Góc khuất trong hệ thống trường thể thao Trung Quốc

GD&TĐ - Bộ Giáo dục Trung Quốc vừa có văn bản yêu cầu các trường thể thao làm tốt hơn giáo dục văn hóa cho vận động viên, cũng như tích hợp hơn giáo dục vào thể thao. 

Góc khuất trong hệ thống trường thể thao Trung Quốc

Từ lâu, hệ thống trường thể thao Trung Quốc được coi là những lò luyện “cơ bắp” thuần túy mà trống vắng hẳn mảng giáo dục học thuật, văn hóa. Yêu cầu của Bộ Giáo dục nói trên được kì vọng mang tới những thay đổi lớn trong đào tạo vận động viên.

Khoảng trống văn hóa trong trường thể thao

Văn bản của Bộ Giáo dục chỉ rõ, chất lượng giáo dục văn hóa tại các trường thể thao có ý nghĩa rất quan trọng tới chất lượng vận động viên, cũng như liệu các trường có thể duy trì phát triển bền vững. Văn bản được ban hành dựa trên nhiều cuộc thanh tra của Bộ Giáo dục tại các trường thể thao ở 9 thành phố và tỉnh của Trung Quốc cuối năm 2015.

Bộ Giáo dục nhận thấy nhiều trường không chi đủ tiền cho giáo dục văn hóa, trong khi điều kiện cơ sở và trang thiết bị cho học văn hóa tại nhiều trường đã lỗi thời.

Trong khi đó, nhiều cơ quan quản lí giáo dục địa phương rất ít quan tâm tới giáo dục văn hóa ở trường thể thao, một số trường thậm chí không đủ điều kiện dạy phổ cập giáo dục 9 năm – dẫn tới thiếu sự quan tâm và sáng tạo trong học tập của vận động viên.

Các trường thể thao đóng vai trò lớn trong phát triển thể thao đỉnh cao của Trung Quốc, nuôi dạy 95% tổng số vận động viên Trung Quốc giành huy chương tại các giải đấu quốc tế - theo Bộ Giáo dục. Hiện có tổng cộng 2.183 trường thể thao các cấp tại Trung Quốc, 1.717 trường trong đó nuôi dạy học viên là trẻ em.

Lò luyện “chiến binh”

Việc tăng cường giáo dục văn hóa trong trường thể thao có mục đích lớn nhất là nâng cao trình độ văn hóa cho vận động viên để đến khi họ giã từ sự nghiệp thi đấu sẽ dễ dàng hòa nhập hơn với xã hội. Việc tăng thời lượng giáo dục văn hóa cũng có thể coi là cách giảm thời gian, áp lực tập luyện thể thao thuần túy.

Để ươm mầm cho những nhà vô địch Olympic tương lai, Trung Quốc đã đổ một khoản kinh phí khổng lồ cho các trường thể thao, mà bắt đầu đào tạo trẻ từ khi mới 4 tuổi. Trường Thể dục dụng cụ Li Xiaoshuang tại Xiantao, tỉnh Hồ Bắc, là một ví dụ. Khoảng 100 vận động viên nhí, từ 4 đến 9 tuổi, được đào tạo tại Li Xiaoshuang. Mặc dù, các bài tập uốn dẻo cơ thể cực kì khắc nghiệt nhưng học sinh của trường ý thức rõ trách nhiệm đặt trên vai. Những cựu học sinh của trường đã giành 3 Huy chương Vàng Olympic.

Trường Li Xiaoshuang nhận 14 triệu USD từ ngân sách trong một thập kỉ trước khi diễn ra Olympic 2008 tại Bắc Kinh. Học sinh được nhận “lương” chính thức. So với vận động viên Mỹ, thậm chí học sinh trong các trường thể thao tại Trung Quốc còn dễ sống hơn. Ví dụ, nhiều VĐV dự Olympic của Mỹ phải tự lo kinh phí bằng học bổng hoặc từ các công việc khác.

Được đầu tư tiền bạc lớn thì học sinh cũng bị tước đi tuổi thơ, niềm vui cuộc sống… Li Shukui, phụ huynh của cặp nữ sinh sinh đôi 6 tuổi, chỉ được nói chuyện với con 1 lần/tuần qua điện thoại kể từ khi con vào học trường nội trú Li Xiaoshuang. Ông bố này chấp nhận hy sinh vì ánh hào quang của tấm huy chương, nhưng với những đứa con của Li Shukui thì có lẽ là sự áp đặt.

Tính ra, mỗi Huy chương Vàng Olympic mà Trung Quốc giành được ngốn trung bình 7 triệu USD đầu tư từ chính phủ cho chương trình đào tạo vận động viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?