GS Ngô Bảo Châu đặc biệt chú ý đến các câu hỏi của các bạn sinh viên liên quan đến lĩnh vực Toán học.

Trước câu hỏi của một sinh viên đặt cho GS Ngô Bảo Châu: “Theo GS. phương pháp nào là tốt nhất để các em nhỏ có thể tiếp cận sâu với môn Toán?”. Trả lời câu hỏi này, GS Ngô Bảo Châu cho rằng không có phương pháp chung nào cho tất cả mọi người, mỗi người đều có một phương pháp học riêng của mình.

Có người tiếp cận với Toán vì thấy Toán dễ, có người vì muốn chinh phục nó. “Khi thi vào chuyên Toán bị trượt, tôi thấy Toán khó, thấy lòng tự tin của mình bị tổn thương. Trước thách thức và khó khăn như vậy nên tôi càng thích Toán và từ đó quyết tâm học môn này say sưa hơn”, GS chia sẻ.

GS cũng lưu ý thêm học Toán cũng như một công việc trong cuộc sống, có lúc làm đơn độc, nhưng có lúc cần sự hỗ trợ của đồng đội mới hoàn thành, tìm ra được đáp án chính xác nhất.Về quan niệm lên ĐH thì không nên học những kiến thức từ phổ thông bởi khi ra trường cũng không phục vụ cho công việc của sinh viên là cách hiểu chưa đúng.

Bởi chỉ kiến thức nghề nghiệp của ngày hôm nay chưa hẳn phù hợp và theo kịp với nhu cầu của công việc trong tương lai. Bởi vậy, chúng ta học để trang bị một phông kiến thức rộng, để chuẩn bị cho những thay đổi của ngày mai, để có thể thích nghi với mọi sự biến động của cuộc sống.

Trước câu hỏi của các bạn sinh viên về việc điểm chuẩn ngành sư phạm năm nay thấp hơn mọi năm, liệu có ảnh hưởng đến "chất lượng" người thầy trong tương lai. Giáo sư Ngô Bảo Châu đã tâm sự: Tôi nghĩ nước ta có truyền thống tôn sư trọng đạo, vị trí của người thầy trong xã hội phong kiến truyền thống Việt Nam luôn được đánh giá cao, tôi nghĩ sau vua và quan, người thầy luôn được người dân trong xã hội kính trọng.

Xã hội Việt Nam bây giờ thay đổi một cách khá sâu sắc vào 10 năm, 20 năm gần đây, mức sống của người thầy theo tôi nghĩ thấp hơn mức sống trung bình của xã hội, vô hình dung vị trí của người thầy trong xã hội do đó có phần đi xuống. Đó cũng là một những nguyên nhân khiến ít nhiều bạn trẻ đã không lựa chọn ngành sư phạm làm con đường lập nghiệp cho tương lai.

Đầu vào sư phạm không phải là câu chuyện về kỹ thuật mà nó là diễn biến trong xã hội. Tôi nghĩ đối với những bạn thật sự yêu nghề giáo. Nếu các bạn thấy ý nghĩa cuộc đời nằm trong cái giá trị truyền đạt kiến thức của nhân loại cho thế hệ mai sau thì sự lựa chọn của các bạn rất là đúng.

Về nghiên cứu khoa học GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ: Nghiên cứu cứu khoa học với ai cũng vậy, xuất phát từ đam mê, phải có sự thích thú thật sự trong việc NCKH mới làm được. Đòi hỏi phải toàn tâm toàn ý với việc đó, không có đam mê, thích thú thì sẽ không làm được.

Kết thúc buổi nói chuyện GS Ngô Bảo Châu có lời nhắn nhủ dành cho bạn trẻ ở Huế, đó là“Học không bao giờ là thừa cả, không phải sau này chỉ dạy những con số đơn giản, bài toán đơn giản thì bây giờ chúng ta chỉ học những thứ đó mà phải học bao quát, rộng lớn. Ví dụ như sau này ra xã hội, bạn phải biết như thế nào là xác suất thống kê, phải biết tính toán những bài toán khác để vận dụng vào xã hội; rồi bạn phải biết thêm về lịch sử thế giới như thế nào, lịch sử địa phương như thế nào. Nói chung, bạn muốn cuốc đất giỏi thì phải biết thêm những việc khác liên quan đến nhiều thứ quanh đó..”

 GS Ngô Bảo Châu: Việc học sẽ không bao giờ thừa ảnh 1 GS Ngô Bảo Châu: Việc học sẽ không bao giờ thừa ảnh 2 GS Ngô Bảo Châu: Việc học sẽ không bao giờ thừa ảnh 3 GS Ngô Bảo Châu: Việc học sẽ không bao giờ thừa ảnh 4 GS Ngô Bảo Châu: Việc học sẽ không bao giờ thừa ảnh 5 GS Ngô Bảo Châu: Việc học sẽ không bao giờ thừa ảnh 6 GS Ngô Bảo Châu: Việc học sẽ không bao giờ thừa ảnh 7

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ