Đại diện Điện lực Đống Đa đã xin lỗi khách hàng nhà C6 tập thể Trung Tự

GD&TĐ - Sáng 23/6/2019, Điện lực Đống Đa đã đến nhà C6 tập thể Trung Tự (quận Đống Đa, Hà Nội) đối thoại với người dân về việc lắp công tơ và ghi số điện. Tại đây, Phó Giám đốc Công ty điện lực Đống Đa Lê Viết Hải đã xin lỗi khách hàng.

Đại diện Điện lực Đống Đa, ông Lê Viết Hải (người thứ 3 từ phải sang), điều hành đối thoại và xin lỗi khách hàng nhà C6 tập thể Trung Tự.
Đại diện Điện lực Đống Đa, ông Lê Viết Hải (người thứ 3 từ phải sang), điều hành đối thoại và xin lỗi khách hàng nhà C6 tập thể Trung Tự.

Tại buổi đối thoại, trước sự thắc mắc của người dân nhà C6 tập thể Trung Tự, Phó Giám đốc Công ty điện lực Đống Đa Lê Viết Hải đã xin lỗi khách hàng. Đó là, khi triển khai dự án “Cải tạo đường dây hạ thế, dây viễn thông tuyến phố Đặng Văn Ngữ”, chưa thông báo đến khu dân cư, dẫn đến nhiều thắc mắc chưa được giải đáp. Trong đó có việc, khi tháo dỡ công tơ cũ và lắp đặt công tơ mới không có biên bản bàn giao thực trạng công tơ với khách hàng.

Ông Hải cho biết, đơn vị thi công là do công ty thuê nên họ không thể giải đáp được các thắc mắc. Ông cũng ghi nhận những kiến nghị, bức xúc của người dân như nội dung Báo Giáo dục & Thời đại đã nêu là đúng và cần phải tìm hiểu để khắc phục.

Người dân hoan nghênh tinh thần cầu thị của Điện lực Đống Đa khi đã khắc phục một số vấn đề tồn đọng của dự án. Đó là dán decan tên khách hàng lên công tơ điện, chỉ cho khách hàng biết công tơ nhà mình ở đâu, ghi nhận ý kiến về việc ghi số điện, tiền điện tăng bất thường.

Tuy nhiên, tại cuộc đối thoại, người dân vẫn tiếp tục kiến nghị về các vấn đề như đường dây điện thiếu thẩm mỹ và lo sợ về vấn đề an toàn cháy nổ như đã từng xảy ra tại khu nhà này hồi năm ngoái.

Ông Bùi Đình Môn - một cư dân ở tổ dân phố cho biết, ông ở đây từ năm 1976. Suốt từ hồi đó đến nay, ông toàn mua điện từ trên trời (ý nói, điện lực nói bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu, không kiểm soát được - pv). Nay có dự án chuyển công tơ gần các hộ gia đình để tiện kiểm soát là rất tốt. Song ông không thể chấp nhận kiểu làm cẩu thả cho xong tay, bó dây điện của các nhà thành một búi như bó rau muống buộc sợi rơm, vừa xấu, vừa thiếu an toàn. Nhỡ ra, các cháu nhỏ nhà tôi hay nhà ai đó đụng vào gây chết người thì ai chịu trách nhiệm?

Ông Bùi Đình Môn (người thứ nhất từ bên phải sang), không thể chấp nhận kiểu làm cẩu thả cho xong tay, bó dây điện của các nhà thành một búi như bó rau muống buộc sợi rơm, vừa xấu, vừa thiếu an toàn.
 Ông Bùi Đình Môn (người thứ nhất từ bên phải sang), không thể chấp nhận kiểu làm cẩu thả cho xong tay, bó dây điện của các nhà thành một búi như bó rau muống buộc sợi rơm, vừa xấu, vừa thiếu an toàn.

Liên quan đến dự án, ông Tuấn vốn là người từng công tác trong ngành điện nên rất am hiểu. Với hiện trạng lắp đặt dây và công tơ bề bộn tại khu nhà mình ở, ông cho rằng còn rất nhiều sai sót, chưa hợp lý. Vì vậy, ông đề nghị Điện lực Đống Đa đem bản thiết kế ra rà soát lại xem đơn vị thi công đã làm đúng với thiết kế hay chưa. “Đây thuộc trách nhiệm quản lý của Công ty Điện lực Đống Đa”. Ông Tuấn nhấn mạnh.

Về việc tiền điện tăng bất hợp lý, chị Hoàn cho biết, nhà chị có hai người và đi vắng suốt ngày, chị thì về quê cả tháng. Vậy mà tháng này điện lực báo tiền điện nhà chị lại tăng gần gấp đôi. Khi người dân đề nghị, nên phát bảng ghi chỉ số điện, tiền điện mấy tháng gần đây của các hộ gia đình cho họ để tiện theo dõi và tránh thắc mắc, đại diện Điện lực Đống Đa nói: “ai thắc mắc mới đưa”. (?)

Một người dân khác thắc mắc khi được các công nhân gọi đến kiểm tra công tơ nhà mình. Mặc dù đã đóng hết nguồn điện vào nhà, nhưng các chỉ số trên công tơ… vẫn chạy (?). Khi nêu ý kiến thắc mắc tại sao công tơ vẫn quay thì chị được giải thích rằng, “khi đóng hết nguồn điện sử dụng, công tơ vẫn hiển thị một số các chỉ số khác” (?!). Chị vẫn chưa thỏa mãn với cách giải thích đó và mong muốn được các chuyên gia độc lập về điện giải thích cặn kẽ hơn.

Nhân viên Điện lực Đống Đa đang giải thích cho khách hàng vì sao cắt hết nguồn điện mà công tơ vẫn chạy.
 Nhân viên Điện lực Đống Đa đang giải thích cho khách hàng vì sao cắt hết nguồn điện mà công tơ vẫn chạy.

Với những kiến nghị mới này, Phó Giám đốc Công ty điện lực Đống Đa Lê Viết Hải hứa sẽ ngay lập tức kiểm tra, rà soát lại toàn bộ dự án. Thời gian khắc phục các vấn đề người dân phản ánh khoảng một tuần, chậm nhất là nửa tháng. Ông Hải cũng cho biết: “kiến nghị về tiền điện, sẽ giải quyết theo quy trình. Nếu người dân sai sẽ truy thu tiền điện”.

Thiết nghĩ, việc công tơ điện có sai sót dẫn đến sai lệch tiền điện không phải do lỗi của khách hàng. Ngành điện sẽ nghĩ thế nào khi mà có những hộ dân không hề tăng thêm thiết bị điện, nhân khẩu không biến động và cũng không sử dụng thêm thời gian sinh hoạt, vậy mà tháng nào số điện tiêu thụ cũng tăng, và chỉ sau gần 5 tháng, chỉ số điện tiêu thụ đã tăng gần gấp đôi ?     

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ