Khát vọng đổi đời nơi đất khách
Khát vọng đổi thay cuộc sống là ước mơ của biết bao người dân quê đã và đang thiếu việc làm trong những năm gần đây. Ở hầu hết các vùng nông thôn và ngay cả thành phố, người dân quanh năm “bán mặt cho đất” đã và đang chịu một áp lực lớn đối với họ là thiếu việc làm hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp. Với họ, chỉ quẩn quanh với đồng ruộng thì có lẽ cuộc sống gia đình chẳng lấy gì làm khá giả, rồi nghèo túng, thiếu ăn và lạc hậu cứ đeo đẳng họ. Chính vì vậy, trong họ nhen nhóm ước mơ đổi đời bằng xuất khẩu lao động.
Khát vọng của đa số người dân đúng vào thời điểm Bộ Lao động, thương binh và xã hội có chủ trương đưa người Việt đi lao động tại các nước có nhu cầu lao động. Đây là một chủ trương đúng đắn của nhà nước ta nhằm giải quyết trước mắt nhu cầu việc làm của đa số người dân và tạo cơ hội cho nhiều người dân có thêm thu nhập ổn định.
Từ chủ trương đó, nhiều công ty môi giới xuất khẩu lao động đi các nước như Libya, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... được mọc lên để đáp ứng nhu cầu “xuất ngoại” của người dân ở khắp các vùng trong cả nước.
Mỗi chuyến đi của mỗi người dân đều mang theo khát vọng mong được đổi đời. Tuy nhiên, trên thực tế, trong số nhiều người dân đi xuất khẩu lao động, số thành công, kiếm được kha khá về cho gia đình cũng tương đối song số thất bại, không làm ăn được trở về cũng không phải là ít.
Cái giá phải trả
Trong những năm gần đây, ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở các vùng nông thôn hẻo lánh, nơi có người dân trong độ tuổi lao động đi xuất khẩu chiếm đa số, chúng tôi nhận thấy một thực trạng diễn ra phổ biến mà hầu như địa phương nào cũng có. Đó là tình trạng ly tán gia đình do ly hôn sau mỗi chuyến đi làm ăn của người lao động nơi những vùng quê và là điều nhức nhối. Có gia đình cả hai vợ chồng đi làm ăn xa để con cái ở nhà không ai chăm sóc, dạy bảo, dần dần trở nên hư hỏng, là gánh nặng của xã hội. Có gia đình, vợ đi làm giúp việc ở các nước bị “hấp dẫn” bởi đồng tiền nên ở lại đó không trở về nữa.
Bên cạnh đó, trong thời gian người chồng hoặc người vợ đi lao động ở nước khác, tình trạng rạn nứt tình cảm vợ chồng khá phổ biến. Đó là một nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ly hôn sau xuất ngoại. Chính tình trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của mỗi gia đình. Đặc biệt là tương lai của con trẻ khi chúng không nhận được sự quan tâm, chăm sóc thường xuyên của cha mẹ.
Một điều đáng nói ở đây là, trong khi nhiều địa phương đang có các mô hình kinh tế tạo việc làm tại chỗ cho người nông dân, nếu chịu khó, người dân cũng có thu nhập từ 5 đến 8 triệu đồng một tháng. Số tiền đó họ có thể trang trải cuộc sống và giữ được hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái trưởng thành.
Trong khi chính quyền địa phương quản lý nhân sự và chứng nhận cho người lao động đi xuất khẩu ở nước ngoài đúng thủ tục thì tình trạng nhiều người dân tự do đi khỏi địa phương, không cần giấy tạm vắng để đi lao động “chui” tại Trung Quốc đang là vấn đề nhức nhối đặt ra trong những năm gần đây.
Khi mà tình trạng người dân đi xuất khẩu lao động ngày càng nhiều và cũng ngày càng có nhiều gia đình bị tan vỡ hạnh phúc, gặp những bi kịch sau mỗi chuyến đi thì chính quyền địa phương có trách nhiệm gì trong việc này?
Nhiều nơi, chính quyền địa phương quản lý lỏng lẻo nhân khẩu hoặc làm ngơ để người dân tự do đi khỏi địa phương. Điều đáng nói là, nhiều trường hợp người dân sau khi đi khỏi địa phương, sang Trung Quốc làm một thời gian bị lừa lấy chồng người Trung Quốc hoặc bị những người dẫn mối lừa nộp một khoản tiền lớn. Nhiều trường hợp bị mất tích, không trở về và gia đình không thể nắm bắt được thông tin.
Trước tình trạng người dân đi xuất khẩu lao động nhiều và đi lao động “chui”, thiết nghĩ, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân làm thủ tục xuất khẩu lao động đúng quy định, tránh bị lừa gạt của các đầu mối trái phép...
Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, các bộ, ban, ngành cùng các địa phương cần khuyến khích phát triển các ngành, nghề truyền thống, các mô hình kinh tế phù hợp với từng địa phương để giải quyết việc làm tại chỗ cho nông dân, thu hút nguồn nhân lực địa phương để giảm thiểu tình trạng người dân đi xuất khẩu lao động.