Tuyển dụng nhân sự “bốn không”
Với nở rộ của dịch vụ tang lễ trọn gói từ A-Z, khâu tổ chức tang lễ của các gia đình ngày nay trở nên nhẹ nhàng và chu đáo hơn.
Theo đánh giá của anh Lê Sơn Tùng, Giám đốc công ty Nét Việt, một đơn vị chuyên dịch vụ tang lễ tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, hiện đa phần các gia đình đều cần phải liên hệ dịch vụ tang lễ khi có người nằm xuống.
Anh Lê Sơn Tùng (bên phải), chàng thanh niên 8x khởi nghiệp với dịch vụ phục vụ tang lễ trọn gói. So với bạn bè đồng trang lứa, anh Tùng được coi là người có công việc khá “lạ tai”. Ảnh: NVCC
Đặc biệt tại các thành phố lớn, theo ghi nhận thực tế của anh Tùng, có tới 60% các gia đình phải tổ chức ở nhà tang lễ, tổ chức ở nhà chiếm 40% bởi lý do “đất chật người đông”.
Chính vì thế, phục vụ tang lễ nay đã trở thành dịch vụ “hot” trong thời hiện đại. Theo đó, nhân viên dịch vụ tang lễ cũng được tuyển dụng với đầy đủ các yêu cầu, chế độ phúc lợi như các ngành nghề khác.
Bản thân đi lên từ một nhân viên kinh doanh đất nghĩa trang, rồi theo nghề dịch vụ tang lễ như một cơ duyên, anh Sơn Tùng cho biết ưu điểm của công việc này là “bốn không”: không cần bằng Đại học, không cần kinh nghiệm, không cần ngoại hình, không yêu cầu độ tuổi.
Dịch vụ tang lễ từ A-Z bao gồm các mảng cung cấp quan tài, nhạc hiếu, khâm liệm, xe tang đưa đón… Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, do công việc này hiện không có trường lớp nào đào tạo nên nhân sự chủ yếu học nghề bằng cách người đi trước truyền kinh nghiệm kỹ năng cho người mới đến. Trừ kế toán không phải đào tạo lại, còn lại nhân sự nào vào công ty cũng phải đào tạo từ đầu. Đa số, nhân sự làm nghề đều có độ tuổi “dừ” mới có thể gắn bó lâu với nghề.
Với sở thích đồ cổ, điêu khắc, anh Sơn Tùng bước vào công việc này như một cái duyên với nghề.
“Người làm công việc phục vụ tang lễ cần am hiểu phong tục tập quán tang lễ của từng vùng miền, có sự tập trung cao độ, không được phép sai sót trong bất cứ khâu nào.
Nếu chăm chỉ, chịu khó học hỏi và có duyên với công việc tâm linh thì sau 3 – 6 tháng học việc là có thể một mình điều phối đám tang, tìm khách hàng. Nếu không có duyên, không có tâm thì không làm được nghề này. Có người chỉ trụ một thời gian ngắn là phải chuyển nghề khác”, anh Tùng nói.
Theo đó, một nhân sự tang lễ “cứng” có thể đảm nhiệm nhiều đầu việc khác nhau. Đó là trang điểm cho người đã khuất, trang trí bàn vong sao cho trang trọng, khâm liệm, hỗ trợ thầy thực hiện nghi thức nhập quan, xử lý các việc phát sinh cũng như…lái xe tang.
Nghề “làm dâu trăm họ”
Nhiều người nghĩ dịch vụ tang lễ là nghề “hốt bạc” bởi trong lúc tang gia bối rối, gia chủ sẵn sàng “chi đậm”. Tuy nhiên, sự thực lại không như mọi người nghĩ. Anh Tùng đã từng gặp có những gia đình giàu có, sẵn sàng phóng tay chi tiền, chỉ riêng táo bày trang trí bàn vong cũng phải là loại táo giá “khủng” tới 400.000 đồng/ quả khách hàng mới ưng.
Không ít gia đình đưa ra những yêu cầu rất khắt khe, rồi muốn làm đám ma kiểu Hàn Quốc, kiểu châu Âu.
Các gia đình “đặt chỗ” sẵn tại nghĩa trang.
“Mỗi đám tang là một câu chuyện khác nhau, chuyện lãi lời mỗi đám cũng khác. Hơn nữa, đây là nghề làm dâu trăm họ, không chỉ làm việc với một người mà phải làm việc với cả gia đình, cả dòng họ nên nhân sự buộc phải tự tin, chủ động, tuyệt đối không được nhút nhát để đối diện với mọi vấn đề để lo đám tang được trọn vẹn”, anh Tùng bộc bạch.
Sau nhiều năm gắn bó với công việc tang lễ, anh Tùng nhận thấy những người làm công việc này có niềm tin vào những linh hồn đã khuất. Khi có tâm với công việc, họ cảm giác mình được phù hộ trên mọi nẻo đường. Cho đến giờ phút này, anh Tùng chưa có ý định “nhảy việc”. “Tôi tin vào những linh hồn đã khuất nhưng hướng vào những người còn sống, đó mới là những người quan trọng”, anh Tùng giãi bày.