Góp ý hồ sơ nghị quyết đổi mới Chương trình Giáo dục Mầm non

GD&TĐ - Sáng 30/9, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo góp ý dự thảo hồ sơ nghị quyết về đổi mới Chương trình Giáo dục Mầm non.

Trẻ tham gia hoạt động ngoài trời tại Trường Mầm non Vũ Ninh (Kiến Xương, Thái Bình). Ảnh tư liệu: Đình Tuệ.
Trẻ tham gia hoạt động ngoài trời tại Trường Mầm non Vũ Ninh (Kiến Xương, Thái Bình). Ảnh tư liệu: Đình Tuệ.

Chủ trì hội thảo là Vụ Giáo dục Mầm non (GDMN) gồm ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng và bà Hoàng Thị Dinh - Phó Vụ trưởng. Cùng dự có đại diện của nhiều tổ chức trong và ngoài nước, các địa phương, nhà trường.

Sự cần thiết ban hành chương trình GDMN mới

Phát biểu tại đây, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Nguyễn Bá Minh nhấn mạnh, Nghị quyết số 29 của BCH Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo yêu cầu, việc đổi mới được thực hiện ở tất cả các bậc học, chuyển từ giáo dục trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học.

3.JPG
Đồng chủ trì hội thảo là Vụ trưởng Nguyễn Bá Minh và Phó Vụ trưởng Hoàng Thị Dinh.

Với Giáo dục mầm non giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp 1; chú trọng kết hợp chăm sóc, nuôi dưỡng với giáo dục phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, yêu cầu phát triển thể lực và hình thành nhân cách.

Kết luận số 91 ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29 ngày 4/11/2013 của Trung ương Đảng cũng nêu: Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các bậc học. Trong đó, ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình GDMN mới với nội dung, phương pháp tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Luật Giáo dục quy định, GDMN là cấp học đặt nền móng cho việc hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ. Theo Luật Trẻ em số 102/2016/QH13, Nhà nước có trách nhiệm cùng với gia đình và cộng đồng tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ, bảo đảm quyền công bằng với mọi trẻ em, nhất là cơ hội tiếp cận giáo dục cho các em...

2.JPG
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Vụ Giáo dục Mầm non chia sẻ tại hội thảo.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục Mầm non cho hay, Chương trình GDMN được ban hành từ năm 2009 đến nay đã được 15 năm. Chương trình GDMN hiện hành có nhiều ưu điểm như: Chương trình khung, có tính chất mở; đáp ứng sự đa dạng của các vùng miền, đối tượng trẻ và hướng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.

Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, khoa học giáo dục, sự phát triển của trẻ em và đòi hỏi của hội nhập quốc tế, Chương trình GDMN hiện hành chưa thể hiện rõ về quan điểm tiếp cận hội nhập và tiếp cận văn hóa, đa văn hóa để phát huy các giá trị văn hóa địa phương, cộng đồng nơi trẻ em sinh sống, bảo tồn giá trị truyền thống tốt đẹp.

Mục tiêu chung của Chương trình GDMN quốc gia hướng đến là: Mọi trẻ em Việt Nam cần được phát triển toàn diện thông qua việc tiếp cận với chăm sóc, giáo dục có chất lượng cao, công bằng và bình đẳng. Hình thành nền móng các giá trị cốt lõi con người Việt Nam, giáo dục trẻ biết tôn trọng, bao dung, nhân ái, có kỹ năng sống cần thiết trong thời đại công nghiệp 4.0.

Cần xác định rõ các nội dung liên quan

5.JPG
Đại diện đến từ các cơ sở giáo dục mầm non, trường sư phạm tại Hà Nội cùng dự hội thảo.

Việc xác định nội dung Chương trình GDMN căn cứ theo mục tiêu giáo dục, định hướng phát triển của chương trình. Chương trình được thiết kế với đầy đủ các thành tố trong quá trình giáo dục theo cách tiếp cận hệ thống. Việc xây dựng, quản lý chất lượng chương trình có sự tham gia mạnh mẽ từ chính quyền, cơ quan quản lý giáo dục và cha mẹ trẻ.

Theo đại diện ban soạn thảo, tổ biên tập dự thảo hồ sơ nghị quyết đổi mới Chương trình GDMN của Bộ GD&ĐT, mục tiêu đổi mới nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả GDMN đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045; phát triển toàn diện trẻ em mầm non về thể chất, tình cảm, trí tuệ, ngôn ngữ và thẩm mỹ để từ đó hình thành các giá trị cốt lõi con người Việt Nam.

4.JPG
Các đại biểu cùng đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo.

Việc xây dựng Chương trình GDMN mới cần dựa trên cơ sở Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi. Đồng thời kế thừa và phát triển một số nội dung của Chương trình GDMN hiện hành. Trong đó, liên thông với Chương trình giáo dục Tiểu học (theo Chương trình GDPT 2018); cá nhân hóa quá trình giáo dục, quan tâm phát triển kỹ năng cảm xúc - xã hội ở trẻ, hòa hợp với tự nhiên.

Góp ý tại hội thảo, bà Trịnh Thị Xim – Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương cho rằng, dự thảo báo cáo cần thể hiện sắc nét hơn về phẩm chất năng lực của nhà giáo trong giai đoạn mới, đảm bảo chuẩn đầu ra cho trẻ đáp ứng yêu cầu của xã hội . Đồng thời đề cập tới việc nâng cao khả năng về Tin học, năng lực ngoại ngữ của đội ngũ giáo viên mầm non.

Bộ GD&ĐT đã tổ chức đánh giá việc thực hiện Chương trình GDMN hiện hành; tổng quan chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về đổi mới Chương trình GDMN; nghiên cứu cơ sở khoa học, kinh nghiệm quốc tế trong đổi mới GDMN; xây dựng quan điểm, định hướng đổi mới Chương trình GDMN; tổ chức thử nghiệm một số nội dung mới để hoàn thiện dự thảo Chương trình GDMN mới, sau đó thẩm định trước khi thí điểm.

Về lộ trình thực hiện, từ năm 2025 - 2028 tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non thực hiện Chương trình; thực hiện thí điểm Chương trình GDMN mới ở một số cơ sở GDMN; đánh giá độc lập quá trình thực hiện thí điểm. Năm 2029 sẽ thẩm định, ban hành Chương trình GDMN mới; hướng dẫn thực hiện và triển khai đại trà Chương trình GDMN mới trên toàn quốc từ năm học 2029-2030. Dự kiến, dự thảo Nghị quyết này sẽ được Bộ GD&ĐT trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5/2025.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Napoléon Bonaparte viễn chinh xâm lược Ai Cập vào năm 1798 theo lệnh Bộ Ngoại giao Pháp. Ảnh: Ancient-origins.net

Napoléon mở màn Ai Cập học

GD&TĐ - Sau chiến dịch xâm lược Ai Cập của Napoléon, vô số hiện vật Ai Cập đã bị khai quật, cướp bóc, đưa về Pháp.