(GD&TĐ) - Theo GS Đào Trọng Thi - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh niên Thiếu niên Nhi đồng Văn hóa Giáo dục của Quốc hội nếu vì “cứu” một số trường bằng cách bỏ điểm sàn trong bối cảnh thi ba chung như hiện nay là hy sinh quyền lợi của người học và cũng là quyền lợi của xã hội.
GS Đào Trọng Thi nói: Bàn việc bỏ hay không bỏ điểm sàn thì trước hết phải trả lời câu hỏi: Bản chất của điểm sàn là gì? Một khi mình đã tổ chức một kỳ thi có đề thi chung, tất cả thí sinh cùng làm bài trong một điều kiện thi cử như nhau thì điểm thi của các em là cái có thể so sánh với nhau. Bởi vậy từ khi Bộ GD&ĐT tổ chức thi “ba chung” thì người ta nhận thấy sự chênh lệch đầu vào giữa các trường rất rõ rệt và xã hội bắt đầu có điều kiện để đánh giá. Hồi trước tổ chức thi riêng, mỗi trường một đề nên chẳng có căn cứ để so sánh. Như vậy, việc tổ chức thi chung tuy có những nhược điểm và thời điểm này những nhược điểm đó bộc lộ rõ hơn nhưng ưu điểm của nó là cho phép so sánh giữa đầu vào tuyển sinh của các trường với nhau.
Khi xã hội có căn cứ để so sánh thì người ta nhận thấy không thể chấp nhận một trường đại học có đầu vào quá thấp. Vì thế mới nảy sinh yêu cầu cần phải có quy định một ngưỡng tối thiểu mà một học sinh muốn vào đại học phải đạt đến, dưới đó thì có thể không đủ khả năng theo học. Ngưỡng tối thiểu ấy chính là điểm sàn. Điểm sàn bao nhiêu là hợp lý thì phải căn cứ vào việc nó có thỏa mãn hay không hai yêu cầu: nó phải nằm ở ngưỡng tối thiểu, nghĩa là nếu học sinh muốn vào được đại học thì phải có điểm thi từ mức đó trở lên; số thí sinh đạt từ mức điểm sàn trở lên phải đảm bảo để tuyển vào đại học đủ chỉ tiêu tuyển sinh, chỉ tiêu chung của cả nước và của từng vùng, từng địa phương, từng lĩnh vực, từng trường…
Thưa GS, vừa qua có một số trường ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu, người ta cho rằng điểm sàn là rào cản cho việc tuyển đủ chỉ tiêu này. GS nghĩ sao?
- Về tình trạng không tuyển đủ chỉ tiêu, theo tôi có nguồn cơn từ hai vấn đề. Thứ nhất nhiều nơi, đặc biệt là các trường ngoài công lập, tự xác định cho mình chỉ tiêu tuyển sinh lớn quá. Có những trường ngoài công lập mới mở, lực lượng cán bộ chỉ khoảng trăm người, cơ sở vật chất tạm bợ, năng lực đào tạo yếu, vậy mà chỉ tiêu tuyển sinh cứ hàng nghìn. Trong khi đó những trường đại học công lập được xem là trọng điểm, có đội ngũ giảng viên hùng hậu, có cơ sở vật chất khang trang hơn nhiều cũng chỉ tuyển đến thế. Thứ hai, hiện tượng không đủ nguồn tuyển không phải là xảy ra đối với tất cả các trường ngoài công lập mà xảy ra đối với những trường uy tín thấp chất lượng không cao.
Như vậy, những nơi uy tín thấp, chất lượng kém lại đưa ra quy mô dự kiến tuyển vượt quá nhiều so với khả năng đào tạo thì khó tuyển sinh. Bây giờ người học thông minh hơn, biết đánh giá, biết lựa chọn hơn. Nếu như ngày trước người ta chỉ cần có bằng đại học thì giờ người ta biết phải tìm đến các trường đại học có uy tín, có chất lượng ra trường mới có việc làm và việc làm tốt. Người học thông minh hơn là dấu hiệu tích cực. Họ không chấp nhận bất kỳ nhà trường nào dù hay hay dở mà đã bắt đầu có yêu cầu, đòi hỏi.
Niềm vui sau buổi thi |
Nếu chỉ chạy theo yêu cầu để giải quyết chuyện tuyển sinh cho một số trường mà bỏ điểm sàn hoặc hạ điểm sàn xuống, hoặc xin điểm sàn thấp hơn các trường khác thì tôi cho rằng không thể chấp nhận.
Vì sao, thưa giáo sư?
- Vì nếu chấp nhận hướng giải quyết đó nghĩa là chấp nhận giảm chất lượng. Nếu vì cứu các trường mà giảm chất lượng nghĩa là mình hy sinh quyền lợi của người học. Xa hơn, mình hy sinh quyền lợi của xã hội vì tương lai chất lượng nguồn nhân lực sẽ kém đi. Chúng ta mở trường đào tạo để phát triển nguồn nhân lực cho xã hội chứ chúng ta đâu mở trường ra để nuôi các trường, nuôi các thầy, các nhà đầu tư. Phát triển giáo dục là để phát triển kinh tế xã hội. Người cần được nhà nước bảo vệ là người học vì họ là người yếu thế, người bị phụ thuộc. Việc đòi hỏi cứu các trường ngoài công lập bằng bất kỳ giá nào, trong đó có việc giảm chất lượng, giảm yêu cầu về đầu vào thì không thể chấp nhận được.
Để bảo vệ quan điểm bỏ hoặc hạ thấp điểm sàn, người ta cho rằng chất lượng đầu vào, không phải là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo?
- Luận điểm này, tôi nói thật, nó chỉ là cách nói “cố đấm ăn xôi”. Đầu vào không phải là yếu tố quyết định nhưng lại là yếu tố rất quan trọng, đặc biệt ở Việt Nam, vì ta chưa kiểm soát được quá trình đào tạo. Đã vậy khả năng kiểm soát đào tạo của những trường khó khăn trong tuyển sinh mà chúng ta đang nói tới còn kém hơn mặt bằng chung. Anh đã kém đầu vào, anh còn kém cả quá trình, chất lượng của anh càng kém.
Giờ là lúc các trường ngoài công lập phải xác định nếu mình đi theo con đường nâng cao chất lượng thì không thể tồn tại được. Khi khả năng đáp ứng nhu cầu học tương đối tốt rồi thì không ai người ta chấp nhận một anh chất lượng đào tạo kém hơn mà học phí cao hơn. Thời gian qua anh tồn tại được là vì năng lực đào tạo của các trường công lập hạn chế về quy mô, nhưng giờ các trường công lập phát triển hơn, có khả năng đáp ứng về chỗ học nhiều hơn thì sự đòi hỏi các trường ngoài công lập phải nâng cao chất lượng càng gay gắt.
Có lẽ chẳng đâu như ta, chất lượng đào tạo của các trường ngoài công lập thấp hơn trường công nhưng học phí lại cao hơn. Tất cả các nước khác thì ngược lại, bao giờ trường tư cũng là khu vực nhằm vào đối tượng người dân có yêu cầu chất lượng cao hơn và sẵn sàng đóng học phí cao hơn. Đó là thị phần của các trường tư. Còn trường công mới là trường về cơ bản đảm bảo chất lượng đại trà, đáp ứng chỗ học của đông đảo nhân dân.
Cảm ơn giáo sư!
Ngay từ ban đầu, khi mới hình thành, trường ngoài công lập của chúng ta đã phát triển không đúng hướng. Sau mười mấy năm trời anh không định hướng lại mà vẫn đi theo kiểu “mì ăn liền” thì đến lúc những bất cập của anh bộc lộ đến mức không chấp nhận được. Nếu không điều chỉnh nhanh chắc chắn sẽ không tồn tại. Thời điểm này cũng là dịp tốt để các trường ngoài công lập xem xét lại để phát triển đúng hướng. Đương nhiên việc gì cũng có lộ trình. Nhà nước, Bộ GD&ĐT cần có một chính sách làm sao để tạo ra một lộ trình cho các trường ngoài công lập dần dần đi đúng hướng nhưng sự hỗ trợ này không cần phải bỏ điểm sàn, không phải thả lỏng chất lượng tuyển sinh. Tất nhiên những gì chúng ta bàn là trong điều kiện Bộ GD&ĐT vẫn duy trì hình thức thi “ba chung”. |
Thư Hiên (thực hiện)