Mập mờ tuyển sinh du học Nhật Bản không cần bằng THPT

GD&TĐ - Trước thông tin dư luận về một doanh nghiệp dịch vụ thông báo tuyển sinh đi du học Nhật Bản mà không cần bằng tốt nghiệp THPT, phóng viên Báo GD&TĐ đã tiến hành xác minh, làm rõ sự việc. Lần theo dấu vết những đường đi của “dịch vụ du học” lạ kỳ này, phóng viên đã phát hiện ra hàng loạt “chiêu trò” gian dối để hợp thức hóa hồ sơ của các du HS.

Bên ngoài trụ sở của Trung tâm JVCI thuộc Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại vàĐầu tư Việt Nhật
Bên ngoài trụ sở của Trung tâm JVCI thuộc Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại vàĐầu tư Việt Nhật

Du học Nhật Bản dễ như… đi chợ?

Du học Nhật Bản hiện đang là một trong những lựa chọn hàng đầu của nhiều HS Việt Nam. Nhưng để được đi du học tại đất nước “Mặt trời mọc”, HS cần phải đáp ứng nhiều điều kiện rất khắt khe; trong đó, điều kiện cơ bản nhất là phải có bằng tốt nghiệp THPT…

Hàng năm, có hàng nghìn HS Việt Nam đăng kí sang Nhật Bản du học với mong muốn cầm trong tay một tấm bằng đại học ở môi trường giáo dục hàng đầu - “chìa khóa” giúp họ khi trở về nước sẽ có được một công việc lý tưởng, đi kèm với mức lương cao. Tất nhiên, đó là chuyện sau khi tốt nghiệp, còn trong quá trình học, du HS còn có cơ hội đi làm thêm, vừa có tiền đóng học phí, vừa trải nghiệm để tích lũy kinh nghiệm về sau này; chưa kể những ai có kỹ năng lao động tốt và siêng năng chịu khó, còn có thể “dắt lưng” chút vốn mang về sau những năm tháng tu nghiệp…

Những lời mời chào như vậy không hề thiếu trên bất cứ trang tư vấn du học nào ở nước ta hiện nay, ai nghe cũng thấy bùi tai. Bởi vậy, nhiều gia đình dù khó khăn về kinh tế hoặc con em có học lực kém, vẫn cố chạy vạy xoay xở để con được ra nước ngoài bằng mọi cách; nếu không phải là để chuyên tâm học hành thì vừa học vừa làm, hoặc cứ đi làm đã rồi tìm cơ hội học tập sau...

Nắm bắt được nhu cầu trên, nhiều trung tâm dịch vụ du học Nhật Bản đã “tận tình” giúp họ thực hiện ước mơ bằng mọi cách. Thậm chí, cả trường hợp HS chưa có bằng tốt nghiệp THPT, vẫn được trung tâm “tạo điều kiện” để thực hiện các thủ tục một cách nhanh gọn nhất.

Nhân viên tư vấn của Trung tâm JVCI đang cung cấp thông tin cho “khách hàng”
 Nhân viên tư vấn của Trung tâm JVCI đang cung cấp thông tin cho “khách hàng”

Trong vai những người đang có người thân muốn đi du học Nhật Bản, chúng tôi tìm đến Trung tâm JVCI thuộc Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và Đầu tư Việt Nhật, có địa chỉ tại số 2, ngõ 12, đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy (Hà Nội). Tại đây, nữ nhân viên tên Hằng đã tư vấn cho chúng tôi làm thủ tục du học. Sau khi nghe chúng tôi trình bày về việc chưa có bằng tốt nghiệp THPT, bà Hằng cho biết: “Những trường hợp này chỉ quen biết bên em mới làm. Trường hợp của anh thuộc diện hồ sơ khó”.

Nói là như thế, nhưng khi đã nắm chắc được “nhu cầu” của khách hàng, nữ nhân viên này rất thoải mái và nhiệt tình cung cấp các thông tin để “giữ khách”.

Theo lời tư vấn của cô, hiện nay nhu cầu đi du học Nhật Bản của HS Việt Nam rất nhiều, nhưng không phải ai có nguyện vọng cũng đi được. Bởi còn phải trải qua nhiều điều kiện bắt buộc từ sức khỏe, bằng cấp, tài chính và nhất là việc bắt buộc phải tham dự vòng thi tiếng Nhật để hoàn tất thủ tục.

“Trường hợp HS không có bằng tốt nghiệp cấp 3 mà muốn đi du học trên thực tế là rất khó. Tuy nhiên, vẫn có thể xử lý được, còn vấn đề chi tiết xử lý như thế nào thì đó là việc của bọn em”, nhân viên tư vấn này cho biết.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi chi phí cụ thể cho xử lý việc “hồ sơ khó” ra sao, nữ nhân viên này tận tình hướng dẫn: “Bằng cấp 3 mua có bao nhiêu đâu anh. Với lại bằng nghề sẽ tốt hơn so với bằng cấp 3. Bằng nghề thì chỉ sử dụng để đi du học thôi. Bọn em rất hạn chế trả lại bằng vì cái đó là phục vụ cho việc đi du học, không dùng tại Việt Nam. Cái đó không tốn thêm bao nhiêu cả, khoảng 10 - 20 triệu thôi. Chúng em sẽ thông báo lại cụ thể cho phía gia đình sau”.

Sau công đoạn tư vấn nêu trên, chúng tôi nhận được lời mời đến Trung tâm của nhân viên tư vấn tên Trang để trao đổi cụ thể thêm. Tại đây, người này cho biết: “Trường hợp của em là trường hợp hồ sơ khó. Chi phí xử lý là 14 triệu. Số tiền này em phải đóng trước khi chị xử lý”.

Khi chúng tôi hỏi lại về loại bằng cấp mà Trung tâm hứa hẹn “giúp đỡ” là bằng gì, thì được bà Trang cho biết, đó là bằng tốt nghiệp của một trường nghề có đào tạo cả văn hóa (!). Vậy là đã rõ, chẳng cần phải mất công học hành gì, cứ bỏ tiền ra rồi ngồi đợi là sẽ có được tấm bằng “hợp lệ” để hoàn tất thủ tục cho hồ sơ du học. Việc đi du học Nhật Bản như thế thì quả là… dễ như đi chợ.

Các quy định của ngành GD đang bị phớt lờ?

Bản Hợp đồng dịch vụ tư vấn du học được phía công ty dịch vụ cung cấp
 Bản Hợp đồng dịch vụ tư vấn du học được phía công ty dịch vụ cung cấp
 Không chỉ đi du học chẳng cần bằng THPT, mà quy trình làm thủ tục để được đi du học ở Nhật Bản, theo những hướng dẫn của đơn vị dịch vụ, cũng “trọn gói” một cách bài bản.

Cụ thể theo bản Hợp đồng dịch vụ tư vấn du học, cùng bản Quy trình du học, do các nhân viên tư vấn của Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và Đầu tư Việt Nhật cung cấp, hóa ra các “thủ tục” còn dễ dàng hơn cả việc chúng ta đăng ký cho con vào học các lớp đầu cấp hiện nay, đặc biệt đối với những trường hợp “trái tuyến”. Chẳng hạn tại bản “Quy trình ở Việt Nam” do phía công ty đưa ra, có quy định rõ:

Yêu cầu trước tiên là du HS phải đăng kí đi du học tại Công ty Việt Nhật. Sau khi đã đăng kí xong, học viên sẽ phải chuẩn bị hồ sơ theo hướng dẫn của công ty. Hoàn tất 2 giai đoạn trên, học viên sẽ được kí Hợp đồng dịch vụ tư vấn du học với công ty, cùng với số tiền đặt cọc là 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng). Tiếp theo là phải tham gia khóa học tiếng Nhật tại trung tâm của công ty. Ở giai đoạn này, học viên sẽ được trung tâm làm hộ chiếu và cho thi chứng chỉ tiếng Nhật sau khi kết thúc khóa học.

Quy trình của du học sinh khi ở Việt Nam và Nhật Bản sẽ phải thực hiện
 Quy trình của du học sinh khi ở Việt Nam và Nhật Bản sẽ phải thực hiện

Bước tiếp theo, trung tâm tư vấn thuộc công ty sẽ gửi hồ sơ của học viên cho trường CĐ, ĐH bên Nhật Bản, đồng thời gửi bộ hồ sơ khác lên Cục Xuất nhập cảnh của Nhật Bản để kiểm tra thông tin của du HS. Trường học ở bên Nhật hoặc Cục Xuất nhập cảnh bên phía nước ngoài sẽ gọi điện kiểm tra thông tin của HS xem có trùng khớp với các thông tin trong hồ sơ mà trung tâm này cung cấp hay không. Đây sẽ là giai đoạn thứ 5 trong quy trình đưa người đi du học.

Khi đã hoàn thành tất cả các bước làm thủ tục, người có nhu cầu đi du học chỉ còn việc ngồi đợi kết quả từ phía cơ sở đào tạo mà mình đã đăng ký theo học, nếu trúng tuyển sẽ có thông báo triệu tập. Kết quả sẽ được thông báo trước 1 tháng của kỳ nhập học. Nếu HS đỗ, trung tâm sẽ hỗ trợ xin visa, sau đó sẽ xuất cảnh qua Nhật Bản để bắt đầu quá trình du học.

Khu nội trú trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội, là nơi các học viên của Trung tâm du học này học tập và sinh hoạt
 Khu nội trú trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội, là nơi các học viên của Trung tâm du học này học tập và sinh hoạt

Các bước nêu trên cho thấy, việc tiếp nhận dịch vụ đưa HS đi du học Nhật Bản của công ty này đã phớt lờ mọi quy định của pháp luật cũng như của ngành GD về quản lý văn bằng chứng chỉ. Tạm thời không đề cập đến hàng loạt nghi vấn khó lý giải, thì riêng việc đưa những HS không đủ trình độ sang nước bạn du học, với các hứa hẹn thiếu thực tế, cũng đã là một dạng “đem con bỏ chợ”. Chưa kể nếu việc sang Nhật Bản học tập là có thực, thì những HS ấy liệu có đủ khả năng để hoàn thành chương trình học, hoặc sẽ làm gì với tấm bằng (nếu đạt được) sau khi trở về nước?

Câu hỏi sẽ là rất nhiều chuyện mập mờ xung quanh tuyển sinh du học của đơn vị tư vấn này. Câu trả lời, đang chờ đợi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ