Phải cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê”

GD&TĐ - Vừa qua, Dự thảo Luật Đầu tư của Chính phủ trình Quốc hội đã bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư sửa đổi, liên quan đến chính sách về đầu tư kinh doanh do Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày cho rằng, liên quan đến việc đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, theo ông Thanh, hiện có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất, tán thành Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Luật đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Đồng thời, đề nghị có quy định xử lý chuyển tiếp đối với các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ hiện nay, làm rõ tác động và phương án xử lý đối với các doanh nghiệp này trong dự thảo Luật. Loại ý kiến thứ hai, không nên đưa ngành, nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Với 02 loại ý kiến trên, tôi đồng tình với loại ý kiến thứ nhất, đó là bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo Tờ trình của Chính phủ.

Bởi thời gian qua, dịch vụ đòi nợ thuê đang biến tướng, rất khó quản lý, nhiều doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh này nhưng ngấm ngầm móc nối với các băng đảng "xã hội đen" để tổ chức các hoạt động đòi nợ cho khách hàng không đúng theo quy định của pháp luật, gây bất bình trong quần chúng nhân dân.

Thủ đoạn các doanh nghiệp này là sử dụng các nhân viên đòi nợ thuộc đối tượng có tiền án, tiền sự để đi đòi nợ với các thủ đoạn khủng bố, cưỡng ép, uy hiếp, đe dọa…thậm chí gây thương tích cho con nợ với mục đích là để con nợ phải trả nợ bằng mọi giá. Mặc dù, con nợ chưa có tiền để trả nhưng bọn chúng vẫn dồn ép đến đường cùng buộc con nợ phải phạm tội để có tiền trả nợ, hoặc chấp nhận bị đánh đập, có trường hợp không chịu nỗi phải tìm đến cái chết.

Thực tế, vẫn có nhiều doanh nghiệp đòi nợ thuê làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật, vừa làm trung gian hòa giải, xây dựng phương án trả nợ được chủ nợ và con nợ chấp thuận. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có một số doanh nghiệp đòi nợ thuê được thành lập để hợp thức hóa cho hoạt động tín dụng đen, có hành vi vi phạm pháp luật nhằm chiếm đoạt tài sản của công dân.

Công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp đòi nợ thuê còn lỏng lẽo, chưa chặt chẽ hay nói đúng hơn là rất khó quản lý nên nhiều doanh nghiệp này hoạt động biến tướng, bất chấp pháp luật. Các con nợ bị uy hiếp, khủng bố tinh thần, đánh đập…nhưng không khai báo, tố giác tội phạm vì sợ trả thù, do đó các cơ quan chức năng không có cơ sở để xử lý.

Chính vì vậy, việc đề xuất đưa loại hình dịch vụ đòi nợ thuê vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh là cần thiết nhằm ngăn chặn sự biến tướng của dịch vụ này. Đồng thời, cần phải khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp theo con đường tố tụng dân sự thông qua Tòa án và cơ chế thi hành án.

Để làm được điều này thì cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án phải được hoàn thiện, khắc phục những tồn tại, bất cập, nhất là ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản để đảm bảo công tác thi hành án.

Mặt khác, cần kiên quyết xử lý các băng nhóm xã hội đen hoạt động đòi nợ thuê bất hợp pháp, bởi vì, khi nào hoạt động đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen còn tồn tại, thì khi đó các chủ nợ thường ưu tiên lựa chọn “dịch vụ” này hơn là chọn cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ