Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ GD&ĐT Vũ Thị Hạnh cho biết, Ban Thường vụ Đảng uỷ Bộ quyết định sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn Cuốn “Lịch sử Đảng bộ Bộ GD&ĐT, giai đoạn 1990-2020”.
Trên tinh thần khách quan, trung thực, cuốn sách cần được biên soạn một cách khoa học theo tiến trình các sự kiện lịch sử diễn ra tại Đảng bộ Bộ, nhằm tri ân lớp người đi trước đã cống hiến cho quá trình xây dựng và phát triển của Bộ, Đảng bộ Bộ nói riêng và của đất nước nói chung.
Cuốn sách tạo động lực tinh thần to lớn, cổ vũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ trong giai đoạn mới, nhất là trong bối cảnh hiện nay “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Trong quá trình biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ, đến trước thời điểm hiện tại, Ban Thường vụ đã tổ chức Hội thảo xin ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng uỷ Bộ, các nhà khoa học và các tổ chức đảng trực thuộc về dự thảo Đề cương cuốn Lịch sử Đảng bộ và xin góp ý đối với bản thảo lần 1, lần 2.
Ban Thường vụ đã chỉ đạo Ban soạn thảo, Ban biên tập nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng và tiếp thu tối đa và chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện bản thảo cả về bố cục và nội dung.
Báo cáo quá trình xây dựng cuốn Lịch sử Đảng bộ Bộ GD&ĐT, giai đoạn 1990-2020, nhà báo Dương Thanh Hương, Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, đại diện Ban biên soạn cho biết, Ban soạn thảo đã được sự ủng hộ của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ, các thế hệ lãnh đạo Đảng ủy Bộ, của các đồng chí nguyên là chuyên trách công tác Đảng và trách nhiệm của Đảng ủy Bộ GD&ĐT nhiệm kỳ 2020-2025. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn tư liệu ít ỏi, Ban soạn thảo còn gặp nhiều khó khăn.
Đến thời điểm hiện tại, sau những lần tiếp thu ý kiến góp ý, dự thảo cuốn sách đã hoàn thiện với bố cục 4 phần: Phần mở đầu, phần nội dung, phần kết luận và phụ lục.
Trong đó, phần mở đầu khái quát quá trình hình thành và hoạt động của Đảng bộ Bộ GD&ĐT từ khi thành lập cho đến năm 1990. Phần nội dung gồm 3 chương, nêu quá trình lãnh đạo đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo qua các giai đoạn, từ năm 1990-2020.
Phần kết luận nêu khái quát quá trình hình thành và phát triển của Đảng bộ qua các thời kỳ; khái quát những thành tựu, đóng góp quan trọng của Đảng bộ qua các thời kỳ và đúc kết một số kinh nghiệm lịch sử.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ, góp ý những nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung để nâng cao chất lượng cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ Bộ GD&ĐT, giai đoạn 1990-2020”.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Nguyên Bí thư Đảng ủy Bộ cảm ơn Ban soạn thảo với một sản phẩm chỉn chu, trong bối cảnh khó khăn, thể hiện dấu ấn của Bộ GD&ĐT trong lãnh đạo, chỉ đạo; với mục tiêu tổng kết thực tiễn, tái hiện bức tranh về một giai đoạn lịch sử 30 năm, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm.
TS Nguyễn Vinh Hiển, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nguyên Bí thư Đảng ủy Bộ kiến nghị, cần có quy chế phối hợp tốt giữa Ban Cán sự Đảng và Đảng ủy Bộ, đồng thời, có những khắc họa nổi bật nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT qua từng nhiệm kỳ.
Thay mặt Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ GD&ĐT, đồng chí Vũ Thị Hạnh cảm ơn lãnh đạo Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng uỷ Bộ các thời kỳ, các nhà khoa học, các đơn vị Bộ GD&ĐT đã có những ý kiến góp ý vô cùng quý báu, với minh chứng thực tiễn cụ thể. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, chỉnh sửa để hoàn thiện, tiến tới thẩm định và ban hành cuốn sách trong thời gian tới.