(GD&TĐ) - Quyết định 85/2010/QĐ-TTg (ngày 21/12/2010) của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) đã chắp cánh ước mơ đến trường cho hàng ngàn học sinh dân tộc thiểu số ở Đăk Glei. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện, các trường cũng gặp không ít khó khăn...
Công tác xét duyệt học sinh bán trú (HSBT) được Phòng GD&ĐT huyện Đăk Glei triển khai từ đầu năm học 2010 - 2011. Theo đó, năm học 2010 –2011, toàn huyện có 18 trường tổ chức bán trú cho học sinh (TCBTCHS), với tổng số HSBT là 1.500 em, trong đó ở trong trường 937 em và ở ngoài trường 563 em; năm học 2011 - 2012, huyện có 19 trường TCBTCHS với tổng số HSBT là 1.647 em, trong đó có 1.113 em ở trong trường và 534 em ở ngoài trường; năm học 2012 - 2013 toàn huyện có 19 trường TCBTCHS (trong đó 7 trường mới thành lập chuyển đổi thành trường PTDTBT) với tổng số 1.602 HSBT, trong đó có 1.128 em ở trong trường và 474 em ở ngoài trường.
Đến nay đã có 6 trường được đầu tư xây dựng 22 phòng ở, 4 bếp nấu ăn, 3 phòng ăn, 2 giếng nước và một số công trình vệ sinh; các trường được trang bị 300 giường đôi, 400 bộ chăn màn và một số dụng cụ sinh hoạt cho HSBT (PTDTBT - THCS Ngọc Linh, PTDTBT - THCS Mường Hoong, PTDTBT - THCS Đăk Long, PTDTBT - THCS Đăk Man, THCS Đăk Môn, THCS Xã Xốp).
Các trường còn lại mới được trang bị một số giường, chăn, màn... Tuy nhiên, qua khảo sát một số trường, chúng tôi nhận thấy cơ sở vật chất, phòng ở, bếp nấu ăn, phòng ăn, nhà vệ sinh, nước sạch và các dụng cụ khác để phục vụ công tác nuôi, dạy HSBT còn thiếu thốn. Mặt khác, kinh phí hỗ trợ tiền ăn và nhà ở cho HSBT theo Quyết định 85/QĐ-TTg còn chậm, đến tháng 10/2012, các trường mới được phân bổ 3,680 tỷ đồng, đạt khoảng 30% so với kế hoạch kinh phí đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Theo tính toán của Phòng GD&ĐT huyện, tính từ học kỳ II năm học 2010 - 2011 đến hết năm học 2012-2013 (từ ngày 1/1/2011 - thời điểm QĐ 85 có hiệu lực thi hành - đến tháng 5/2013), nếu cấp đủ thì nguồn kinh phí được cấp cho huyện theo Quyết định 85 là 14,471 tỷ đồng (chưa kể kinh phí xây dựng, mua sắm trang thiết bị...), như vậy còn thiếu gần 11 tỷ đồng so với kế hoạch được phê duyệt.
Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Việc phát triển hệ thống trường PTDTBT, trường TCBTCHS ở cấp tiểu học và THCS đã tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho việc học tập, rèn luyện của HS ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tăng tỷ lệ huy động HS ra lớp, giảm tỷ lệ HS bỏ học, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập. Nhờ có mô hình trường bán trú nên trong 3 năm qua, tỷ lệ huy động HS ra lớp toàn huyện luôn đạt từ 98 - 99%; số HS bỏ học giảm đáng kể: Bậc tiểu học dưới 1%, bậc THCS dưới 1,1%...
Theo ông Đông, kế hoạch từ nay đến năm học 2015 - 2016, Phòng GD&ĐT huyện tiếp tục duy trì 7 trường PTDTBT và 12 trường TCBTCHS. Dự trù kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở cho 7 trường PTDTBT là 59,686 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ tiền ăn, ở và mua sắm trang thiết bị, dụng cụ sinh hoạt cho 12 trường TCBTCHS trên 20 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu trên, từ nay đến năm học 2015 - 2016 cần phải xây dựng 108 phòng ở cho HSBT, 15 nhà tắm, 19 công trình vệ sinh (gồm 38 phòng vệ sinh nam và 38 phòng vệ sinh nữ), 19 giếng khoan cùng hệ thống bể chứa nước; mua sắm, trang bị một số đồ dùng trong sinh hoạt như: Bếp ga, nồi cơm điện, giường, chăn, màn, xoong, chảo, thau, rổ, bát, đũa... Để nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình trường bán trú, đề nghị các cơ quan chức năng cần cấp đủ số kinh phí đã được phê duyệt để ngành có điều kiện triển khai thực hiện.
Ngọc Linh