Gồng mình chống dịch sốt xuất huyết

GD&TĐ -Những ngày này, bệnh viện Dệt May cũng như nhiều bệnh viện khác tại Hà Nội đang phục vụ vượt công suất. Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang lan tràn ra các vùng ở thủ đô Hà Nội khiến cho số lượng bệnh nhân tăng vọt, gây không ít khó khăn cho việc chữa trị kịp thời. Tuy nhiên, với phương pháp quản lý thông minh và hiệu quả, bệnh viện Dệt May đã không từ chối bất cứ bệnh nhân SXH nào đến với nơi này.  

Gồng mình chống dịch sốt xuất huyết

Thiếu người quá!

Đó là lời than thở của một vị lãnh đạo bệnh viện trong thời điểm đầu tháng 8/2017, khi ổ dịch SXH đang tiếp tục lan rộng. Số bệnh nhân đến nhập các viện như Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bạch Mai, Dệt May… tăng đột biến. Hầu như tại các giường bệnh, bệnh nhân phải chung cảnh từ ba tới năm người/giường.

Trong lúc phải truyền dịch, bệnh nhân nên nằm thoải mái, thì lại phải ngồi do giường bệnh không đủ cho cùng lúc mấy người nằm. Bệnh viện Dệt May đã huy động các sinh viên ngành y tại trường Đại học Y, Đại học Thăng Long, các cán bộ, y sỹ đang trong thời gian đi học trở về chung tay chăm sóc, chữa trị bệnh nhân.

Bệnh viện cũng tìm cách tạo nguồn kinh phí bồi dưỡng cho lực lượng y sỹ, các tình nguyện viên đang hỗ trợ điều trị bệnh nhân tại bệnh viện. Phải sử dụng phương châm bốn tại chỗ để giải quyết dịch bệnh: Chỉ huy tại chỗ, Lực lượng tại chỗ, Phương tiện, vật tư tại chỗ, và Hậu cần tại chỗ.

Khi bị triệu chứng sốt xuất huyết, bệnh nhân thường tìm đến các bệnh viện như Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bạch Mai, Dệt May, VinMec, Hồng Ngọc… Tính đến thời điểm này, số ca bị SXH trên cả nước đã lên tới trên 50 ngàn người, tử vong 15 người. Hầu hết những bệnh viện kể trên mỗi ngày tiếp đón tới 200 ca SXH trở lên, riêng bệnh viện Dệt May mỗi ngày đón hơn 300 ca SXH.

Các ổ dịch nặng nhất bùng phát ở các quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân. Đích thân Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Bộ Y Tế đã tới kiểm tra tình hình sốt xuất huyết tại quận Đống Đa và có những chỉ đạo kịp thời như toàn dân phải vào cuộc để phòng chống dịch SXH hiệu quả, bền vững, kiên quyết xử lý các đơn vị như khu nhà trọ, công trình xây dựng gây ô nhiễm, tạo điều kiện phát sinh ổ dịch…

Bác sỹ cũng ốm!

Việc bệnh nhân dồn đến nhiều, quá tải bệnh viện, các y, bác sỹ cũng phải làm việc quá tải, dẫn đến kiệt sức. Một vị lãnh đạo bệnh viện cho biết, tới nay, số nhân viên, y sỹ trong bệnh viện đã bị ốm tới 10%, phải nghỉ làm, trong đó có y sỹ cũng bị SXH.

Không chỉ phải khám và phục vụ số bệnh nhân ngày càng tăng cao, mà mỗi bệnh nhân vào viện lại kéo theo từ 1-3 người nhà, khiến cho bệnh viện càng đông đúc, thiếu không khí và ngột ngạt. Do đó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cả bệnh nhân và y sỹ.

Tại bệnh viện Dệt May, trước tình hình bệnh nhân SXH đổ về quá nhiều, lãnh đạo bệnh viện đã nhanh chóng đề ra mục tiêu, không từ chối bất cứ bệnh nhân nào. Và để có thể chữa trị hiệu quả cho số bệnh nhân tăng đột biến, các phòng họp, phòng hội trường, khoa sản, khoa đông y cũng được thu dụng để dành cho bệnh nhân SXH điều trị.

Nhờ phương pháp chỉ đạo sáng suốt, tất cả cán bộ, nhân viên, y sỹ đều kiêm nhiệm nhiều việc, làm thêm thời gian từ 6h sáng tới 8h tối, thậm chí muộn hơn để phục vụ và điều trị đủ cho bệnh nhân.

Hiện nay, sức chứa của bệnh viện Dệt May đã lên tới 900 người. Mỗi ngày bệnh viện phải nhập tới hàng ngàn chai dịch truyền cho bệnh nhân. Có ngày thị trường không cung ứng đủ, bệnh viện chấp nhận phải mua dịch truyền với giá cao. Bằng mọi cách phải có đủ phương tiện, thuốc men để điều trị cho bệnh nhân.

Khi chúng tôi đến, các hộp carton đựng dịch truyền bày la liệt ở hành lang các phòng bệnh chưa kịp dọn đi, mọi nhân viên, y sỹ đi lại nhanh nhẹn nhưng lặng lẽ, bình tĩnh. Trong các phòng bệnh, dù rất đông bệnh nhân và phải ghép giường, nhưng kể cả bệnh nhân và người nhà họ đều bình tĩnh, tin tưởng vào điều trị của bác sỹ.

Bác sỹ Nguyễn Đình Dũng, Giám đốc bệnh viện Dệt May cho biết, những ngày này, bệnh viện đã hỗ trợ và thưởng nóng cho các y sỹ từ 2-4 triệu đồng/ tháng, các tình nguyện viên từ 1-2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, hàng ngày đội ngũ y sỹ và tình nguyện viên được chăm sóc sức khỏe, tăng sức đề kháng bằng cách bồi dưỡng thêm sữa, chè đậu xanh, đậu đen, trái cây tươi… Trên tinh thần dốc toàn lực, cố gắng vượt qua chính mình để giúp bệnh nhân vượt qua dịch SXH.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Câu trả lời rõ ràng

GD&TĐ - Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sẽ thay thế tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị...
Rút ngắn kỳ nghỉ hè có thể cải thiện năng suất học tập của học sinh.

Đề xuất rút ngắn kỳ nghỉ hè tại Anh

GD&TĐ - Quỹ từ thiện Nuffield, Anh, đề xuất nước này nên rút ngắn kỳ nghỉ hè từ 6 tuần xuống 4 tuần còn thời gian nghỉ giữa các học kỳ kéo dài 1 - 2 tuần.
Đồng bào các dân tộc xem triển lãm ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tháng 5 'Theo dấu chân Người'

GD&TĐ - Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) trong tháng 5/2024 sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề 'Theo dấu chân Người'.