Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đang được cử tri và dư luận mong muốn thiết lập cơ chế có tính đột phá. Qua đó, nhằm hỗ trợ người dân, nhất là người mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo.
“Hút” người dân khám chữa tại y tế cơ sở
Tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Một trong những điểm mới Chính phủ đề xuất trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân là bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, được lên thẳng cấp chuyên môn cao. Qua đó, nhằm giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho Quỹ BHYT.
Dự thảo luật cũng sửa đổi quy định mang tính chất “thông tuyến” huyện toàn quốc đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và các cơ sở thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản đã được cấp có thẩm quyền phân tuyến huyện trước ngày 1/1/2025, thay vì chỉ “thông tuyến” huyện toàn quốc đối với bệnh viện tuyến huyện như luật hiện hành. Từ đó, nhằm thu hút người tham gia BHYT tăng cường khám chữa bệnh tại y tế cơ sở để thể chế hóa Chỉ thị số 25-CT/TW về tăng cường y tế cơ sở…
Thời gian qua, Bộ Y tế đã tổ chức các hội nghị, hội thảo để tháo gỡ những khó khăn trong việc triển khai BHYT. Trong đó, vấn đề bức xúc nhất là chuyển tuyến. Ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khám, chữa bệnh kịp thời thì cần có sự đầu tư đúng mức để bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến cơ sở cũng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, thực hiện được các nhiệm vụ khám chữa bệnh, tránh để người dân phải chuyển tuyến.
Hiện, Bộ Y tế đã triển khai các biện pháp như chỉ đạo tuyến, đưa bác sĩ về tuyến dưới, các chính sách khám chữa bệnh từ xa… nhưng vẫn chưa đáp ứng được hết.
Bảo đảm sự ổn định của hệ thống y tế
Góp ý về dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cho biết, hiện nay, theo quy định của Luật BHYT, việc đăng ký cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu theo địa giới hành chính. Có một số trường hợp đặc thù như bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo thì người dân lại chưa được tự đi khám và điều trị ở tuyến trên.
Trong khi đó, tuyến dưới chưa có đủ năng lực chuyên môn điều trị và phải thực hiện chuyển tuyến. Một số bệnh mãn tính chưa được đưa về y tế cơ sở để quản lý và cấp thuốc của tuyến trên. Từ đó, làm hạn chế quyền lợi của người tham gia BHYT và phức tạp về thủ tục không cần thiết.
Theo đại biểu, thủ tục chuyển tuyến, cấp giấy chuyển tuyến có lúc, có nơi còn có tình trạng gây phiền hà cho người bệnh. Thậm chí, có trường hợp còn phát sinh tiêu cực, gây bức xúc cho người bệnh.
Trong khi đó, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) đề nghị cân nhắc đến vấn đề người bệnh có thẻ BHYT tự đi khám, chữa bệnh, không phải chuyển tuyến. Qua đó, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, vừa đảm bảo chặt chẽ công tác quản lý và khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế.
Ông Hải cho rằng, vẫn quy định có thủ tục chuyển viện, nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng cho người bệnh khi phải chuyển tuyến. Đồng thời, cần quy định cụ thể hơn về việc chuyển thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế giữa các cơ sở khám, chữa bệnh.
Về vấn đề điều kiện chuyển người bệnh (chuyển tuyến), Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, đây là nội dung rất mới trong dự thảo luật. Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng đã có chỉ đạo về việc làm thế nào bảo đảm thuận lợi nhất cho người dân. Mặt khác, phải bảo đảm sự ổn định, vững chắc của hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở.
“Liên quan tới việc chuyển người bệnh, dự thảo luật đã đề cập đến những bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phải được điều trị bằng chuyên môn, kỹ thuật cao, bệnh mà chỉ tuyến chuyên sâu mới đáp ứng được”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.
Người đứng đầu ngành y tế cũng chia sẻ, việc giải quyết những vấn đề về chuyển tuyến đã được cân nhắc để đáp ứng mục tiêu vừa phục vụ cho người bệnh, nhưng cũng bảo đảm được cân đối hệ thống.
Trước đó, Bộ Y tế cho biết, căn cứ tại khoản 5 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT đã có quy định: Trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh, người tham gia BHYT phải xuất trình hồ sơ chuyển tuyến của cơ sở khám, chữa bệnh và giấy chuyển tuyến.
Trường hợp giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12 nhưng đợt điều trị chưa kết thúc thì được sử dụng giấy chuyển tuyến đó đến hết đợt điều trị. Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia BHYT phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám, chữa bệnh.
Như vậy, theo quy định trên, có thể thấy, thời hạn của giấy chuyển tuyến BHYT không có thời hạn nhất định, mà sẽ được quy định dựa trên tình hình sức khỏe và điều trị của bệnh nhân, được ghi rõ trên giấy chuyển tuyến.
Trước đó, tại Hội nghị Quản lý bệnh viện trong thời kỳ mới, do Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tổ chức, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, trong 2 tháng triển khai thí điểm tích hợp giấy chuyển tuyến lên VNeID, đã có gần 1 triệu giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế. Có hơn 2.629.000 giấy hẹn khám lại điện tử được tích hợp lên Cổng tiếp nhận thông tin giám định BHYT của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người bệnh khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Cũng theo bà Trần Thị Trang, từ ngày 1/7, giấy chuyển tuyến, hẹn tái khám đã được thí điểm tích hợp lên VNeID. Theo đó, khi người bệnh chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tái khám có thể xuất trình các giấy tờ này trên VNeID. Việc “số hóa” giấy chuyển tuyến, giấy hẹn tái khám đã đạt được kết quả. Việc này giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi, tiện ích cho người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh khi tiếp nhận, làm các thủ tục chuyển tuyến, tái khám.