Trong phương hướng phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, văn kiện Đại hội XIII đặc biệt nhấn mạnh đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tôi cho rằng đây là chủ trương mang tầm chiến lược, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Có nguồn nhân lực chất lượng cao, đất nước ta mới có thể “phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” như đã nêu trong văn kiện Đại hội Đảng lần này. Định hướng rõ ràng này sẽ giúp hệ thống giáo dục và đào tạo nước ta tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn trong những năm sắp tới.
Làm rõ khái niệm nguồn nhân lực chất lượng cao
Thực tế từ ngày đất nước ta thực hiện công cuộc đổi mới, các cơ sở giáo dục Đại học đã đổi mới căn bản về chương trình, phương pháp giảng dạy và chúng ta đã đạt được rất nhiều thành công. Dựa trên các quan điểm chỉ đạo của Đảng về phát triển kinh tế xã hội của đất nước, các trường đã nhanh chóng cập nhật nội dung, viết lại giáo trình, thay thế các môn học không còn phù hợp bằng những môn học mới, tiếp cận tiến bộ của thế giới.
Phương pháp đào tạo cũng đã đổi mới triệt với việc ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin và internet. Nhờ vậy các trường đại học đã cung cấp kịp thời nguồn nhân lực đáp ứng được sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Song cho đến nay, các trường thực hiện việc đổi mới một cách tự phát, mỗi trường hiểu nguồn nhân lực chất lượng cao theo kiểu riêng của mình, thiếu định hướng rõ ràng để đạt được mục tiêu chung. Lần này văn kiện Đại hội XIII đã chỉ rõ nguồn nhân lực chất lượng cao đó theo hướng “đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” để chủ động, tích cực tham gia vào nền kinh tế trong kỷ nguyên số. Với định hướng rõ ràng trong văn kiện Đại hội Đảng lần này, các trường đại học sẽ điều chỉnh lại chuẩn đầu ra cho phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực.
Để thực hiện được điều này, trước hết các trường cần đổi mới mạnh mẽ tư duy về ngành nghề. Văn kiện Đại hội XII đã nêu “phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Tư duy vốn có về ngành hẹp, về các trường chuyên ngành quá sâu hầu như không còn phù hợp trong đào tạo nhân lực ngày nay. Bởi bất kỳ sản phẩm thông minh nào cũng là sự kết hợp đa ngành.
Thực hiện chủ trương phát triển nguồn nhân lực của Đảng như đã nêu thì các trường sẽ phát triển đào tạo theo hướng liên ngành, trong đó kiến thức, kỹ năng về công nghệ số không thiếu trong bất kỳ ngành đào tạo nào. Sinh viên ngành kỹ thuật công nghệ, quản lý kinh tế, khoa học sức khỏe, xã hội nhân văn… đều phải am tường về kỹ thuật số thì mới phù hợp với yêu của thị trường lao động mới.
Đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học
Trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì trí tuệ, ý tưởng là vốn quí có tính cạnh tranh cao nhất. Vì vậy chúng ta cần khơi dậy tiềm năng sáng tạo của mọi người thông qua đào tạo, giúp cho người học có phương pháp tư duy tốt để phát triển trí tuệ. Do đó nghiên cứu khoa học không thể thiếu trong quá trình đào tạo. Các nhà trường cần tập cho sinh viên nghiên cứu khoa học ngay từ những năm đầu tiên thông qua các dự án, đề tài để khi ra trường sinh viên có phương pháp và năng lực nghiên cứu, thích nghi với đòi hỏi của thị trường lao động trong thời đại mới.
Trong bối cảnh khoa học công nghệ thay đổi nhanh chóng như ngày nay, việc đào tạo không phải chỉ nhắm vào những việc làm có sẵn mà phải giúp cho người học tự sáng tạo ra những việc làm mới. Có như vậy nguồn nhân lực nước ta mới có thể tham gia “phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo” như đã nêu trong văn kiện Đại hội XIII.
Để có được thế hệ sinh viên đáp ứng yêu cầu này, chúng ta cần có sự chuẩn bị cho học sinh phổ thông những kiến thức và kỹ năng phù hợp. Giáo dục tiếp cận STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) hiện nay đã bắt đầu áp dụng ở một số trường. Tôi tin rằng trong thời gian tới, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, cách tiếp cận giáo dục này sẽ được nhân rộng ra trên phạm vi cả nước.
Nhân lực trong kỷ nguyên số dựa trên vốn căn bản là trí tuệ mà mỗi người có sở hữu riêng. Do đó nhà trường cần đổi mới phương pháp giảng dạy sao cho khơi dậy được tiềm năng trí tuệ của từng người. Phương pháp truyền thụ kiến thức một chiều nay không còn phù hợp. Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo đã nêu rõ cần chuyển quá trình giáo dục từ trang bị kiến thức là chính sang phát triển năng lực và phẩm chất của người học. Nay chủ trương này đã được đưa vào văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Tôi tin tưởng với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, trong những năm tới cả hệ thống giáo dục của chúng ta sẽ có những chuyển biến tích cực về đổi mới phương pháp giảng dạy. Sự thay đổi phương phát này cần sự chuyển biến đồng bộ trong tư duy từ cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đến các địa phương và các nhà trường. Ở bậc phổ thông, quá trình này sẽ được thực hiện song song với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa mà bước đầu chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực trong quá trình triển khai sách giáo khoa mới.
Ở bậc đại học, điều này phụ thuộc vào quan điểm và nhận thức của các nhà trường, đặc biệt là đội ngũ giảng viên. Trong năm qua do tác động của dịch Covid-19, các nhà trường đã có những đổi mới mạnh mẽ về phương pháp giảng dạy. Thông qua dạy và học trực tuyến cả thầy và trò đều trở nên năng động và tích cực hơn. Đặc biệt là cách dạy học này đã giúp cho sinh viên chủ động và có trách nhiệm trong học tập. Điều này sẽ thúc đẩy quá trình tự học, tự phát triển năng lực và tư duy của người học.
Với Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học cũng như các qui định hiện hành, các trường hoàn toàn có thể chủ động phát huy tính năng động và sáng tạo của mình để đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy cũng như linh hoạt mở các ngành đào tạo mới theo nhu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên những điều kiện đó chưa đủ để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao có năng lực sáng tạo để chủ động tham gia cuộc cách mạng số nếu các trường không có điều kiện phát triển nghiên cứu khoa học.
Đây là hạn chế có thể làm chậm tiến trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đạt được các mục tiêu mà văn kiện Đại hội XIII đã xác định. Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, các ngành liên quan nên cùng nhau bàn bạc các giải pháp hữu hiệu để đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học ở các trường đại học. Một trong những giải pháp này là tích hợp hệ thống các viện nghiên cứu và các trường đại học để sử dụng hiệu quả tiềm năng đội ngũ và cơ sở vật chất.
Đổi mới hệ thống quản trị đại học
Trên tất cả, thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo để đạt được kỳ vọng đã nêu trong văn kiện Đại hội XIII phụ thuộc nhiều vào đổi mới hệ thống quản trị đại học. Điều này đã được nêu trong Luật Giáo dục Đại học và đã được cụ thể hóa trong rất nhiều văn bản dưới luật. Các trường đại học đã thành lập Hội đồng trường, thiết chế cần thiết để thực hiện tự chủ đại học. Tuy nhiên hoạt động Hội đồng trường hiện nay chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong đợi bởi quyền tự chủ của nhà trường trên thực tế không thay đổi gì nhiều khi có Hội đồng trường.
Hội đồng trường chỉ chia sẻ quyền và trách nhiệm với các thiết chế hiện có của trường. Vì vậy nên thay đổi cách tiếp cận theo hướng quyền của Hội đồng trường là quyền do cơ quan chủ quản giao thêm. Về vấn đề này, văn kiện Đại hội XIII đã chỉ rõ “thực hiện cơ chế tự chủ đối với đào tạo bậc đại học phù hợp với xu thế chung của thế giới”. Thiết chế Hội đồng trường là mới mẻ đối với các trường đại học nước ta nhưng nó đã tồn tại từ lâu trong hệ thống quản trị đại học thế giới. Vì thế việc nghiên cứu kinh nghiệm của các nước về thiết chế này sẽ giúp chúng ta thiết lập được mối quan hệ hữu hiệu giữa cơ quan chủ quản và Hội đồng trường để phát huy tối đa quyền tự chủ của các trường đại học.
Với định hướng rõ ràng về đào tạo nguồn nhân lực đã nêu trong văn kiện Đại hội XIII tôi tin tưởng hệ thống giáo dục đại học nước ta trong những năm sắp tới sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành công trong đào tạo thế hệ lao động mới phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế.