Gỡ nút thắt trong quản lý dạy thêm, học thêm

GD&TĐ - Vừa qua, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT về việc công bố hết hiệu lực một số điều của Thông tư 17/2012, quy định về dạy thêm, học thêm. Trên các diễn đàn, nhiều bạn đọc cho rằng, đây là quyết định vô cùng đúng đắn của Bộ GD&ĐT trong việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, là cơ sở để chấm dứt việc o ép, trù dập, lôi kéo học sinh học thêm.

Bản chất của việc HS học thêm là để bổ sung những kiến thức đã hổng ở lớp dưới. Ảnh minh họa/ INT
Bản chất của việc HS học thêm là để bổ sung những kiến thức đã hổng ở lớp dưới. Ảnh minh họa/ INT

Có thể nói, dạy thêm học, thêm là nhu cầu chính đáng và có thật của cả người dạy và người học. Nếu tổ chức đúng nguyên tắc, việc dạy thêm, học thêm sẽ mang lại mục tiêu củng cố, nâng cao kiến thức cho học sinh. Luật Giáo dục cũng quy định rõ “phụ đạo học sinh yếu và bồi dưỡng học sinh giỏi là nhiệm vụ của giáo viên bộ môn, không được thu tiền”. Việc dạy thêm của những thầy cô giáo là lo cho chất lượng chung của lớp.

Bản chất của việc HS học thêm là để bổ sung những kiến thức đã hổng ở lớp dưới. Có em muốn học nâng cao để thi vào những trường chất lượng cao, trường chuyên…

Thực tế, thời gian qua, việc cấp giấy phép dạy thêm quá dễ dàng đã tạo kẽ hở cho nạn dạy thêm, học thêm biến tướng phát triển. Một số thầy cô giáo với mục đích vụ lợi, đã chèn ép, dùng đủ chiêu trò ép buộc học sinh phải học thêm.

Điều này đi ngược lại với nguyên tắc tự nguyện của phụ huynh và học sinh về dạy thêm, học thêm. Điều đáng nói, trong cái vòng xoáy dạy thêm, học thêm, học sinh sẽ trở thành nạn nhân cho thành tích, lợi ích của nhà trường, của giáo viên và cả sự kỳ vọng của cha mẹ.

Việc Bộ GD&ĐT sửa đổi một số điều trong Thông tư 17 là việc làm cần thiết khi Chương trình GDPT mới được ban hành. Cách thức kiểm tra, đánh giá có nhiều đổi mới, cải tiến theo hướng tinh giản, gần gũi, dễ nắm bắt, bám sát thực tiễn đời sống, chủ yếu phát huy năng lực và phẩm chất người học…sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan và trái phép.

Vấn đề là việc kiểm soát và quản lý dạy thêm, học thêm như thế nào cho hiệu quả? Phải chăng chúng ta đang dần mất đi niềm tin vào đội ngũ quản lý nhà trường hay chưa đủ mạnh trong việc xử lý vi phạm về dạy thêm, học thêm?

Để quản lý tốt việc dạy thêm, học thêm, thiết nghĩ, công tác kiểm tra, thanh tra dạy học thêm cần làm đồng bộ, thống nhất, tránh tình trạng nơi nặng, nơi nhẹ, khiến kỷ cương trường học bị lỏng lẻo, khinh nhờn. Cần lên án và xử lý nghiêm những trường hợp nhà trường, thầy cô giáo chèn ép, dùng đủ chiêu trò ép buộc học sinh phải học thêm. Các chủ thể như học sinh, phụ huynh, các cấp quản lý giáo dục cùng thay đổi nhận thức và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thì mới giảm thiểu được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan.

Hi vọng rằng, trong thời gian tới, ngành GD - ĐT phối hợp với các ban, ngành hữu quan quyết liệt dẹp nạn dạy thêm, học thêm trái phép. Nếu các nhà trường thực hiện đúng theo chỉ đạo của Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT, những người lãnh đạo các cấp có liên quan gương mẫu, việc dạy thêm tràn lan ngoài nhà trường chắc chắn sẽ chấm dứt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.