Chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông

GD&TĐ - * Hỏi: Tôi là giáo viên THCS của một trường công lập thuộc tỉnh Nghệ An. Ngoài việc dạy đủ số tiết theo quy định, tôi được nhà trường phân công giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi cho nhà trường.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Vậy, tiết dạy bồi dưỡng học sinh giỏi của tôi có được trả lương không và được tính như thế nào? Nếu không tôi có được giảm định mức tiết dạy/tuần không? Tôi có được quyền từ chối không giảng dạy bồi dưỡng HSG được không? Diễm Châu (diemchau***@gmail.com)

* Trả lời: Theo Khoản 1 Điều 6 Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông (Ban hành kèm theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT): Định mức tiết dạy là số tiết lý thuyết hoặc thực hành của mỗi giáo viên phải giảng dạy trong một tuần, cụ thể như sau: Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên THCS là 19 tiết, giáo viên THPT là 17 tiết.

Theo Điều 2 Quy định thì đối với giáo viên được huy động tham gia công tác hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ do phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT tổ chức thì 1 tiết giảng dạy thực tế được tính bằng 1,5 tiết định mức.

Báo cáo ngoại khóa cho học sinh do nhà trường tổ chức (có giáo án hoặc đề cương báo cáo) thì số tiết báo cáo thực tế được tính tương đương số tiết định mức. Hiệu trưởng căn cứ tình hình thực tế quy định việc quy đổi tiết dạy đối với các công việc chuyên môn khác sau khi có ý kiến đồng ý của giám đốc sở GD&ĐT.

Căn cứ vào quy định nêu trên và theo thư bạn viết, trường hợp của bạn không thuộc đối tượng giảm định mức tiết dạy. Tức là bạn vẫn phải dạy đủ 19 tiết/tuần đối với giáo viên THCS.

Về tiền dạy theo giờ, bạn có thể đề xuất với hiệu trưởng để được thanh toán trên cơ sở hướng dẫn của Thông tư số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8/3/2013 của liên bộ gồm: Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính “Hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập”. 

Theo Điều 25 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc người đứng đầu đơn vị sử dụng viên chức chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của viên chức, bảo đảm các điều kiện cần thiết để viên chức thực hiện nhiệm vụ và các chế độ, chính sách đối với viên chức.

Việc phân công nhiệm vụ cho viên chức phải bảo đảm phù hợp với chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý được bổ nhiệm và yêu cầu của vị trí việc làm. Tuy nhiên, vì lý do khách quan hoặc chủ quan, bạn có thể đề nghị hiệu trưởng không tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ