'Gốc rễ' hành vi chưa đúng mực ở trẻ

GD&TĐ - Thời gian qua, vụ việc trẻ có hành vi không đúng mực với giáo viên đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.

Học sinh Trường THCS Chu Văn An, TP Thái Nguyên (Thái Nguyên) tham gia sinh hoạt chuyên đề 'Nói không với bạo lực học đường'.
Học sinh Trường THCS Chu Văn An, TP Thái Nguyên (Thái Nguyên) tham gia sinh hoạt chuyên đề 'Nói không với bạo lực học đường'.

Thời gian qua, vụ việc trẻ có hành vi không đúng mực với giáo viên đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Báo GD&TĐ trao đổi với PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia tâm lý học về vấn đề này.

Trẻ cần được dạy về nghĩa vụ

- Vụ việc một nhóm học sinh có hành vi bạo lực với chính cô giáo của mình mà mạng xã hội lan truyền trong thời gian qua chỉ là cá biệt. Song, không ít người đặt ra câu hỏi, với văn hóa “Tôn sư, trọng đạo” mà Việt Nam đã gìn giữ hàng nghìn năm qua, vì sao vụ việc này lại xảy ra, thưa ông?

- Hiện nay, vai trò và vị thế của người giáo viên đã bị thay đổi. Trước đây, khi thầy, cô giáo dạy dỗ học sinh, theo đúng quan điểm truyền thống người thầy là người giúp chúng ta có cả một sự nghiệp, là trung tâm của tri thức. Người thầy giỏi sẽ giúp những người học trò cũng giỏi và có những trợ lực để học trò vững bước trên đường đời.

Song, trong cuộc cách mạng 4.0 đã và đang diễn ra hiện nay, người thầy không còn là trung tâm của tri thức nữa. Bởi, tất cả các nguồn tri thức và học liệu đều có thể tìm thấy trên mạng, người học có thể tự mình tìm kiếm. Thậm chí, nếu chịu bỏ thời gian tìm kiếm, học tập thì người học còn có thế tìm hiểu được nhiều thứ.

Do vậy, hiện nay vai trò của người thầy không còn là trung tâm truyền đạt tri thức mà trở thành người truyền cảm hứng học tập, một người dạy cho học trò những phương pháp tự học để biến mình thành người học suốt đời.

Vai trò của người thầy trong bối cảnh hiện tại là người đồng hành, định hướng về mặt nhân cách, người dạy trẻ biết cách sống, tôn trọng những giá trị tốt đẹp. Dường như xã hội chưa chú ý đến khía cạnh này.

Dường như đa phần đều cho rằng, đó là điều không cần dạy, con chúng tôi đương nhiên là có nhân cách tốt đẹp mà quên đi rằng, đó là công sức rất lớn của các thầy, cô giáo.

Đương nhiên, để trở thành một biểu tượng của “dạy người” thì bản thân người thầy cũng phải là một tấm gương mẫu mực. Chỉ khi nào xã hội nhận ra rằng, việc dạy người mới là cốt lõi ở thời điểm hiện tại và nhiệm vụ chính của người giáo viên không còn là dạy chữ mà là dạy người, là truyền cảm hứng để con chúng ta từ đứa trẻ không thích học tập thay đổi thành có hứng thú học tập, có mục tiêu, có đam mê để thay đổi cả một số phận, thay đổi tương lai thì khi đó, người giáo viên mới có được sự tôn trọng đúng mức.

- Hiện nay, trẻ em thông minh hơn, được phát triển trong xã hội hiện đại, đầy đủ, nên dường như chúng cũng “hư” hơn?

- Có những yếu tố thuộc về tâm lý của lứa tuổi Gen Z và Gen Alpha cũng như cách thức chúng ta đang định hướng cho các em. Chúng ta có rất nhiều tiến bộ trong việc bảo vệ quyền trẻ em. Song, chúng ta chỉ tuyên truyền về quyền mà chưa chú trọng đến nói cho các em về nghĩa vụ.

Quyền và nghĩa vụ cần phải được giáo dục một cách song song. Rõ ràng, trẻ được quyền có được sự tôn trọng từ người khác, nhưng với điều kiện là em phải hành xử thể hiện sự tôn trọng với mọi người. Thực tế, hiện tại, rất cần có sự hợp tác của 3 bên, đó là gia đình - nhà trường - xã hội để giáo dục một đứa trẻ. Ai cũng hiểu về mặt lý thuyết là thế.

Một thực tế cũng cần phải thừa nhận là việc triển khai được sự hợp tác này là rất khó. Bởi, các phụ huynh ngày càng bận rộn, áp lực kinh tế nhiều hơn. Do đó, bố mẹ cũng không thực sự có khoảng thời gian gần gũi với con.

Việc trẻ làm gì, tâm lý con thế nào, xem gì trên mạng,... đó là những thứ nhiều lúc bố mẹ không kiểm soát được. Cuối cùng, nhiều bố mẹ vẫn có quan điểm là: “Thôi bố mẹ lo tiền nhé, còn trăm sự nhờ thầy cô”.

Kể cả giáo viên có cố gắng để dạy cho con chúng ta thành người tốt, thì chỉ một mình người thầy cũng khó có thể đạt được mục tiêu này với 1 tiết, 2 tiết học mỗi tuần về những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Trong khi đó, về nhà, các em chả thấy bố mẹ yêu thương nhau chút nào, còn trên mạng xã hội thì đầy rẫy những chất liệu bạo lực, không phù hợp với trẻ. Bởi vậy, những cố gắng của thầy cô dường như không đạt được mục đích. Và rồi, khi không đạt được mục đích thì mọi người lại cho rằng thầy cô chưa làm tốt, thầy cô bây giờ không làm được như thời xưa.

Phụ huynh cần là tấm gương tốt

PGS.TS Trần Thành Nam.

PGS.TS Trần Thành Nam.

- Chỉ vài năm trở lại đây, hàng loạt vụ bạo lực học đường đã xảy ra, với phần lớn học sinh là nạn nhân. Làm sao để hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng này, thưa ông?

- Ở môi trường học đường, trong khoảng thời gian ngắn, có nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra. Nhà trường chưa chú trọng đến an toàn về thể chất hoặc tâm lý cho trẻ. Chúng ta ý thức được cần bắt tay giữa 3 bên, nhưng thực tế, còn khó để đáp ứng.

Quan trọng nhất là dạy trẻ làm người, nhất là làm người tốt. Dạy để trẻ chung sống với những người khác, có giá trị tốt đẹp, yêu thương, hợp tác, đoàn kết.

Có một số điều cần chú ý về mặt kỹ năng ở trẻ, gồm: Giải quyết vấn đề bạo lực, năng lực tự chăm sóc sức khoẻ tinh thần. Đồng thời, cần có năng lực về công nghệ số, biết xử lý trong tình huống nguy cơ, bao gồm cả bị bắt nạt.

Về phía gia đình, trước hết, cha mẹ cần xem mình đã trở thành tấm gương tốt chưa. Gia đình cần nói về cách xử lý hành vi bạo lực, hậu quả của các hành vi bạo lực có thể ảnh hưởng đến trẻ.

Đồng thời, cần dạy con một số kỹ năng cơ bản như: Kiểm soát cảm xúc, cân nhắc và lựa chọn hành vi, tương ứng với hậu quả của hành vi đó. Bản thân cha mẹ phải là người đồng hành để hiểu tâm lý của con. Biết được con đang ở đâu, đang làm gì, với ai. Từ đó, để con không tiếp cận với nhiều chất liệu bạo lực trên mạng.

Cha mẹ cũng cần biết con đối với bạn bè thế nào, liệu con có hành vi không chuẩn mực với người lớn và giáo viên không. Cha mẹ cần nói chuyện để con hiểu được những hành vi đấy nguy hại ra sao, chứ không làm ngơ, cổ suý. Phụ huynh cần là tấm gương tốt, giáo dục hành vi tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ