Google và Apple hợp tác ra mắt công nghệ cảnh báo lây nhiễm Covid-19

Google và Apple hợp tác ra mắt công nghệ cảnh báo lây nhiễm Covid-19

Hai tập đoàn cho biết 22 quốc gia và một số tiểu bang của Hoa Kỳ đã lên kế hoạch thiết kế các ứng dụng điện thoại mới mà người dân có thể tự nguyện sử dụng bằng phần mềm của họ. Những người có cài đặt ứng dụng sử dụng công nghệ Thông báo Lây nhiễm này sẽ nhận được thông báo nếu họ tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19, tất nhiên bệnh nhân Covid-19 này cũng phải cài đặt ứng dụng và khai báo nhiễm bệnh.

Công cụ này sử dụng kết nối Bluetooth để các điện thoại kết nối với nhau. Do cùng được phát triển bởi Google và Apple nên nó được cho là sẽ giúp các điện thoại Android và iOS giao tiếp với nhau dễ dàng hơn.

Nhiều chính phủ đã cố gắng, phần lớn là không thành công, khi tung ra các ứng dụng điện thoại của riêng họ để chống lại sự lây lan của đại dịch Covid-19. Nhiều ứng dụng trong số đó đã gặp phải sự cố kỹ thuật trên điện thoại Apple và Android và chưa được áp dụng rộng rãi. Họ thường sử dụng GPS để theo dõi vị trí của mọi người, điều mà Apple và Google đang cấm sử dụng vì những lo ngại của người dân về quyền riêng tư và độ chính xác.

Các cơ quan y tế công cộng từ Đức đến các bang Alabama và Nam Carolina đã chờ đợi để sử dụng mô hình Apple - Google mới, trong khi các chính phủ khác cho biết hạn chế về quyền riêng tư của những gã khổng lồ công nghệ này sẽ gây trở ngại vì nhân viên y tế công cộng sẽ không có quyền truy cập vào dữ liệu thu thập qua mô hình này.

Google và Apple cho biết họ không cố gắng thay thế theo dõi bằng liên lạc, một phương thức trụ cột để kiểm soát bệnh dịch trong đó các nhân viên y tế công cộng được đào tạo sẽ tiếp cận với những người có thể đã tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh để tiến hành cách ly. Nhưng hệ thống thông báo nguy cơ lây nhiễm tự động của Google và Apple có thể tăng cường cho quá trình đó và làm chậm sự lây lan của Covid-19 từ những người mang virus mà chưa có triệu chứng.

Danh tính của người sử dụng ứng dụng sẽ được bảo vệ bằng mã hóa và đèn hiệu nhận dạng ẩn danh thay đổi thường xuyên.

Google và Apple cho biết công nghệ mới - sản phẩm của sự hợp tác hiếm hoi giữa các đại gia công nghệ kì phùng địch thủ - giải quyết một số thách thức kỹ thuật chính mà chính phủ gặp phải khi xây dựng các ứng dụng dựa trên Bluetooth. Cụ thể, lỗi kỹ thuật thường xảy ra nhất là hai điện thoại dùng Android và iOS không kết nối với nhau suôn sẻ. Thứ hai, việc kết nối thường xuyên giữa các điện thoại có thể gây hao pin điện thoại. Ngoài ra, việc mỗi quốc gia xây dựng một ứng dụng khác nhau khiến các ứng dụng này không giao tiếp được với nhau, nên người dùng quốc gia này sẽ không nhận biết được có tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh ở quốc gia khác hay không, trong trường hợp họ đi du lịch hay công tác nước ngoài.

Hai công ty sẽ phát hành giao diện lập trình ứng dụng (API) cho phép các thiết bị chạy bằng Android và iOS tương tác với nhau thông qua ứng dụng của các cơ quan y tế nhà nước. Người dùng có thể tải ứng dụng từ các kho ứng dụng tương ứng trên điện thoại của mình.

Cả Google và Apple đều cho rằng cú bắt tay giữa họ sẽ giải quyết được các vấn đề nêu trên. API này là kết quả làm việc của đội ngũ kỹ sư của cả hai công ty, do đó bảo đảm tính tương thích hệ thống nội bộ lẫn tương thích chéo giữa hai nền tảng smartphone lớn nhất hiện tại. Hai công ty cho biết thông tin của người dùng sẽ được mã hoá, để người dùng khác hay cả Google và Apple đều không nắm được.

TheoAP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.